Vì sao NATO chưa thể kết nạp Thụy Điển, Phần Lan?

Thứ Hai, 07/11/2022, 09:34

Các lãnh đạo hai nước Thụy Điển và Phần Lan tiếp tục lên tiếng kêu gọi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ việc phản đối, chấp thuận đơn xin gia nhập khối của hai nước này. Hungary phần nào đã “xiêu lòng” nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Tại sao?

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ không xuất phát từ vấn đề địa chính trị. Đó là những vấn đề bất đồng riêng giữa hai bên. Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thật sự không khó để đáp ứng: Hai quốc gia Bắc Âu chỉ cần đáp ứng yêu cầu dẫn độ những kẻ mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố thì mọi chuyện sẽ trở nên êm xuôi. Vấn đề tưởng dễ làm vậy mà không dễ thực hiện đối với hai quốc gia Bắc Âu này.

Vì sao NATO chưa thể  kết nạp Thụy Điển, Phần Lan? -0
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.

Hai quốc gia khu vực Bắc Âu vốn giữ thế trung lập và không liên kết từ sau Chiến tranh Thế giới lần II và có mối quan hệ khá bình thường với nước Nga, mặc dù nhiều lúc ngả về phía Mỹ và EU trong các vấn đề mâu thuẫn với nước Nga. Nhưng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động mạnh mẽ khiến hai nước này thay đổi lập trường quan điểm và quyết định gia nhập khối NATO - một thực thể quân sự hình thành trong Chiến tranh Lạnh để đối phó với Liên Xô trước đây. Tháng 5/2022, Phần Lan, Thụy Điển đồng loạt nộp đơn xin gia nhập NATO.

Việc Thụy Điển, Phần Lan xin gia nhập NATO ngay từ đầu đã gặp phải sự phản đối của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vì những lý do khác nhau. Với Nga, đó là vấn đề địa chính trị, và Nga không thuộc khối NATO nên sự phản đối của Nga không ảnh hưởng trực tiếp đến việc xin gia nhập khối của hai quốc gia này.

Trong khối NATO, 28 nước thành viên đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Phần Lan, Thụy Điển, chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ban đầu phủ quyết đơn xin gia nhập khối của hai nước và cho đến hôm 1/11 vẫn chưa phê chuẩn đơn, mặc dù đã có sự thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary không phản đối và thông báo sẽ phê chuẩn đơn của hai nước vào giữa tháng 12 tới. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ nhất định phản đối với lý do hai nước Bắc Âu chưa đáp ứng các yêu cầu “đơn giản” của Ankara: Dẫn độ thành phần khủng bố chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại lãnh thổ hai nước này đến Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.

Vấn đề có vẻ đã được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào tháng 6/2022 vừa qua, với sáng kiến cuộc gặp ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Thụy Điển-Phần Lan do Tổng thống Mỹ Joe Biden làm trung gian xúc tiến. Tại cuộc gặp này, các bên đã cố gắng thuyết phục ông Erdogan về việc chấp thuận đơn xin gia nhập khối của Thụy Điển, Phần Lan. Cuộc gặp đã đưa đến kết quả một thỏa thuận “tay ba” gồm 10 điều khoản, trong đó hai nước Bắc Âu cam kết thực hiện các bước để kiểm soát sự hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố người Kurd ở hai nước này, cũng như các nhóm YPG của Syria hoặc mạng lưới những người ủng hộ ông Fathullah Gülen, người bị xem là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016. Để đổi lại, Ankara dỡ bỏ phủ quyết đơn xin gia nhập khối của hai nước.

Để “thưởng công” cho Ankara trong việc này, Tổng thống Biden đã bật đèn xanh cho các công ty quốc phòng Mỹ xúc tiến các hợp đồng cung cấp khí tài quân sự nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cấp, hiện đại hóa quốc phòng của Ankara. Được biết, từ tháng 10/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra yêu cầu với Mỹ về việc mua 40 máy bay chiến đấu F-16 do hãng Lockheed Martin sản xuất và gần 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của nước này.

Tuy nhiên, mặc dù thỏa thuận đã ký kết, phủ quyết đã dỡ bỏ, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố Ankara vẫn có thể ngăn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO nếu hai nước này không đáp ứng đủ các yêu cầu của Ankara về vấn đề dẫn độ thành phần khủng bố. Cho đến nay, Thụy Điển chỉ mới đáp ứng được 2 yêu cầu trong số hàng chục yêu cầu dẫn độ của Ankara.

Cái khó cho Thụy Điển là việc truy quét, bắt giữ để dẫn độ những người mà Ankara gọi là “khủng bố” đòi hỏi phải đáp ứng nghiêm ngặt các quy định pháp luật của nước này và các điều ước quốc tế. Cơ quan an ninh cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin về danh tính, thành phần xuất thân,... và nhất bằng chứng buộc tội “hoạt động khủng bố” thì mới có thể bắt giữ và dẫn độ. Cho đến nay, những thông tin như thế này chưa được cung cấp đầy đủ, trong khi các điều khoản trong thỏa thuận Madrid lại khá chung chung, mơ hồ, không xác định rõ, cụ thể danh tính, thành phần nhân thân, bằng chứng khủng bố,...

Một số nhà phân tích cho rằng chính phủ trung hữu của Thụy Điển được thành lập vào đầu tháng này có thể dễ dàng thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với chính phủ tiền nhiệm. Nhưng, ông Tobias Billstrom, Bộ trưởng Ngoại giao mới của Thụy Điển cho biết hôm 31/10 rằng chính phủ của ông có quá ít thông tin hay kinh nghiệm giải quyết vấn đề người Kurd, vì vậy sẽ rất khó khăn cho việc đáp ứng các yêu cầu của Ankara.

Phương Tây cho rằng, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đến thời điểm này phần nào liên quan đến chính trị trong nước, cho rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdoðan sẽ bươc vào cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới và muốn tăng cường sự ủng hộ của thành phần theo chủ nghĩa dân tộc trong nước. Ông Erdogan cho biết, đất nước ông vẫn phản đối đơn của Thụy Điển, Phần Lan, còn người phát ngôn của đảng AK của ông thì cho biết hôm 31/10 rằng Thụy Điển chưa hành động đủ để Ankara thay đổi quyết định. Trong hai nước Bắc Âu, Ankara phản đối chủ yếu là Thụy Điển hơn là Phần Lan.

Vì vậy, Phần Lan, Thụy Điển và cả lãnh đạo khối NATO đang ráo riết vận động Ankara để có được sự phê chuẩn đơn. Tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố sẽ đến Ankara để “du thuyết” lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày tới, có lẽ là khoảng ngày 8/11. Còn trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách thuyết phục ông Erdogan.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.