Venezuela bất ổn sau bầu cử
Cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela diễn ra hôm 28/7 vừa qua đã cho kết quả cả hai ứng cử viên đối đầu nhau đều tuyên bố “giành chiến thắng”, dẫn đến hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Nicolas Maduro “nhận thua” và giao lại chiếc ghế quyền lực.
Sáng 29/7, Tổng thống Venezuela đương nhiệm Maduro đã chính thức được cơ quan bầu cử của chính phủ tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 28/7. Ông Maduro gọi chiến thắng này là “không thể đảo ngược” mặc dù phe đối lập không công nhận và các thế lực chống đối ông ở nước ngoài đặt ra nhiều nghi ngờ về tính xác thực của tuyên bố này.
Từ hôm 28/7, ông Maduro đã tuyên bố đánh bại ứng cử viên đối lập Edmundo González Urrutia và đối tác vận động tranh cử của ông ta, nhà hoạt động bảo thủ María Corina Machado. Phát biểu trước những người ủng hộ tại thủ đô Caracas, ông Maduro dành tặng chiến thắng của mình cho người tiền nhiệm, ông Hugo Chávez, người đã chỉ định ông làm người kế nhiệm ngay trước khi qua đời vào năm 2013. “Chávez muôn năm. Chávez vẫn còn sống!”, ông Maduro hét lớn.
Ngay sau đó, phe đối lập đã lên tiếng phản bác tuyên bố chiến thắng của ông Maduro. Ông González và bà Machado cho biết họ có thể chứng minh chiến thắng của mình sau khi giành được 73,2% số phiếu bầu từ các điểm bỏ phiếu. Phát biểu với tờ Guardian, bà Machado thúc giục Tổng thống Maduro chấp nhận “kết thúc” 11 năm cầm quyền của mình. Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Maduro đã đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tàn khốc khiến hàng triệu người phải “vượt biên” ra nước ngoài. Bà Machado bác bỏ tuyên bố chiến thắng của ông Maduro và thêm rằng “Tôi cho rằng sự ra đi của ông ấy là không thể đảo ngược”.
Ông González là một cựu nhà ngoại giao ra tranh cử tổng thống thay bà Machado sau khi bà này bị cấm. Hai người tuyên bố chiến dịch của họ có bằng chứng xác thực rằng ông González đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu.
Còn Tổng thống Maduro thì tuyên bố đã đánh bại ông González, với hơn 5,1 triệu phiếu bầu so với 4,4 triệu phiếu bầu của đối thủ. Nhưng, bà Machado, còn gọi là “bà đầm thép” của Venezuela, khẳng định ứng cử viên của bà thực sự đã thắng thế và số phiếu được trao cho họ cho thấy ông này đã “giành được 6,2 triệu phiếu bầu so với 2,7 triệu phiếu bầu của ông Maduro”.
Ngày 29/7, phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ xuống đường phản đối kết quả bầu cử được công bố chính thức. Sau một ngày biểu tình rầm rộ, đã xảy ra đụng độ bạo lực với lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự. Trên đường phố Caracas, nhiều nơi khói lửa bốc lên do người biểu tình đốt vỏ xe và ném “bom xăng”.
Ngày 29/7, mạng xã hội tràn ngập báo cáo về những cuộc tuần hành phản đối bắt nguồn từ các cộng đồng nghèo trên khắp thị trấn và các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh cùng những băng nhóm xe máy ủng hộ ông Maduro được gọi là colectivos. Tại nhiều nơi ở Venezuela, người biểu tình đã giật đổ tượng ông Hugo Chavez, người tiền nhiệm của ông Maduro, đồng thời phá hỏng các pa-nô tuyên truyền chính sách vận động tranh cử của ông Maduro. Đã có 11 người chết và nhiều người bị thương, cũng như một số người quá khích đã bị lực lượng an ninh bắt giữ.
Tình hình căng thẳng không chỉ xảy ra bên trong Venezuela mà cả trên mặt trận ngoại giao. Ngay sau tuyên bố ông Maduro chiến thắng, các nước đồng minh của Venezuela trong khu vực như Cuba, Bolivia và Honduras,... đã chúc mừng chiến thắng của ông, nhưng các quốc gia phương Tây ủng hộ phe đối lập bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha và EU lại bày tỏ “sự nghi ngờ sâu sắc về cuộc bầu cử và kết quả của nó”. Ngày 29/7, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil cho biết hàng chục nhà ngoại giao từ 7 quốc gia Mỹ Latinh đã chỉ trích kết quả bầu cử sẽ bị trục xuất. Các chuyến bay đến Cộng hòa Dominica và Panama bị dừng.
Trong một cuộc họp báo hôm 31/7, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ có "mối quan ngại nghiêm trọng về việc phá hoại các chuẩn mực dân chủ” và các báo cáo về bạo lực và thương vong liên quan đến những người biểu tình. “Sự kiên nhẫn của chúng tôi và của cộng đồng quốc tế đang cạn kiệt”, Kirby nói. Brian Nichols - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu đã thúc giục ông Maduro và các chính phủ nước ngoài công nhận ông González “là người chiến thắng”.
Một lý luận được phe đối lập đưa ra để chống đối Tổng thống Maduro đó là tình hình kinh tế, xã hội Venezuela trở nên tồi tệ kề từ khi ông lên nắm quyền cách đây 11 năm. Tuy nhiên, các đồng minh của ông Maduro cho rằng tình trạng kinh tế khó khăn của Venezuela chủ yếu là do các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời kêu gọi biểu tình vào chiều 30/7 trong nỗ lực thể hiện sự ủng hộ của người dân có khả năng làm gia tăng căng thẳng trên đường phố Caracas.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro tuyên bố các nhóm “tội phạm” (ám chỉ người của phe đối lập) đã xâm chiếm các văn phòng khu vực của cơ quan bầu cử tại thành phố Coro. Tổng thống cho biết những hành động như vậy là một phần của “cuộc bạo lực phản cách mạng” đang được tiến hành bởi những kẻ cực đoan cực hữu tội phạm và phát xít.
Phát biểu trước các nhà báo nước ngoài tại Dinh Tổng thống ở Caracas hôm 31/7, Tổng thống Maduro đã đưa ra một lưu ý rằng chính đối thủ González và người ủng hộ chính của ông này là bà Machado phải chịu trách nhiệm về những vụ bạo loạn trong tuần này.
Ông Maduro tuyên bố sẽ chia sẻ dữ liệu bầu cử với các quan chức, đồng thời chỉ trích gay gắt những gì ông gọi là “cuộc tấn công tội phạm” được thiết kế để lật đổ chính quyền của ông và châm ngòi cho một cuộc nội chiến.