Thách thức đối với Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia

Thứ Tư, 10/08/2022, 18:48

Ngày 7-8, Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia, ông Gustavo Petro đã tuyên thệ nhậm chức, hứa hẹn đấu tranh chống bất bình đẳng và báo trước một bước ngoặt trong lịch sử của đất nước Colombia vốn đang bị ám ảnh bởi cuộc chiến chống ma túy kéo dài.

Từ du kích đô thị đến Dinh Tổng thống

“Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn vào ngày lịch sử này”. Đó là những lời đầu tiên của vị tổng thống mới đắc cử trước đám đông sôi nổi đang nhảy múa và cổ vũ. “Câu chuyện mà chúng ta đang viết hôm nay là một câu chuyện mới cho Colombia, cho Mỹ Latinh, cho thế giới”, ông nói thêm.

Thách thức đối với Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia -0
Phó Tổng thống Francia Márquez và tân Tổng thống Gustavo Petro.

Ông Gustavo Petro đã giành chiến thắng trước các đối thủ bảo thủ trong cuộc bầu cử hồi tháng 6-2022 và trở thành vị tổng thống thiên tả đầu tiên của Colombia, phá bỏ truyền thống lâu nay ở đất nước này. Các nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chúc mừng chiến thắng của ông Petro, đánh dấu một chiến thắng nữa của phe cánh tả trong khu vực, hiện đang bao gồm Mexico, Honduras, Argentina, Bolivia, Peru và Chile.

Con đường trở thành tổng thống của ông được đánh giá là mang tính “lịch sử”. Ông Gustavo Petro năm nay 62 tuổi, sinh trưởng tại tỉnh Cordoba, xuất thân gia đình người Italy di cư vào thế kỷ 19. Năm 17 tuổi, ông tham gia lực lượng du kích đường phố mang tên Phong trào 19 tháng 4 (M-19) ở thành phố Zipaquirá, tỉnh Cundinamarca, lấy bí danh là một vị tướng cách mạng trong tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Gabriel García Márquez. Phong trào du kích cánh tả M-19 ra đời vào năm 1974 để phản đối liên minh Mặt trận Quốc gia (NF) gian lận trong cuộc bầu cử năm 1970, hoạt động chủ yếu trong các thành phố lớn.

Ông Petro đã dành 12 năm tuổi trẻ hoạt động trong M-19, từng bị bắt giam và bị quân đội tra tấn, sau đó bị kết án vì tội tàng trữ trái phép vũ khí. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Thanh tra thành phố Zipaquirá và được bầu vào Hội đồng thành phố từ năm 1984 đến 1986. Sau đó, ông giữ chức Thị trưởng Bogotá, thủ đô Colombia. Trong thời gian làm Thị trưởng Bogota, ông được đánh giá là thị trưởng có tầm nhìn tiến bộ. “Petro có một tầm nhìn hoàn toàn khác bởi vì ông đã tập trung sự chú ý của mình vào những người ít được bảo vệ nhất trong nước”, Andres Felipe Barrero, người đã bỏ phiếu cho ông, cho biết. “Điều đó bao gồm những người sống trong các khu vực lân cận các thành phố lớn của Colombia, cũng như các cộng đồng người da đen và bản xứ”.

Thách thức đối với Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia -0
Người dân Colombia vui mừng chào đón tân Tổng thống.

Sự kiện ông Petro nhậm chức tổng thống mang tính lịch sử không chỉ vì ông là tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia, theo truyền thống do phe bảo thủ nắm quyền, mà còn bởi việc Phó Tổng thống Francia Márquez là người phụ nữ da đen đầu tiên giữ chức vụ này. Márquez, một bà mẹ đơn thân và là người bảo vệ nhân quyền đến từ khu vực Thái Bình Dương của Colombia, đã giành được Giải thưởng môi trường Goldman danh giá vào năm 2018.

Sau khi Phong trào du kích M-19 giải tán vào năm 1991, ông Petro cùng một số cựu thành viên của phong trào này lập ra đảng chính trị mang tên Liên minh Dân chủ M-19 và ngay lập tức giành được nhiều ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, không lâu sau, ông cùng Antonio Navarro Wolff và một số thành viên khác tách ra thành lập đảng mới mang tên Vía Alterna.

Ông Petro lần đầu được bầu vào hạ viện vào năm 2002. Sau đó, ông xây dựng liên minh tranh cử cùng với đảng Frente Social y Político (FSP) để hình thành liên minh Trụ cột Dân chủ Độc lập (Independent Democratic Pole - IDP), hợp nhất với Alternativa Democrática vào năm 2005 để tạo thành liên minh Trụ cột Dân chủ Thay thế (Alternative Democratic Pole - ADP), tham gia cùng một số lượng lớn nhân vật chính trị cánh tả.

Năm 2006, ông được bầu vào thượng viện, huy động lượng cử tri đi bỏ phiếu cao thứ hai trong cả nước. Trong năm đó, ông cũng vạch trần vụ bê bối Parapolitics, trong đó cáo buộc các thành viên của chính phủ và nghị viện đã cấu kết với nhóm bán quân sự cực hữu AUC gây ra nhiều vụ sát hại du kích quân cánh tả và dân thường ở Colombia.

Thách thức đối với Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia -0
Tân Tổng thống Gustavo Petro.

Năm 2011, ông trở thành Thị trưởng Bogotá, vị trí đã đưa ông trở thành tâm điểm trên toàn quốc. Với tư cách là Thị trưởng Bogotá, ông gây tiếng vang về sự cao tay và thái độ ngoan cường đối với những người chỉ trích mình, đồng thời thực hiện chương trình giảm thiểu tác hại cho người vô gia cư của thành phố cũng như nỗ lực cải cách việc quản lý rác.

Cuộc bầu cử tháng 6-2022 là lần thứ 3 ông Petro tham gia tranh cử tổng thống. Lần đầu ông tranh cử là vào năm 2010 nhưng không thành công, chỉ giành được 9% phiếu và xếp thứ tư. Sau thời gian làm Thị trưởng Bogotá, ông tiếp tục thử sức khi ra tranh cử lần hứt hai vào năm 2018 nhưng đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 trước ứng cử viên cánh hữu Ivan Duque (đương kim tổng thống). Phải đến lần thứ 3 này ông mới giành được chiến thắng, xô ngã bức tường bảo thủ trong chính trường Colombia, nơi xưa nay cử tri rất ít khi ủng hộ chính khách thiên tả.

3 thách thức lớn

Một trong những ưu tiên của ông Petro sau khi nhậm chức là cam kết thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình năm 2016 chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 50 năm với lực lượng du kích FARC và tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân ELN hiện vẫn còn hoạt động. Thỏa thuận đó đã được thực hiện một cách chậm chạp bởi chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Iván Duque bị cáo buộc cố tình làm chậm quá trình triển khai. Các phe nhóm FARC bất đồng chính kiến đã không xuất ngũ và ELN tiếp tục gây ra nhiều vụ việc an ninh ở các vùng nông thôn và kiếm lợi từ các hoạt động buôn bán ma túy.

Thách thức đối với Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia -0
Ông Gustavo Petro khi làm Thị trưởng Bogotá, năm 2012.

Adam Isacson, Giám đốc Tổ chức Giám sát quốc phòng tại Văn phòng Washington về châu Mỹ Latinh có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Yếu tố quan trọng trong kế hoạch của ông Petro là tăng cường quản trị và các dịch vụ cơ bản ở vùng nông thôn bị bỏ quên, nơi các nhóm vũ trang và coca tiếp tục phát triển mạnh và đó là cam kết cốt lõi của hiệp định hòa bình”.

Việc ông Petro lên nắm quyền cũng khiến một số người lo ngại rằng ông có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa Washington và Bogotá. Colombia từ lâu đã là đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong khu vực nhưng tầm nhìn của ông về chính sách ma túy và các thỏa thuận thương mại có thể dẫn đến rạn nứt trong mối quan hệ. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 7-8, ông đã thẳng thắn tuyên bố cuộc chiến chống ma túy theo cách thưc đang tiến hành cơ bản đã thất bại và cần phải có sự thay đổi về tầm nhìn và chiến lược để có thể mang lại kết quả tốt hơn mà vẫn bảo đảm được sự công bằng trong xã hội. Ông cho biết, dù có thể không cùng quan điểm trong cuộc chiến chống ma túy nhưng ông chủ trương tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

5_General_Luis_Navarro-1660095898323.png
Quân đội Colombia là một trong những vấn đề thách thức tân Tổng thống Gustavo Petro.

Ủy ban Sự thật của đất nước đã phát hiện ra rằng cuộc chiến chống ma túy mang tính trừng phạt, cấm đoán đã giúp kéo dài cuộc nội chiến thảm khốc của Colombia, trong một báo cáo mang tính bước ngoặt vừa được công bố như một phần của nỗ lực hàn gắn vết thương do nội chiến. Báo cáo có tiêu đề “Có sự thật sẽ có tương lai”, là phần đầu của một nghiên cứu do một ủy ban được thành lập theo thỏa thuận hòa bình lịch sử năm 2016 với nhóm du kích cánh tả FARC. Báo cáo cho thấy rằng cần thực hiện “thay đổi đáng kể trong chính sách về ma túy” và việc chuyển đổi sang chế độ quản lý thị trường ma túy, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ đã tài trợ cho các lực lượng vũ trang của Colombia trong chiến tranh.

Một chính sách quan trọng khác của ông Petro là kiểm soát việc khai thác dầu mỏ. Ông cho biết Colombia sẽ ngừng cấp giấy phép khai thác mới và sẽ cấm các dự án khai thác dầu mỏ, mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm gần 50% xuất khẩu của quốc gia này. Ông có kế hoạch tài trợ cho chi tiêu xã hội bằng một cuộc cải cách thuế 10 tỷ USD/năm và sẽ tăng thuế đối với người giàu và loại bỏ việc giảm thuế doanh nghiệp.

Sau chiến thắng, nhiều người bi quan dự báo thời gian tại vị của ông Petro có thể sẽ cực kỳ khó khăn. Không chỉ tỷ lệ phiếu bầu 50,47% khá mong manh, mà ông còn bị một bộ phận đáng kể cử tri còn lại của Colombia không tin tưởng, do quá khứ tham gia du kích cánh tả của ông và người ta đánh đồng ông với các nhóm du kích và phe cánh tả trong khu vực.

Silvana Amaya, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks cho biết: “Ở một quốc gia hữu khuynh bảo thủ truyền thống, một số người Colombia lo sợ về sự thay đổi có thể có với một chính phủ cánh tả. Một số người Colombia ví ông Petro với Chavez và những vấn đề về kinh tế - xã hội ở Venezuela. Những người khác cho rằng một đất nước đã trải qua cuộc nội chiến hơn 60 năm do các nhóm du kích cánh tả lãnh đạo không muốn một người mang tư tưởng thiên tả lãnh đạo Colombia”.

Một vấn đề lớn khác mà ông Petro sẽ phải đối mặt khi lên nắm quyền, đó là quân đội. Sau 6 thập niên nội chiến, quân đội vẫn đóng vai trò trụ cột chính ở đất nước Colombia. Chi tiêu quân sự tính theo tỉ lệ phần trăm trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Colombia hiện cao nhất ở Mỹ Latinh với 3,4% GDP. Đặc biệt quan trọng là các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Colombia đang “nhìn” tân tổng thống bằng một con mắt không mấy thiện cảm.

Với tư cách là một nghị sĩ vào những năm 2000, ông đã vạch trần mối liên hệ giữa quân đội, các chính trị gia và lực lượng bán quân sự hữu khuynh AUC. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông tuyên bố một số tướng lĩnh Colombia “thuộc biên chế” của Gulf Clan, một nhóm tội phạm có tổ chức đã gây ra làn sóng bạo lực gần đây ở Colombia. Người đứng đầu quân đội đã trả đũa trong một cuộc tranh luận công khai trên Twitter và từ chức. Tổng thống Petro được cho là sẽ thực hiện một cuộc cải tổ trong giới lãnh đạo quân sự.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.