Trọng trách lớn đang chờ Vua Charles III
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Nghị viện Anh ở Điện Westminster hôm 12-9, Vua Charles III đã bày tỏ lòng kính trọng đối với mẹ mình, tại một buổi lễ được tổ chức để tân Quốc vương Anh đón nhận lời chia buồn chính thức từ Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Ông đã bày tỏ lời cảm ơn và nhấn mạnh bản chất đan xen giữa Hoàng gia và Chính phủ trong Hiến pháp Vương quốc Anh.
Cam kết tiếp nối truyền thống
Trong phát biểu của mình, Vua Charles III cho biết Nữ hoàng là “một khuôn mẫu cho tất cả các hoàng tử đang sống”, rằng ông đã rất cảm động khi nhìn thấy các biểu tượng thánh lễ của bà, trong đó có cả cửa sổ kính màu ở Điện Westminster để tưởng nhớ thánh lễ kim cương của bà vào năm 2012.
Vua Charles III đi cùng Vương hậu Camilla đến dự buổi lễ. Ông nói với các nghị sĩ rằng ông “quyết tâm trung thành noi theo tấm gương” của mẹ mình. Ông nói: “Hôm nay chúng ta tụ họp tại đây để tưởng nhớ khoảng thời gian đáng kể Nữ hoàng đã phục vụ quốc gia và dân tộc của bà. Từ khi còn rất trẻ, Nữ hoàng đã cam kết phục vụ đất nước, nhân dân mình và duy trì các nguyên tắc quý báu của chính phủ hợp hiến”.
Nhưng, Vua Charles III kế thừa một đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Thậm chí là khủng hoảng và một chế độ quân chủ đang muốn định hình lại vai trò của mình đối với thời đại. Các nhà quan sát hoàng gia cho rằng, để triều đại của Vua Charles III thành công khi đối mặt với những thách thức to lớn hiện nay, một trong những việc quan trọng nhất ông cần làm là phải tự kiềm chế. Trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc dân vào tối 9-9, Vua Charles III nói: “Bây giờ tôi trịnh trọng cam kết bản thân sẽ duy trì các nguyên tắc hiến pháp ở trung tâm của quốc gia chúng ta”.
Bất chấp lời cam kết của Vua Charles III, nhà sử học và nhà bình luận hoàng gia Ed Owens cho rằng Vua Charles III vẫn có nguy cơ gặp khó khăn với chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nói: “Charles sẽ không từ bỏ nền tảng về biến đổi khí hậu bởi vì nó gắn liền với hình ảnh công chúng của ông và ông sẽ tiếp tục nói về nó. Bây giờ chúng ta có Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng Jacob Rees-Mogg trong nội các, người đã bày tỏ sự hoài nghi về việc chống lại biến đổi khí hậu. Điều đó tiềm ẩn rất nhiều vấn đề”.
Một vấn đề nữa, chính là việc định hướng lại vai trò hoàng gia. Vua Charles III sẽ chủ trì một hoàng gia cũng đang biến động một cách âm thầm. Trong đêm cuối lễ bạch kim của Nữ hoàng vào tháng 6-2022, chỉ có 7 thành viên của gia đình hoàng gia - gồm Vua Charles với Vương hậu và Hoàng tử William cùng gia đình - xuất hiện trên ban công cùng Nữ hoàng. Đây chính là những người thân thiết nhất của gia đình hoàng gia - được mệnh danh là “7 người hùng” - hiện đang đóng vai trò chủ chốt. Nhiều năm nay, các triều thần cấp cao đã công khai thừa nhận rằng công chúng ngày càng không muốn gánh chi phí cho một hoàng gia quá đông người.
Việc cấp kinh phí cho gia đình hoàng gia đã được cải tổ vào năm 2012 với một khoản chu cấp chủ quyền mới được chi trả từ một tỷ lệ lợi nhuận từ tài sản hoàng gia. Theo hệ thống mới, gia đình hoàng gia phải chịu sự giám sát kiểm toán giống như các khoản chi tiêu khác của chính phủ, bởi Văn phòng Kiểm toán quốc gia và Ủy ban Tài khoản công của Quốc hội.
Vua Charles III có thể sẽ có được sự ủng hộ của công chúng, nhưng các chuyên gia hoàng gia cho rằng một chế độ quân chủ được định hình lại sẽ có những rủi ro riêng. Sự xuất hiện và hình ảnh quan hệ công chúng của hoàng gia - thường được mô tả như là hoạt động của một “công ty” - dựa vào các nhiệm vụ hoàng gia thường xuyên, hằng ngày, từ việc khai trương các tòa nhà dân sự và cơ sở hạ tầng đến việc tham dự các sự kiện từ thiện.
Vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Vua Charles III có lẽ là những tranh cãi về hoạt động gây quỹ từ thiện của ông. Vào tháng 2-2022, cảnh sát đô thị London cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về tổ chức từ thiện Princes Foundation của ông, sau những cáo buộc về việc đề nghị cấp danh hiệu quý tộc hoặc quốc tịch Anh để đổi lấy các khoản đóng góp cho các hoạt động từ thiện của ông. Michael Fawcett, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện, từng là người hầu của Vua Charles III, đã từ chức vào tháng 11-2021.
Vào tháng 6-2022, tờ Sunday Times tiết lộ rằng Vua Charles III đã chấp nhận quyên góp tiền mặt với tổng trị giá khoảng 2,5 triệu bảng Anh cho quỹ từ thiện của Hoàng tử xứ Wales. Vào tháng 7, Ủy ban Từ thiện cho biết họ không lo ngại về việc quản lý tổ chức từ thiện này và sẽ không mở cuộc điều tra.
Giới bình luận cho rằng nước Anh và cộng đồng toàn cầu giờ đây sẽ được hưởng lợi từ năng lực “gắn kết mọi người với nhau” của Vua Charles III. Sir Jonathon Porritt, người đồng sáng lập Chương trình Kinh doanh & Bền vững của Hoàng tử xứ Wales cho biết: “Ông ấy thường tổ chức các sáng kiến, nơi ông ấy đã gắn kết những người có quan điểm khác biệt đến với nhau. Ông ấy luôn tìm cách thiết lập điểm chung”.
Những thách thức
Ở tuổi 73, Vua Charles III là người lớn tuổi nhất lên ngôi ở Anh. Bob Morris, một cựu công chức và thành viên danh dự tại Khoa Hiến pháp của Đại học London, cho biết bài kiểm tra của vị vua mới sẽ là việc tiếp nối thành công của gia đình hoàng gia trong việc thích ứng với sự thay đổi. “Chúng ta là một xã hội rất khác so với những gì chúng ta đang ở vào năm 1952. Đó là một sự thay đổi lớn và gia đình hoàng gia đã làm những điều đúng đắn và đã điều chỉnh”.
Những vấn đề mang tính lâu dài về tương lai của chế độ quân chủ chắc chắn sẽ được tranh luận rộng rãi trong những năm tới. Nhưng, Vua Charles III đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia vào thời điểm Vương quốc Anh phải đối mặt với những thách thức mang tính tồn vong trên quy mô chưa từng thấy trong suốt cuộc đời ông, chỉ vài ngày sau khi thủ tướng mới của nước Anh được mẹ ông bổ nhiệm. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra một cú sốc về năng lượng và sẽ gây ra khó khăn nghiêm trọng về tài chính cho nhiều gia đình và doanh nghiệp.
Vương quốc Anh đang nỗ lực xác định lại vị trí của mình trong thế giới hiện đại vào thời điểm bất ổn toàn cầu lớn và sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu. Tính toàn vẹn của Vương quốc Anh vẫn đang bị đe dọa khi những người vận động cho nền độc lập của Scotland tiếp tục thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Tại Australia, chính phủ mới được bầu cũng đã đánh dấu rằng họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong nhiệm kỳ tiếp theo của quốc hội về việc liệu Australia có nên trở thành một nước cộng hòa hay không, loại bỏ mối liên hệ chính thức với chế độ quân chủ, mặc dù Thủ tướng Albanese mới đây nói rằng “bây giờ không phải là thời điểm để nói về hệ thống chính phủ của chúng ta”. Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II đã khơi lại cuộc tranh luận và làm sống lại sự quan tâm nhiều hơn của công chúng Australia. Trong vòng một giờ rưỡi sau khi thông tin Nữ hoàng qua đời được công bố, Phong trào Cộng hòa Australia đã đưa ra tuyên bố: “Nữ hoàng Elizabeth II tôn trọng quyền tự quyết của người dân Australia... Nữ hoàng ủng hộ quyền của người Australia trở thành một quốc gia độc lập hoàn toàn trong cuộc trưng cầu dân ý về một nước cộng hòa Australia vào năm 1999, nói rằng bà đã 'luôn nói rõ rằng tương lai của chế độ quân chủ ở Australia là vấn đề của người dân Australia và chỉ họ quyết định”.
Không chỉ Australia, nhiều năm qua, phong trào độc lập, thành lập quốc gia cộng hòa và từ bỏ quan hệ với vương triều Anh vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ngày 30-11-2021, Barbados trở thành một quốc gia cộng hòa nhưng vẫn là thành viên khối Thịnh vượng chung, sau 55 năm trở thành quốc gia độc lập. Trong 54 quốc gia thành viên khối Thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations), hiện còn 15 quốc gia xem Quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, với việc Australia đang tranh luận hướng đến xây dựng một quốc gia cộng hòa, từ bỏ quan hệ với Quốc vương Anh, thách thức đối với hoàng gia Anh sẽ càng lớn hơn để tiếp tục duy trì địa vị thống trị tại các quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, ở châu Phi, nơi còn khá đông quốc gia là thành viên khối Thịnh vượng chung và một số nước xem Quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia, tình cảm của không ít người dành cho Nữ hoàng và Hoàng gia Anh nói chung là không tốt. Nhiều người cũng bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Nữ hoàng nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng họ không tiếc thương. Dấu ấn và ký ức một thời thuộc địa giờ đây vẫn còn in đậm tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Phi. Chính quyền thuộc địa vào thời điểm đó đã thực hiện các hành động tra tấn cực đoan, bao gồm thiến và tấn công tình dục, trong các trại giam nơi giam giữ tới 150.000 người Kenya. Những người già Kenya đã đòi bồi thường vào năm 2011 cuối cùng đã được một tòa án Anh bồi thường 19,9 triệu bảng Anh, chia cho hơn 5.000 người yêu cầu bồi thường.
Ở Nam Phi, đảng đối lập Những người đấu tranh cho tự do kinh tế (EFF) nêu quan điểm dứt khoát: “Sự tương tác của chúng tôi với Anh là một nỗi đau,... cái chết, sự tước đoạt và sự mất nhân tính của người dân châu Phi”.