“Tuần trăng mật” đầy thách thức của Tổng thống Milei

Thứ Tư, 17/01/2024, 12:35

Tân Tổng thống Javier Milei của Argentina đang đối mặt với một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn: phải vực dậy nền kinh tế đất nước bằng những biện pháp cứng rắn và gây đau đớn nhưng không được để những tác dụng phụ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Liệu pháp sốc bắt đầu

Từng nổi tiếng với hình ảnh cầm chiếc cưa máy khi vận động tranh cử để tượng trưng cho những gì ông sẽ làm nếu giành chiến thắng, Javier Milei đã cố gắng thực hiện một loạt cải cách đầy tham vọng trong tháng đầu tiên nhậm chức.

thach thuc voi tong thong milei - anh 1.jpg -0
Đúng như hình ảnh cầm chiếc cưa máy khi tranh cử, tân Tổng thống Milei đang quyết tâm “đại phẫu” nền kinh tế Argentina. Ảnh: El Periodico

Với một gói chính sách bao gồm nhiều sắc lệnh và dự luật được gửi tới quốc hội, tân Tổng thống Argentina đang thúc đẩy thay đổi hơn 300 luật, đưa ra nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách và tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả Ngân hàng Trung ương. Ông cũng bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả và công bố kế hoạch cắt giảm trợ cấp năng lượng và vận tải, những thứ mà các nhà kinh tế cho rằng đã giữ giá tiêu dùng của Argentina ở mức thấp giả tạo.

Tuy nhiên, ông Milei cũng nhiều lần nói với người dân rằng tình hình đất nước vẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi các chính sách thị trường tự do của ông xoay chuyển được nền kinh tế Argentina, vốn từ lâu đã bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát tiền tệ và giá cả. Nhà lãnh đạo 53 tuổi nhắn nhủ mọi người cần chuẩn bị cho 6 tháng khó khăn khi lạm phát gia tăng cùng với việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ.

Tổng thống Milei cho biết, ông buộc phải đưa ra liệu pháp gây sốc mới có thể hy vọng cứu vãn tình hình bi đát của đất nước. Argentina - nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latinh và là một cường quốc nông nghiệp, có nguồn khí đốt tự nhiên khổng lồ - đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Chính sách kinh tế sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu cùng những biến động địa chính trị chóng mặt của thế giới thời gian qua là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Argentina chao đảo. Tăng trưởng GDP của nước này thường xuyên ở mức âm, tỷ lệ đói nghèo hiện đã lên đến 40,1% dân số, Ngân hàng Trung ương trống rỗng, nợ nước ngoài vượt quá khả năng thanh toán và lạm phát cao khủng khiếp.

Chính phủ Argentina hiện đang dựa vào các khoản giải ngân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thanh toán số tiền đã vay của tổ chức này trước đó theo chương trình được triển khai lần đầu tiên vào năm 2018 và được tái cấp vốn vào năm 2022, với các khoản hoàn trả trị giá hơn 2,7 tỷ USD sẽ đến hạn vào ngày 1/2. Theo báo Wall Street Journal, tổng cộng Argentina đang nợ IMF tới 44 tỷ USD.

Hai mặt của một “cuộc đại phẫu”

Cây bút kỳ cựu Jorge Liotti của tờ La Nacion, một trong những nhật báo lớn nhất Argentina, mô tả rằng gói cải cách “tổng lực” của tân Tổng thống Milei “dường như được tạo ra từ hai sự thật trái ngược nhau”.

thach thuc voi tong thong milei - anh 2.jpg -0
Tổng thống Milei cho biết, điều kiện kinh tế Argentina sẽ xấu đi trước khi những cải cách của ông có hiệu quả. Ảnh: Reuters

Đầu tiên là Tổng thống Milei nhận được nhiều sự tin tưởng. Đắc cử với 56% phiếu bầu, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ của ông Milei vẫn ở mức cao. Nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do này được bầu bởi những kỳ vọng ông sẽ cắt giảm khu vực công của Argentina, một trong những khu vực công lớn nhất Mỹ Latinh và là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế đất nước trì trệ trong hầu hết thập kỷ qua.

Tân Tổng thống Milei cho biết, gánh nặng chi ngân sách khiến quy mô thâm hụt tài chính thực sự của Argentina là 15% GDP, một khoảng trống mà chính phủ trước đây đã bù đắp chủ yếu bằng cách in tiền. Và, dĩ nhiên nó thúc đẩy lạm phát phi mã, khiến ông Milei phải đưa ra những biện pháp gây sốc, phải tiến hành một “cuộc đại phẫu” nền kinh tế.

Điều này đưa đến thực tế thứ hai: Ông Milei gần như chắc chắn sẽ mất dần sự ủng hộ trong những tháng tới. Quyết định giảm giá mạnh đồng peso và loại bỏ dần các biện pháp kiểm soát giá của ông có thể mang lại sự ổn định lâu dài, nhưng hiện tại đã đẩy lạm phát lên cao hơn.

Cơ quan thống kê Argentina hôm 11/1 cho biết tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đạt 211,4% trong tháng 12. Trên cơ sở hằng tháng, giá nhà tăng trung bình 25,5% trong tháng 12, so với mức tăng 12,8% trong tháng 11. Tỷ lệ này là tồi tệ nhất kể từ năm 1991, khi Argentina thoát khỏi thời kỳ siêu lạm phát.

Tình trạng lạm phát cao kinh niên của Argentina chủ yếu xuất phát từ việc các chính phủ trước đây phụ thuộc vào việc in tiền để tài trợ cho chi tiêu. Nhưng, áp lực về giá tăng mạnh vào tháng 12 còn bởi ông Milei phá giá tỷ giá hối đoái chính thức cao giả tạo của đồng peso tới 54% và cho phép các thỏa thuận ấn định giá hết hiệu lực. Cả hai động thái đều ảnh hưởng đặc biệt đến giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc.

Ông Milei từ lâu đã cam kết rằng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng của ông sẽ quyết liệt hơn những yêu cầu của IMF. Tạo ra sự tương phản với chính phủ tiền nhiệm - vốn không đạt được các mục tiêu về quỹ đối với cân bằng tài chính, tích lũy dự trữ và hạn chế in tiền - “liệu pháp sốc” mà ông bắt đầu thực hiện vào tháng trước bao gồm cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm đạt thặng dư ngân sách cơ bản trong năm nay, có thể vượt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2024 là 0,9% GDP đã được IMF phê duyệt năm ngoái.

thach thuc voi tong thong milei - anh 3.jpg -0
Chỉ số giá tiêu dùng của Argentina đã tăng hơn 25% trong tháng trước. Ảnh: NBC

Trong những tuần tới, ngay khi người Argentina trở lại sau kỳ nghỉ và năm học mới bắt đầu, chính phủ của ông Milei dự kiến sẽ tăng giá điện và khí đốt. Điều đó có nghĩa là khó khăn sẽ còn chồng chất hơn nữa với tầng lớp lao động, vốn dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế.

Lo lắng và hy vọng

Tất nhiên, nhiều người Argentina ngày nay nhận ra rằng sự hy sinh là cần thiết. Khẩu hiệu không chính thức của ông Milei “No hay plata” (Không có tiền) thậm chí còn được may thành áo phông và mũ. Nhưng, không ai biết xã hội thực sự sẵn sàng chịu đựng nỗi đau mà “liệu pháp sốc” tạo ra đến mức nào.

Chiến lược “tất cả hoặc không có gì” của ông Milei cũng đang bị chỉ trích. Lãnh đạo phe đối lập cáo buộc ông chà đạp hiến pháp. Ngay cả một số chính trị gia không theo chủ nghĩa Peronist cũng chỉ trích việc chính phủ phụ thuộc vào các nghị định thay vì thông qua quốc hội, nơi đảng Libertad Avanza (Tiến bộ Tự do) của ông Milei không chiếm đa số.

thach thuc voi tong thong milei - anh 5.jpg -0
Một số người biểu tình tại Buenos Aires để phản đối thay đổi về chính sách kinh tế của Tổng thống Milei. Ảnh: AP

Hiện tại, chính phủ vẫn khẳng định sẽ không đàm phán, nhưng một số nhà phân tích kỳ vọng điều đó sẽ thay đổi. Nhà báo Liotti nói: “Những gì tôi nhận thấy là những dấu hiệu từ quốc hội cho thấy gói cải cách này sẽ rất khó được thông qua, rằng ông Milei biết điều đó và ông ấy sẽ phải làm gì đó để bảo vệ những mục tiêu cơ bản nhất của mình”. 

Do tình hình chính trị còn nhiều thách thức, những đánh giá từ Phố Wall về Argentina vẫn thận trọng dù đại đa số các nhà đầu tư ủng hộ nỗ lực cải cách một nền kinh tế mà trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu gần đây đã xếp thứ 63 trong số 64 quốc gia, chỉ đứng trên Venezuela.

Nhiều người cũng hoan nghênh việc ông Milei rút lại các đề xuất cực đoan như đô la hóa nền kinh tế và việc IMF đồng ý giải ngân 4,7 tỷ USD cho Argentina bất chấp nước này không đáp ứng các điều khoản của khoản vay 44 tỷ USD trong những tháng gần đây. Số tiền kể trên bao gồm một khoản vay trị giá 3,3 tỷ USD dự kiến được giải ngân vào tháng 11/2023 nhưng đã bị trì hoãn do lễ nhậm chức của ông Milei vào tháng 12 và 1,4 tỷ USD mà IMF đã đồng ý giải ngân trước thời hạn.

Số tiền từ IMF sẽ là một cứu cánh quan trọng cho ông Milei. Theo nhà báo Brian Winter - Tổng Biên tập tờ Americas Quarterly và là một chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm về chính trị Mỹ Latinh - vẫn có những hy vọng cho năm tới. Chẳng hạn, kinh tế Argentina có thể được thúc đẩy vào năm 2024 nhờ một vụ thu hoạch bội thu, các dự án khai thác khoáng sản mới và đà tăng trưởng tiếp tục tại mỏ dầu khí khổng lồ Vaca Muerta.

Nhưng, cũng có nhiều chuyên gia khác cho rằng, không thể dự đoán khi nào những nỗ lực của Chính phủ Argentina bắt đầu mang lại kết quả. Ernesto Revilla, nhà kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latin của Citi Group, cho biết: “Ngay cả khi Argentina có một chính khách dày dạn lãnh đạo, có nhiều kinh nghiệm chính trị và điều hành... với đa số ghế trong quốc hội, thì các biện pháp cải cách cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình vĩ mô đang rất mong manh”.

Fausto Spotorno, nhà kinh tế tại Orlando J Ferreres & Asociados, một công ty tư vấn có trụ sở tại Buenos Aires, nhận định lạm phát có thể vẫn ở mức cao, khoảng 20%/tháng, trong quý 1/2024 và Tổng thống Milei cần đạt được thành công trong 6 tháng đầu năm nay. “Nếu chính phủ khiến lạm phát bắt đầu giảm, với lạm phát hằng tháng trong tháng 6 xuống tới mức một con số, đó sẽ là kết quả rất tốt”, Spotorno nói.

Chung quan điểm, nhà báo Jorge Liotti nói: “Nếu đến tháng 3 hoặc tháng 4, chính phủ có thể cho thấy kết quả lạm phát bắt đầu giảm thì đó sẽ là điều tích cực. Còn nếu không, xung đột xã hội có thể trở nên căng thẳng”. Và, mọi người ở Argentina đều biết sự căng thẳng đó có nghĩa là gì. Nỗ lực nghiêm túc cuối cùng nhằm giảm thâm hụt ngân sách năm 2001 đã dẫn tới các cuộc biểu tình, bạo loạn trên đường phố Buenos Aires và điều đó vẫn còn in sâu trong tâm trí của công chúng.

Thắt lưng buộc bụng là điều khó chấp nhận ở khắp mọi nơi, nhưng nó còn đặc biệt khó chấp nhận ở một đất nước có ký ức mờ nhạt về sự giàu có và vô số chương trình ổn định kinh tế thất bại trong nhiều thập kỷ như Argentina. Tổng thống Milei nên hy vọng lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào giữa năm nay để tránh tình trạng bất ổn chính trị - xã hội vượt tầm kiểm soát. Bởi, ngay từ lúc này, những vết nứt đầu tiên đã xuất hiện, khi các công đoàn hùng mạnh nhất Argentina đang kêu gọi một cuộc đình công toàn quốc vào ngày 24/1 để phản đối các cải cách về quy định lao động của ông.

Nguyễn Khánh
.
.