Thấy gì từ "phép thử Ukraine"?
Lần lượt các kênh đối thoại cũng như nỗ lực của các bên liên quan đang dẫn tới một kết quả khả quan cho vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, theo một phân tích trên tờ The Straits Times, việc Nga triển khai quân gần biên giới Ukraine như một phép thử đặc biệt đối với hệ thống chiến lược của phương Tây kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Theo bài phân tích, hành động này của Nga còn như thách thức toàn bộ trật tự toàn cầu vốn được Mỹ và các đồng minh thúc đẩy, đồng thời tăng cường sức mạnh của các nước trên toàn thế giới đang tìm cách lật đổ hệ thống quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ dẫn dắt. Đặc biệt, nó còn như một đòn giáng trực tiếp vào vị thế của Mỹ ở châu Á và củng cố nỗ lực của Trung Quốc, vốn muốn chiếm vị trí này với tư cách là cường quốc hàng đầu trong khu vực.
Đó là bởi, cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine, đến bây giờ có thể nói, nó không không chỉ vì tương lai của Ukraine, mà nó còn như một bài kiểm tra về khả năng của người Mỹ trong việc ngăn chặn người Nga thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đối với các nước láng giềng của Nga bằng việc thiết lập một "phạm vi ảnh hưởng" mang tính ước lệ hơn là hiệu quả thực sự.
Có một số lý do giải thích tại sao Nga muốn khẳng định - hay tái khẳng định - phạm vi ảnh hưởng này nhưng căn bản nhất vẫn là vấn đề địa vị. Nga muốn được thừa nhận là một nước lớn và các nước lớn thực hiện hành vi gây ảnh hưởng và loại trừ các nước lớn khác khỏi khu vực lân cận của mình. Việc khôi phục vị thế của "gấu Nga" với tư cách một nước lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin và đối với đại đa số người Nga. Điều này cho thấy rõ lý do tại sao Nga không chỉ quyết tâm ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO mà còn yêu cầu Washington hứa hẹn với Moscow rằng Mỹ sẽ không ký một hiệp ước có hiệu lực tương tự như vậy.
Trên một góc nhìn khác, có vẻ như đây không phải vì Nga thực sự cảm thấy bị đe dọa bởi các lực lượng NATO ở khu vực biên giới của mình, mà còn bởi nếu Washington cam kết (rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO) như vậy, thì rõ ràng họ đã thừa nhận quyền của Nga, với tư cách là một nước lớn, từ chối sự hiện diện chiến lược quan trọng của Mỹ bên trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow.
Và phân tích này cũng góp phần làm rõ lý do tại sao Mỹ quyết tâm không đưa ra lời cam kết này. Rõ ràng là Washington có động cơ khi bác bỏ toàn bộ ý tưởng về các phạm vi ảnh hưởng đó. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã từng phát biểu rằng: "Chúng tôi (Mỹ) không chấp nhận nguyên tắc về phạm vi ảnh hưởng". Nhưng, điều này lại có vẻ như trái ngược hoàn toàn với cách mà người Mỹ đang làm. Theo học thuyết Monroe, Mỹ đã tuyên bố và thực thi phạm vi ảnh hưởng đối với toàn bộ Tây bán cầu trong gần 200 năm - một thực tế mà Moscow đã nhấn mạnh gần đây khi Washington đe dọa triển khai quân đội đến Cuba và Venezuela nếu họ không đạt được yêu cầu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Washington đã tiến xa hơn rất nhiều. Không ngoa chút nào khi nói rằng sau sự kiện Bức tường Berlin vào năm 1989, Mỹ đã tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới. Đó là điều mà họ tuyên bố là giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Để khẳng định ưu thế chiến lược vượt trội đó, Mỹ không cho bất kỳ nước nào khác có được vị thế của một nước lớn và quyền thực hiện ưu thế chiến lược ở chính sân sau của mình.
Ban đầu, đối với nhiều người, dường như chỉ một sức mạnh mềm của Mỹ là đủ. Các đối thủ tiềm tàng, bị thu hút bởi các giá trị Mỹ và tự tin về thiện chí của Washington, được cho là hoan nghênh sự hiện diện chiến lược đó ngay trước thềm nhà mình. Thế nhưng, đến năm 2008, sau sự kiện Gruzia, mọi việc dường như đã có sự đổi khác. Những người chủ trương về một sức mạnh răn đe quân sự ở Washington đã phải nhìn nhận lại nếu muốn "nói chuyện" với Moscow. Họ đã quá tự tin vào ưu thế quân sự Mỹ tới mức cho rằng Nga sẽ không bao giờ dám mạo hiểm chiến tranh với Mỹ, thậm chí ngay cả trên chính khu vực biên giới, hay còn gọi là "lằn ranh đỏ" của Nga. Vì vậy, họ đã thúc đẩy việc kết nạp Ukraine thành thành viên của NATO. Chính điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Và, kết quả của nó cho đến lúc này đã đặt ra thách thức trực tiếp nhất có thể đối với sự khẳng định của Mỹ về ưu thế chiến lược toàn cầu.
Về phần mình, bản thân ông Putin đã đánh cược rằng khi bị thúc ép buộc phải đưa ra câu trả lời "Không" - thì nước Mỹ sẽ lùi bước thay vì tham chiến. Và, cho đến thời điểm này, nước cờ của ông Putin có vẻ như đã có kết quả. Tổng thống Joe Biden đã loại trừ khả năng đáp trả quân sự của Mỹ đối với bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga nhằm vào Ukraine. Ông Biden hy vọng rằng việc không đưa ra lời đe dọa đáp trả quân sự sẽ thuyết phục được ông Putin từ bỏ những đòi hỏi then chốt của mình trước viễn cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao trong nay mai. Điều này có vẻ như khó khả thi.
Các biện pháp trừng phạt trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ là một công cụ hăm dọa yếu ớt và không chắc chắn bởi chúng không có khả năng áp đặt những phí tổn đủ cao để Moscow phải dừng lại khi lợi ích là quá lớn đối với cả nước Nga và Tổng thống Putin. Cho dù nhà lãnh đạo Nga lùi bước trước những hăm dọa ấy thì ông cũng vẫn đã giành được thắng lợi lớn hơn: sự lúng túng của người Mỹ trước thử thách chiến tranh!
Chưa hết, điều này đã cho thấy ý tưởng đưa Ukraine trở thành thành viên tiềm năng của NATO thực sự ngớ ngẩn đến mức nào. Quan điểm của các thành viên NATO chính là cam kết sắt đá của các thành viên sẽ tham chiến nếu bất kỳ ai trong số họ bị tấn công. Việc đưa ra cam kết này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu an ninh của mỗi nước thành viên có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các thành viên khác tới mức họ buộc phải đứng ra bảo vệ. Bản thân trong nội bộ đã có vấn đề, vậy thì nếu an ninh của Ukraine không đủ quan trọng để buộc Mỹ và các đồng minh NATO phải tham chiến thì hà cớ gì họ lại phải mở rộng cánh cửa gia nhập NATO cho Ukraine?