Thế khó của ông Trudeau
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử lần thứ 44 của Canada ngày 21-9 vừa qua, đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Justin Trudeau một lần nữa đánh bại các đối thủ, song lại không giành được quá bán và vẫn là chính phủ thiểu số. Đảng Bảo thủ - đảng đối lập lớn nhất tại Canada - một lần nữa giành được số phiếu đa số tương đối.
Quốc hội Canada được tổ chức bầu cử 4 năm 1 lần. Cuộc bầu cử lần thứ 43 diễn ra tháng 10-2019. Theo trình tự, cuộc bầu cử tiếp theo phải diễn ra vào tháng 10-2023. Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 8-2021, Thủ tướng Justin Trudeau bất ngờ tuyên bố bầu cử sớm.
Theo các nhà phân tích, một mặt ông Trudeau đang muốn nhân dịp thành tích chống dịch - hơn 80% dân số Canada đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, để xoay chuyển địa vị bất lợi của đảng Tự do trong Quốc hội, cố gắng đưa chính phủ với đảng cầm quyền chiếm thiểu số trong Quốc hội thành một chính phủ với đảng cầm quyền chiếm đa số, để giảm bớt rào cản về lập pháp. Mặt khác, ông nắm được điểm yếu của đảng Bảo thủ đối lập, đó là luôn giữ thái độ hoài nghi đối với các biện pháp phong tỏa và “hộ chiếu vaccine” và rằng, cử tri sẽ không mạo hiểm trong thời kỳ đại dịch.
Điều đáng nói là đảng đối lập cũng coi đại dịch COVID-19 là một lợi thế. Theo các cuộc thăm dò, chỉ có 26% người Canada củng hộ tổ chức bầu cử vào mùa thu. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Bảo thủ đã lợi dụng tâm lý này để chống lại ông Trudeau. Ngoài ra, theo các nhà quan sát, chiến lược tranh cử của đảng Bảo thủ gần gũi hơn với phe trung lập với nội dung cương lĩnh ôn hòa hơn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý súng và cân bằng ngân sách, nhờ đó thu hút nhiều cử tri hơn.
Theo các kênh truyền thông nước ngoài như Global News, kết quả sơ bộ ngày 21-9 cho thấy sự phân bổ ghế của các chính đảng trong Hạ viện gần như là bản sao của cuộc bầu cử năm 2019. Đảng Tự do cầm quyền giành được 158/338 ghế (trước bầu cử là 157) và tiếp tục giữ vị trí đảng cầm quyền. Ông Trudeau cũng trở thành nhà lãnh đạo thứ 8 trong lịch sử Canada giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử liên tiếp. Tuy nhiên, cũng giống như 2 năm trước, đảng Tự do vẫn không vượt qua ngưỡng 170 ghế (quá bán).
Đảng Bảo thủ giành được 119 ghế (trước bầu cử là 121) và một lần nữa dẫn đầu về phiếu đa số tương đối nhưng vẫn không thay đổi được vai trò của đảng Tự do - đã cầm quyền 6 năm.
Các đảng còn lại cũng không có nhiều thay đổi. Đảng Québec (PQ) giành 34 ghế (trước bầu cử là 32); đảng Dân chủ mới giành 25 ghế (trước bầu cử là 24) và đảng Xanh giữ 2 ghế.
Theo truyền thông Canada, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri đã lựa chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện nên công tác kiểm phiếu bị kéo dài, việc công bố kết quả cuối cùng có thể bị trì hoãn. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng ông Trudeau sẽ tái đắc cử một cách thuận lợi và đảng cầm quyền một lần nữa trở thành một chính phủ thiểu số.
Cách nhau 2 năm, tại sao kết quả của 2 cuộc bầu cử lại giống nhau đến vậy? Các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử sớm của đảng Tự do không được lòng dân, song chủ trương chống dịch của đảng Bảo thủ cũng không đủ độ tin cậy và các đảng cực hữu đã rút lại phiếu bầu cho đảng Bảo thủ. Có thể nói rằng bố cục phân bổ phiếu bầu truyền thống vẫn chưa bị phá vỡ.
Có điều, theo giới quan sát và truyền thông, qua 2 cuộc bầu cử gần đây cho thấy, chính trường Canada đang có một số thay đổi. Thứ nhất, đó là có vẻ như uy tín của ông Justin Trudeau không còn được như những ngày đầu đắc cử với ưu thế áp đảo. Khi đó, năm 2015, ông được coi là đại diện mới của chủ nghĩa tự do phương Tây, trái ngược hẳn với ông Trump ở nước láng giềng. Tuy nhiên, do tác động của những yếu tố như nạn phân biệt chủng tộc, tranh chấp đường ống dẫn dầu và cuộc bầu cử diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh... khiến uy tín của vị thủ tướng 49 tuổi này bị suy giảm. Thứ nữa là do thời hạn cầm quyền của chính phủ thiểu số tương đối ngắn, nên các đảng trong Quốc hội quan tâm nhiều hơn đến những được mất trước mắt mà khó có thể tính đến các vấn đề dài hạn, chẳng hạn như năng lực cạnh tranh hay chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đang diễn ra chậm chạp.
Và nữa, vấn đề Trung Quốc đang nóng lên. Trong các cuộc tranh luận giữa chủ tịch các đảng trong cuộc bầu cử lần này, Trung Quốc chứ không phải Mỹ là vấn đề ngoại giao được nhắc đến nhiều nhất. Mặc dù ở cạnh Mỹ, song sức mạnh của nền kinh tế thứ 2 thế giới là không thể không nhắc đến.
Và cuối cùng, đó là sự cạnh tranh nội bộ giữa các đảng, với các chính sách liên minh cũng như cạnh tranh riết róng khiến cho chính trường khó mà lặng sóng. Trong khi đó, kinh tế và phục hồi vẫn là những vấn đề nan giải. Đây cũng là những vấn đề mà người dân quan tâm, bao gồm chi phí sinh hoạt, phục hồi kinh tế, việc làm, nhà ở, nợ công và thâm hụt hay các vấn đề về xã hội bao gồm y tế, sức khỏe tâm lý... Các yếu tố ngoại giao, bao gồm quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, áp lực đến từ Mỹ cùng các đồng minh cũng không thể xem nhẹ. Và, giữa những chao đảo ấy, câu hỏi làm sao cho vững vàng luôn là bài toán khó cho bất kỳ ai.