Tương lai rộng mở của quyền Thủ tướng Singapore Lawrence Wong
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong sẽ giữ cương vị quyền Thủ tướng Singapore thay Thủ tướng Lý Hiển Long trong vòng 1 tuần khi ông đi nghỉ từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 6. Trong tuần này, ông Lawrence Wong sẽ chủ trì một phiên họp nội các.
Xuất thân bình dân
Khác với nhiều chính trị gia, ông Wong không xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị. Cha của ông sinh ở Hải Nam, chuyển đến Malaysia từ khi còn nhỏ rồi chuyển sang Singapore làm công việc bán hàng. Mẹ của ông là người Singapore và là giáo viên tại trường tiểu học mà ông và người anh trai, hiện là kỹ sư hàng không vũ trụ, theo học. Không như những người bạn đồng trang lứa thường theo học các trường trung học nổi tiếng, ông Wong theo học tại một trường trung học gần nhà ở khu Marine Parade, nơi ông từng sinh sống và trải qua thời niên thiếu.
Ông Wong từng nhận học bổng đại học của Chính phủ Singapore khi theo học ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ). Yêu nhạc Rock, Blues và Soul, ông Wong chơi guitar từ năm 8 tuổi và vận dụng khá tốt kỹ năng âm nhạc trong những năm đại học khi từng đi hát rong với người bạn cùng phòng người Mỹ. Thông tin về đời tư cá nhân của ông cũng rất hạn chế. Ông tái hôn sau một cuộc ly hôn văn minh, không có con cái.
Năm 1997, ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò công chức. Sau đó, ông trở thành lãnh đạo Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) và cũng là thư ký riêng của ông Lý Hiển Long. Năm 2011, ông Wong được bầu vào Quốc hội Singapore lần đầu tiên và 2 tuần sau đó được trao chức vụ chính trị đầu tiên - Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng. Ông tái đắc cử đại biểu quốc hội trong cả hai cuộc bầu cử năm 2015 và 2020, đồng thời dần thăng tiến và được giao một số vị trí bộ trưởng. Ông giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, sau đó là Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia từ năm 2012 đến năm 2020.
Tuy nhiên, ông Wong đã trở nên nổi bật hơn nhiều vào năm 2020, sau khi được bổ nhiệm làm đồng chủ nhiệm lực lượng đặc nhiệm (gồm nhiều bộ) của Chính phủ Singapore nhằm ứng phó dịch COVID-19. Sau cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2020 (được tổ chức trong bối cảnh đại dịch), ông Lawrence Wong đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Từ tháng 5-2021, ông là Bộ trưởng Tài chính.
Ứng cử viên cho ghế Thủ tướng
Sự kiện ông Lawrence Wong giữ cương vị quyền thủ tướng lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận Singapore. Trước đó, ngày 6-6, Thủ tướng Lý Hiển Long đã bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong làm Phó Thủ tướng mới.
Ông Devadas Krishnadas, một nhà quan sát có tiếng về Singapore, đánh giá Thủ tướng Lý Hiển Long đã thể hiện "khả năng lãnh đạo thông minh" qua việc trao cho người kế nhiệm của mình cơ hội làm quyền thủ tướng ngay "ngày đầu tiên giữ chức phó thủ tướng".
Theo một tuyên bố chính thức, ông Lawrence Wong sẽ tiếp tục giữ vai trò Bộ trưởng Tài chính trong khi giữ chức Phó Thủ tướng. Ông Wong được đánh giá có công lớn trong việc giúp Singapore vượt qua đại dịch COVID-19 với tư cách là đồng lãnh đạo lực lượng đặc trách chống dịch của chính phủ.
Trước đó, vào tháng 4-2022, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, mọi thành viên nội các đã ủng hộ ông Lawrence Wong trở thành người đứng đầu nhóm lãnh đạo 4G (thế hệ thứ tư) của đảng Hành động nhân dân (PAP) - đảng cầm quyền lâu năm của Singapore. Quyết định này cũng nhận được sự tán thành của toàn bộ 83 nghị sĩ của đảng PAP.
Tuyên bố về việc lựa chọn ông Lawrence Wong là người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP được đưa ra một năm sau khi Phó Thủ tướng Heng Swee Keat thông báo quyết định rút khỏi vai trò lãnh đạo nhóm 4G, mở đường cho một chính khách khác trẻ tuổi hơn lãnh đạo đất nước khi Thủ tướng Lý Hiển Long nghỉ hưu. Giới phân tích đánh giá ông Wong là người kế nhiệm tiềm năng cho ông Lý Hiển Long. “Tôi đã 70 tuổi và tôi mong được giao lại cho Lawrence khi ông ấy sẵn sàng”, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết trong một cuộc họp báo.
Phần lớn giới quan sát đều đồng tình kết quả của quá trình chọn người kế nhiệm ông Lý Hiển Long sau nhiều năm kéo dài. Ông Inderjit Singh, một cựu nghị sĩ và người ủng hộ PAP, cho biết ông Wong đã được nhiều người biết đến với vai trò trong đại dịch và còn có thể được ghi công là người giúp Singapore vững chãi trước khủng hoảng COVID-19.
“Với một đất nước đã quen với sự ổn định chính trị, việc chọn được người kế nhiệm sẽ giúp làm giảm các lo ngại về quá trình chuyển giao lãnh đạo thuận lợi”, bà Nydia Ngiow, Giám đốc quản lý hãng tư vấn BowerGroupAsia tại Singapore, nói.
Theo nhà phân tích chính trị từ Đại học Công nghệ Nanyang Felix Tan, có thể sẽ không có bất kỳ “sự thay đổi lớn nào”, đồng thời lưu ý rằng các chính sách đối ngoại của Singapore thường được quyết định bởi tính trung lập và dựa trên lợi ích quốc gia. "Trong tương lai, ông Wong sẽ cần xây dựng thương hiệu lãnh đạo của riêng mình và tìm ra một điểm độc đáo mà người dân Singapore cảm thấy thoải mái và có thể ủng hộ", ông Felix Tan nói.