Ukraine cải tổ nội các giữa lúc chiến trường đầy khó khăn
Một phó thủ tướng và một loạt bộ trưởng xin từ chức chỉ trong 3 ngày. Đây được xem là đợt cải tổ nội các lớn nhất mà Tổng thống Zelensky tiến hành trong thời điểm cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra ác liệt, với nhiều tổn thất cả về con người và khí tài quân sự...
Ngày 5/9, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Andrii Sybiha làm Bộ trưởng Ngoại giao mới, thay thế ông Dmytro Kuleba. Ông Sybiha là một nhà ngoại giao kỳ cựu, đã làm việc nhiều năm trong văn phòng của Tổng thống Zelensky. Ông là một trong 8 vị trí mới được bổ nhiệm ngày 5/9.
Trong số các vị trí biến động, đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Oleksandr Kamyshin - chuyên trách sản xuất vũ khí, đã từ chức để chuyển sang một vai trò quốc phòng khác. Trong danh sách từ chức hôm 4/9 còn có Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu Olha Stefanishyna cùng những người khác. Đồng thời, Tổng thống Zelensky đã ra sắc lệnh sa thải ông Rostyslav Shurma, Phó chánh Văn phòng Tổng thống phụ trách kinh tế. Tổng cộng có 6 bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, đã nộp đơn từ chức và Quốc hội Ukraine đã chấp nhận đơn từ chức của 4 người.
Trước đó, ngày 4/9, Tổng thống Zelensky đã gặp các nhà lập pháp từ đảng Người phục vụ nhân dân của mình và người đứng đầu nhóm nghị sĩ cho biết những người tham dự đã ủng hộ lời kêu gọi của tổng thống về việc thay đổi đội hình chính phủ.
Các nhà phân tích cho biết việc tái thiết Chính phủ Ukraine đã được lên kế hoạch trong một thời gian nhưng đã bị hoãn lại vì ông Zelensky bận tập trung vào những cuộc đàm phán với các đối tác phương Tây để “xin” viện trợ quân sự và tài chính. Họ không mong đợi một sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại sau khi ông Kuleba từ chức.
Đằng sau cuộc cải tổ nội các, dư luận cho rằng có những vấn đề xung đột lợi ích giữa các nhóm quyền lực “ngầm” ở Ukraine. Những người chỉ trích Chính phủ Ukraine cho rằng cuộc cải tổ này chỉ nhằm củng cố quyền lực của một nhóm nhỏ những người trung thành với ông Zelensky và liên minh với Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak. Ông Kuleba là gương mặt đối ngoại nổi bật của Ukraine suốt từ đầu cuộc chiến đến nay, nhưng đã được thay thế bởi ông Sybiha, cựu Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ và từng là phó tướng của ông Yermak.
Các nhà phân tích cho biết xung quanh ông Zelensky hiện tại còn rất ít những người có tài năng đủ sức quán xuyến các vấn đề của đất nước, do đó một số bộ trưởng cần được bổ nhiệm lại vào các vai trò mới chứ không cho thôi chức. Trong số các vị trí khác được bổ nhiệm có Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin, những người sẽ có tiếng nói phản bác lại câu chuyện của Nga về cuộc chiến. Nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cho biết quốc hội sẽ tiếp tục xem xét các đơn từ chức và bổ nhiệm. Hiện tại, 10 trong số 21 vị trí bộ trưởng đang bỏ trống.
Điện Kremlin cho biết những thay đổi trong Chính phủ Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hòa bình, mặc dù các cuộc đàm phán như vậy có vẻ là một viễn cảnh xa vời khi hai bên tham chiến có mục tiêu rất khác nhau.
Vài tháng tới là thời điểm quan trọng đối với ông Zelensky khi ông tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây nhằm “giành lại thế chủ động” trong cuộc chiến với Nga. Ông đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh dỡ bỏ hạn chế cấm Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào Nga. Cuối tháng này, ông sẽ tới Mỹ và sẽ trình bày một “kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Joe Biden. Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin chính thức của Mỹ cho biết, hiện tại Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa JASSM, nhưng bất kỳ đợt giao hàng nào cũng phải mất vài tháng nữa.
Reuters cho biết việc đưa tên lửa không đối đất tầm xa vào một gói vũ khí dự kiến sẽ được công bố mùa thu năm nay. JASSM là loại tên lửa tàng hình có thể tấn công xa hơn hầu hết các loại tên lửa khác trong kho vũ khí hiện tại của Ukraine và Kiev hy vọng việc đưa loại vũ khí này vào sử dụng có thể đẩy lùi các khu vực tập kết và kho tiếp tế của Nga hàng trăm dặm, có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng cho nỗ lực chiến tranh của Nga.
Các lực lượng Nga đang tiến mạnh ở mặt trận Đông Ukraine và đã đẩy mạnh chiến dịch tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Kiev và các thành phố khác của Ukraine xa tiền tuyến về phía Tây nước này. Mục tiêu tấn công là hạ tầng năng lượng và các cơ sở hạ tầng khác với tần suất tấn công gần như hằng ngày.
Chỉ huy cấp cao của Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi cho biết một trong những mục tiêu của chiến dịch Kursk là chuyển hướng lực lượng Nga khỏi các khu vực khác, chủ yếu là ở miền Đông Ukraine gần các thành phố Pokrovsk và Kurakhove.
Mặc dù cuộc tấn công Kursk có thể gây ra bối rối cho quân đội Nga tại khu vực Kursk, nhưng sau vài tuần củng cố lại đội hình và phản công thành công, các quan chức Nga hiện đang mô tả cuộc tấn công tỉnh Kursk là một trong những sai lầm chiến thuật lớn nhất của Kiev trong cuộc chiến, vì chiến dịch đó đã trói buộc hàng nghìn quân mà không mang lại lợi ích thực sự nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 5/9 rằng cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk đã không làm chậm được bước tiến của Nga ở miền Đông Ukraine và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Kiev dọc theo tuyến đầu. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Tổng thống Putin cho biết lực lượng Nga đang dần đẩy lùi binh lính Ukraine ra khỏi Kursk. Ông cho biết Ukraine đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của mình ở những nơi khác và cho phép Nga đẩy nhanh tiến trình tiến vào khu vực Donbass, đồng thời nhắc lại rằng mục tiêu chính của Moscow là giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.