Ukraine: Cuộc chiến chống tham nhũng nhiều ẩn số

Thứ Tư, 24/05/2023, 12:03

Một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra ở Ukraine xung quanh cáo buộc cho rằng việc kiểm soát tham nhũng đang bị lợi dụng để gài bẫy những doanh nhân ủng hộ cải cách Nhà nước, làm dấy lên nghi ngờ lớn hơn về quỹ đạo chính trị nội bộ của Ukraine - và khả năng tiếp nhận hàng tỷ USD trong Quỹ Tái thiết châu Âu khi chiến tranh kết thúc.

Cuộc chiến chống tham nhũng gây tranh cãi

Lo ngại đã được bày tỏ với Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Anh, và được chia sẻ một phần bởi các nhà vận động chống tham nhũng Ukraine. Vấn đề này rất nhạy cảm về mặt ngoại giao vì các nhà phê bình cảnh giác với việc lợi dụng lời cáo buộc của Nga rằng Ukraine tham nhũng cố hữu, hoặc ngụ ý cho rằng các tổ chức chống tham nhũng, được thành lập với sự ủng hộ quan trọng của các đồng minh phương Tây và xã hội dân sự Ukraine, đã đi chệch hướng.

Ukraine: Cuộc chiến chống tham nhũng nhiều ẩn số -0
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy quyết tâm chống tham nhũng để gia nhập EU.

Tham nhũng từ lâu đã là gót chân Achilles của Ukraine, tăng chậm trong chỉ số nhận thức về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế từ vị trí thứ 142 trên thế giới vào năm 2014 lên vị trí thứ 122 vào năm 2021. Thay vào đó, cuộc chiến chống tham nhũng của nước này tập trung chủ yếu vào các doanh nhân đã tham gia chính phủ để giúp vực dậy nền kinh tế Ukraine sau cuộc cách mạng năm 2014. Vấn đề lớn được đặt ra là nền kinh tế Ukraine sẽ trở thành như thế nào sau chiến tranh - và liệu những người tài năng có mạo hiểm làm việc cho Nhà nước một lần nữa hay không. Katya Ryzhenko, một chuyên gia thuộc Tổ chức Minh bạch quốc tế Ukraine, đã kêu gọi xem xét lại cơ quan chống tham nhũng của Ukraine (NABU).

“Dấu hiệu tốt lành đó là mặc dù đang trong tình trạng chiến tranh, hệ thống chống tham nhũng của Ukraine không ngại theo đuổi những tên tuổi lớn và để những vụ việc này được xét xử minh bạch bởi các thẩm phán độc lập”. Tuy nhiên, bà Ryzhenko nói thêm: “Các vụ án đã làm nổi bật những vấn đề nghiêm trọng trong cách thức hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine”.

Một cựu quan chức Ukraine, người có công trong việc vận động thành lập các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine, nói rằng các quan chức dường như đang nhắm mục tiêu vào những người vi phạm quản trị doanh nghiệp, thay vì tham nhũng công khai. “Đây là một thảm kịch không có người chiến thắng”- người này nói.

NABU cho biết cơ quan này chỉ đơn giản là làm theo bằng chứng do các cơ quan kiểm toán Nhà nước cung cấp. Cơ quan này đưa ra bằng chứng là các cuộc điều tra thành công bao gồm cả việc vạch trần những bất thường gần đây trong kế hoạch tư nhân hóa trị giá 500 triệu hryvnia Ukraine (13,6 triệu USD) được cho là do một cựu quan chức dàn dựng.

Một số nhà phê bình đổ lỗi cho sự sốt sắng thái quá của một quốc gia mong muốn gây ấn tượng với EU trước các cuộc đàm phán gia nhập khối có thể diễn ra vào năm tới. Những người khác đổ lỗi cho sự kém cỏi hoặc tư duy trừng phạt.

Đối mặt với cuộc chiến với nước Nga, hầu hết người Ukraine tỏ ra không mấy quan tâm đến việc truy tố các doanh nhân giàu có. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người được bầu theo phiếu cải cách và vẫn cực kỳ nổi tiếng, đã có đáp trả các cáo buộc tham nhũng thời chiến. Vào tháng 1, 15 quan chức chính phủ đã từ chức hoặc bị cách chức sau một loạt cuộc truy quét chống tham nhũng cấp cao, khi Tổng thống Zelenskiy cam kết triển khai chính sách không khoan nhượng với tham nhũng. Nhưng nếu mọi người nhìn thấy cuộc chiến chống tham nhũng đang bị thao túng thì có khả năng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Ukraine đối với các nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức như IMF.

Kẻ lập công trở thành tội đồ tham nhũng

Ông Andríy Kóbolyev, cựu Giám đốc điều hành của công ty khí đốt Nhà nước Naftogaz, doanh nhân cao cấp nhất phải đối mặt với cáo buộc cho biết: “Có một số nỗ lực nhằm làm mất uy tín của các nhà cải cách Ukraine - và bằng cách mở rộng chính các cơ quan chống tham nhũng”. Ông Kóbolyev làm Giám đốc điều hành Naftogaz từ năm 2014 đến năm 2021, bị cáo buộc lừa dối các thành viên hội đồng quản trị của Naftogaz để trả cho ông ta một khoản tiền thưởng khổng lồ vào năm 2018. Nếu bị kết tội, ông ta sẽ phải đối mặt với mức án 12 năm tù. Kóbolyev hiện đang được tại ngoại, đeo thẻ điện tử ở chân. Nhưng Kóbolyev nói rằng trường hợp của ông ta là một phần của hình thức thanh trừng đang được triển khai liên quan đến các cựu Giám đốc điều hành theo chủ nghĩa cải cách.

Ukraine: Cuộc chiến chống tham nhũng nhiều ẩn số -0
Doanh nhân Andríy Kóbolyev.

Sau cuộc điều tra kéo dài 5 năm, vào ngày 18 tháng 1 NABU đã đưa ra cáo buộc ông Kóbolyev biển thủ hơn 229 triệu hryvnia của Ukraine vào năm 2018 sau khi giành được phán quyết trọng tài chống lại công ty năng lượng Nhà nước Nga Gazprom. Vụ kiện trọng tài, được xét xử tại Stockholm vào năm 2018, đã thu về cho Naftogaz khoản thanh toán của Nga trị giá 4,6 tỷ USD.

Kết quả từ thắng lợi đó, ban giám sát Naftogaz đã đồng ý trao 1% số tiền (46,3 triệu USD) làm tiền thưởng cho khoảng 40 nhân viên. Ông Kóbolyev nhận được khoảng một nửa: 10 triệu USD vào năm 2018 và 12 triệu USD nữa vào năm 2021. Các công tố viên cáo buộc khoản thanh toán đã vi phạm quy định giới hạn tiền thưởng cho Giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp Nhà nước và cáo buộc ông Kóbolyev đã lừa dối hội đồng quản trị Naftogaz. Ông Kóbolyev phủ nhận mọi hành vi sai trái, nói rằng ông ta đã thông báo cho hội đồng quản trị về quy định, nhưng cố vấn pháp lý độc lập khuyên rằng hội đồng quản trị có toàn quyền quyết định tiền thưởng. Ông ta nói: “Quy mô tiền thưởng của tôi không phải do tôi quyết định mà do ban giám sát quyết định. Việc người đứng đầu công ty tự quyết định mức lương thưởng của mình là trái với mọi quy tắc quản trị doanh nghiệp”.

Clare Spottiswoode, cựu quản lý khí đốt của Anh và cựu Chủ tịch Hội đồng giám sát Naftogaz nói rằng hội đồng quản trị đã nhất trí thông qua khoản tiền thưởng sau khi tham khảo ý kiến ​​của cố vấn pháp lý. Trong một tuyên bố bà đã ký với hai cựu thành viên khác của ban giám sát, Spottiswoode cho biết “Kóbolyev đã có một hành động lãnh đạo dũng cảm khi thực hiện vụ việc thành công đáng kinh ngạc” mà nhiều người đã nói là không thể thắng được. Bà nói rằng bà chưa bao giờ được NABU thẩm vấn.

Mark Savchuk, người đứng đầu cơ quan dân sự giám sát cơ quan tham nhũng, cũng đã chỉ trích NABU, phát biểu trên Kyiv Post: “Công ty khí đốt Ukraine đã thu lợi được 4,6 tỷ USD nên không có thiệt hại nào. Những khoản tiền bổ sung sau đó được đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Naftogaz hoặc trả cho Nhà nước thông qua cổ tức. Thật là kỳ lạ khi nói rằng người đã giúp đạt được điều này là tham nhũng. Theo tôi, các cơ quan thực thi pháp luật đang làm sai”.

Nhưng nhóm điều tra của Nabu vẫn không bỏ cuộc, lập luận rằng ông Kóbolyev nên bị từ chối bảo lãnh vì ông ta có thể bỏ trốn, giả mạo nhân chứng hoặc che giấu tài liệu. Tòa án chống tham nhũng cấp cao đã ấn định số tiền bảo lãnh cho ông là 229 triệu hryvnia Ukraine, nhưng đã hai lần từ chối yêu cầu gia hạn thêm thời gian của NABU. Tiền thưởng của ông Kobolyev có thể bị nghi ngờ về mặt đạo đức, nhưng trong thời gian làm việc tại Naftogaz, ông ta đã biến công ty từ một công ty thất bại thành một công ty cung cấp 15% tổng doanh thu Nhà nước của Ukraine. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, ông ta đã sử dụng kiến thức của mình về ngành công nghiệp khí đốt của Nga để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Moscow, một điểm được John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine thừa nhận trong một lá thư bào chữa cho ông ta.

Khi tinh thần cải cách phải trả giá

Ông Kóbolyev không phải là doanh nhân duy nhất vướng vào các vụ lùm xùm tham nhũng. Vào tháng 3, tòa án chống tham nhũng cấp cao đã kết án doanh nhân Yevheniy Dykhne 5 năm tù vì cho thuê mặt bằng tại sân bay Boryspil cho các doanh nghiệp tư nhân, chẳng hạn như cửa hàng và quán cà phê, mà không sử dụng quy trình đấu thầu cạnh tranh của Nhà nước vốn phải mất hai năm để hoàn thành.

Ukraine: Cuộc chiến chống tham nhũng nhiều ẩn số -0
Cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Andrei Pivovarsky.

Ông không hề thu lợi cá nhân, nhưng tòa án phán quyết rằng chỉ Nhà nước mới có quyền giao tài sản và tính toán rằng hành động của ông Dykhne đã dẫn đến việc Nhà nước mất 15,7 triệu hryvnia Ukraine. Dykhne mô tả bản án là “thứ rác rưởi”, và trong nỗ lực chỉ ra sự vô lý của lời buộc tội, ông đã cho đăng các tài liệu của tòa án lên mạng.

Vụ thứ ba liên quan đến cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Andrei Pivovarsky. Ông này bị cáo buộc đã tước đoạt 30 triệu USD của Nhà nước bằng quyết định vào năm 2015 rằng chỉ một nửa phí bến cảng tại cảng biển Pivdennyi trên Biển Đen được chuyển cho cơ quan quản lý cảng biển Ukraine. Pivovarsky nói rằng một nửa còn lại nên dành cho các công ty tư nhân với điều kiện họ tái đầu tư số tiền thu được vào việc bảo trì. Ông lập luận rằng mục đích của ông là làm cho cảng hoạt động hiệu quả hơn. Vào thời điểm đó, Pivovarsky chịu trách nhiệm cải cách theo hướng tự do hóa nền kinh tế Ukraine, và ông nói rằng ông đã thông báo cho Bộ Tư pháp về các cải cách. Ông không bị buộc tội kiếm lợi riêng, nhưng NABU khẳng định chỉ doanh nghiệp Nhà nước mới có quyền thu phí bến cảng. Pivovarsky đã được tại ngoại và gần đây đã viết trên Facebook: “Chỉ đến bây giờ tôi mới nhận ra mong muốn chân thành để thay đổi đất nước tốt đẹp hơn đã phải trả giá như thế nào”.

Một trong những người ủng hộ ông Kóbolyev đang hoạt động ở Washington lập luận: “Bất kể động cơ là gì, việc truy tố, kết án và bỏ tù những nhà cải cách nổi tiếng và đã được thử nghiệm của Ukraine là một thảm họa đối với Ukraine. Bỏ vấn đề đạo đức về tiền thưởng của ông Kóbolyev sang một bên, nếu điều này tiếp diễn, nó sẽ cản trở nghiêm trọng khả năng của Ukraine trong việc thu hút những người thông minh và chính trực để lãnh đạo quá trình tái thiết, gây quỹ và quản lý các quỹ đó một cách trung thực và minh bạch”.

Ông Kóbolyev nhận xét: “NABU được thành lập để săn lùng những người cấp cao nhất nhận hối lộ. Thay vào đó, họ săn lùng những nhà cải cách không bao giờ nhận hối lộ. Trong khi đó, những con cá lớn không được chạm vào. Điều đó phá hủy niềm tin vào pháp quyền”. Spottiswoode nói: “Tôi rất kinh ngạc khi NABU đang có hành động pháp lý chống lại một số giám đốc điều hành giỏi nhất người Ukraine của một số công ty thuộc sở hữu lớn nhất của Ukraine”. Bà Ryzhenko cho biết mỗi trường hợp đều khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi luật quản trị doanh nghiệp của Ukraine, các quy trình giam giữ trước khi xét xử và thời hiệu.

Các nhà phê bình nhận ra rằng một số doanh nhân có ranh giới mong manh giữa việc thể hiện sáng kiến và lạm dụng chức vụ. Nhưng họ cảnh báo rằng các công tố viên Ukraine đang bóp méo tội phạm tài chính. Theo họ, trừ khi ai đó giải quyết được tất cả những chuyện này, Ukraine có thể thấy rằng họ đã chiến thắng một cách vinh quang trong một cuộc chiến, chỉ để phát hiện ra rằng họ đã đánh mất hòa bình.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.