Vai trò hòa giải của Belarus trong vụ Wagner

Thứ Ba, 04/07/2023, 11:07

Vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner hôm 24/6 vừa qua đã được dập tắt kịp thời. Binh lính Wagner rút khỏi thành phố Rostov-on-Don và hủy cuộc hành quân về Moscow để tránh đổ máu. Truyền thông đưa tin, người đứng ra trung gian thương lượng viêc này là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngày 27/6, Tổng thống Lukashenko tuyên bố với báo chí rằng lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin đã có mặt tại Belarus theo thỏa thuận trước đó. Trùm Wagner Prigozhin đã bay đến Belarus trên một chuyên cơ sau khi đạt được thỏa thuận với Tổng thống Lukashenko và được Tổng thống Putin chấp thuận. Cũng theo thỏa thuận, các binh sĩ Wagner được quyền chọn lựa một là theo lãnh đạo Prigozhin sang Belarus hoặc là ở lại Nga ký hợp đồng chiến đấu với Bộ Quốc phòng Nga hoặc là về nhà. Cũng theo thỏa thuận, sáng 27/6, Cơ quan An ninh nhà nước (FSB) của Nga đã hủy bỏ cáo buộc đối với những người tham gia cuộc nổi dậy.

Vai trò hòa giải của Belarus trong vụ Wagner -0
Lính Wagner rời khỏi thành phố Rostov-on-Don.

Một số cựu chỉ huy Wagner cho rằng không phải tất cả binh sĩ Wagner đều sẽ theo Prigozhin sang Belarus, mà một số sẽ ở lại Nga chiến đấu theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin. Tổng thống Lukashenko được cho là đánh giá cao trình độ quân sự của lực lượng Wagner. Khi tham gia cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Wagner được phương Tây đánh giá rất cao về tính hiệu quả trong chiến đấu.

Trùm Prigozhin đã thông báo cuộc nổi dậy của Wagner vào tối 23/6. Thời điểm thông báo, hàng nghìn quân Wagner và nhiều phương tiện chiến tranh đã di chuyển đến một số thành phố ở Nga. Prigozhin gọi cuộc điều động không phải là một cuộc nổi loạn hay đảo chính, mà đến Moscow “để đòi công lý”.

Nguyên nhân cuộc nổi loạn của Wagner được cho là xuất phát từ những trận chiến tại các mặt trận xung quanh thành phố Bakhmut khiến lực lượng Wagner thiệt hại nặng nề. Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng trùm Wagner Prigozhin đổ lỗi cho quân đội chính quy của Nga đã bắn tên lửa vào lực lượng của ông ta gây ra thương vong cao. Vì vậy, ông ra đòi Chính phủ Nga phải “xử lý” Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và một số quan chức khác của quân đội. Đi xa hơn, Prigozhin đã ra lệnh cho binh sĩ làm cuộc nổi dậy để “đòi công lý”. Không chỉ chiếm đóng thành phố Rostov-on-Don, Prigozhin còn đưa quân đến nhiều thành phố khác và định tiến quân về Moscow.

Khi Tổng thống Putin lên tiếng chỉ trích cuộc nổi dậy, gọi đó là hành động “phản quốc”, đó là lúc tình hình đã đến mức nguy hiểm. Cuộc nổi dậy của Wagner đã châm ngòi cho cơn giận dữ bất thường của Tổng thống Putin và ông dường như đã quyết định “xóa sổ Wagner”. Theo lời của ông Lukashenko, vào thời điểm đó quân đội Nga đã được đặt trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu” để và tiêu diệt toàn bộ lực lượng Wagner.

Ông Lukashenko kể rằng khi nhận thấy tình hình nguy cấp, ông đã liên tục điện đàm tham vấn với Tổng thống Putin để tìm cách xoa dịu tình hình. “Đừng vội!” - ông Lukashenko nói với ông Putin. Rồi ông cố gắng thuyết phục ông Putin nói chuyện với Prigozhin để tìm ra hướng giải quyết.

Ỏ phía ngược lại, ban đầu Prigozhin cũng từ chối trả lời điện thoại của ông Lukashenko. Sau nhiều lần nỗ lực liên lạc, cuối cùng ông Lukashenko cũng nói chuyện được với Prigozhin. Ông Lukashenko cho biết, Prigozhin trần tình với ông rằng không có ý định “lật đổ chính quyền” hay làm “binh biến” gì hết, không như báo chí phương Tây đưa tin. Mục đích của Prigozhin là yêu cầu Chính phủ Nga trả lời cho những vấn đề gút mắc liên quan chiến dịch quân sự đã có sự trao đổi giữa ông ta với Bộ Quốc phòng Nga trong thời gian qua nhưng chưa được giải quyết và mới đây nhất là những thất bại trên chiến trường và số thương vong quá lớn binh lính Wagner, trong đó có những lần bị chính tên lửa Nga đánh trúng.

Ông Lukashenko đã “trổ tài” thuyết phục để khuyên Prigozhin dừng hành động nổi loạn. Ông cho biết khi quân Wagner chỉ còn cách Moscow khoảng 200km, Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng để nghênh đón lực lượng này. “Bạn (Wagner) có thể bị nghiền nát như côn trùng ngay lập tức nếu tiếp tục tiến về phía Moscow”, ông Lukashenko nói và lặp lại lời cảnh báo với Prigozhin.

Quả đúng như lời ông Lukashenko, quân đội Nga đã được điều động sẵn sàng chiến đấu với hơn 10.000 quân bố trí xung quanh Moscow, trong khi quân Wagner chỉ có khoảng 5.000 binh sĩ tiến về Moscow. Cộng với khí tài quân sự hiện đại sẵn có, quân đội Nga đã sẵn sàng thi hành lệnh của Tổng thống Putin “nghiền nát Wagner ngay lập tức”.

Ông Lukashenko nhận định: Wagner đã có kinh nghiệm chiến tranh gần đây. Họ biết vũ khí nào hiệu quả và không hiệu quả trên chiến trường. Họ cũng biết nhiều chiến thuật khác nhau và vũ khí mới nhất của đối thủ. Tuy nhiên, quân đội Nga đã được đào tạo và có một hệ thống bài bản trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, quân đội Nga cũng đã tham gia vào nhiều cuộc chiến khác nhau trong vài thập kỷ qua. Vì vậy, ông Lukashenko rất lo ngại về nguy cơ đổ máu nếu cuộc tiến quân của Wagner không dừng lại kịp lúc. Bởi vì, tình hình khi đó tiến triển theo chiều hướng những người lính rất có kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại đụng độ nhau. Ông Lukashenko nói: “Tôi lo rằng xung đột sẽ lan rộng không kiểm soát được.

Sau khi nghe ông Lukashenko thuyết phục, Prigozhin thay đổi suy nghĩ, sẵn sàng đàm phán và thể hiện sự hiểu biết. Ông ta đã yêu cầu được tạo điều kiện để nói chuyện với Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov. FSB đã công bố một cuộc điều tra về Wagner kể từ tối 23/6. Prigozhin lo ngại rằng FSB đã tìm ra điểm yếu của Wagner và dữ liệu đó có thể được sử dụng để chống lại họ.

Sau khi nói chuyện được với ông Bortnikov, Prigozhin ra lệnh cho quân Wagner rút lui. Prigozhin cuối cùng cũng đã gọi điện cho ông Putin và nhận được sự đảm bảo rằng ông ta sẽ được miễn các cáo buộc khác nhau.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.