Trò chơi hai mặt của Katrina Leung
Vụ án Katrina Leung đã để lại tai tiếng cho FBI. Đặc vụ J. J. Smith, vì dính líu vào một mối quan hệ bất chính, đã tạo điều kiện để một đặc vụ Trung Quốc tiếp cận với những tài liệu mật của FBI và cung cấp tin giả cho FBI trong nhiều năm.
Khi ái tình trộn lẫn với hoạt động phản gián
Đặc vụ FBI James J. Smith, người thường được các đồng nghiệp FBI gọi tắt là “J.J”, đã có một sự nghiệp xuất sắc hơn 30 năm trong hàng ngũ FBI. Ông luôn được xem là một chuyên gia hàng đầu của FBI về những vấn đề Trung Quốc. Tiếng tăm của ông càng được củng cố nhờ vào những thành công trong quãng thời gian hoạt động 18 năm của “Cô hầu phòng”, mật danh của nữ điệp viên nằm trong mạng lưới của ông và được ông trực tiếp chỉ huy.
Katrina Leung - “Cô hầu phòng”, là một trong những nguồn tin chủ yếu của FBI về Trung Quốc trong nhiều năm. Cô này “kiêm” luôn vai trò người tình của Smith trong suốt thời gian hoạt động dưới sự chỉ huy của ông và cả khi ông đã nghỉ hưu. Dựa vào mối quan hệ này, Leung đã tiếp cận được với những tài liệu tối mật do Smith thường tham khảo ý kiến của cô về những công việc của FBI cũng như đưa cô xem nhiều tài liệu tối mật khác để nhờ đánh giá.
Một hành vi vi phạm trắng trợn các nguyên tắc an ninh cơ bản của hoạt động tình báo. Smith cũng đưa người tình của mình đến dự các bữa tiệc ở FBI, Leung đã quay video nhiều bữa tiệc do FBI tổ chức, một lỗ hổng an ninh nguy hiểm mà ngay những người nghiệp dư cũng không bao giờ phạm phải.
Smith gặp Leung lần đầu tiên vào năm 1982 trong một buổi thẩm vấn. Thời kỳ đó Leung đang làm cho một công ty mà FBI nghi ngờ đã chuyển giao bất hợp pháp một số công nghệ cho Trung Quốc. Trong buổi thẩm vấn, Leung công khai cho biết rằng mình có rất nhiều mối quan hệ “giá trị” ở Bắc Kinh, tiện thể cô đã chia sẻ một loạt các thông tin có giá trị cho Smith.
Trẻ đẹp, hoạt bát, có kỹ năng xã hội và nhiều mối quan hệ “đắt giá” với Trung Hoa đại lục, Smith nhận thấy Leung có nhiều tiềm năng để trở thành một nguồn cung cấp tin quan trọng và lâu dài về Trung Quốc. Smith nhanh chóng quyết định tuyển mộ Leung làm nguồn tin cho FBI và một thời gian ngắn sau đó ông ta đã cặp kè với cô. Năm đó Smith 38 tuổi và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của FBI còn Leung vừa tròn 31 tuổi.
Một bản lý lịch hoàn hảo
Leung sinh ngày 1-5-1954 tại Quảng Đông, Trung Quốc; tên khai sinh của Leung là Chan Man Ying. Người dì ruột đã đón cả gia đình cô qua Hong Kong rồi sau đó di cư sang Mỹ (1970). Năm 1976 cô lấy được văn bằng kép của Đại học Cornell về chuyên ngành kiến trúc và kỹ thuật. Sau khi có bằng MBA tại Đại học Chicago, cô chuyển đến California (1980) để làm việc cho Sida International, một công ty chuyên về xúc tiến thương mại với Trung Quốc.
Kể từ đó Leung và chồng cô - Kam, giám đốc điều hành của một công ty y tế, đã tích cực hoạt động trong việc gây quỹ chính trị và bắt đầu sát cánh với giới tinh hoa chính trị của Nam California. Leung tham gia ban giám đốc của Hội đồng Các vấn đề Thế giới Los Angeles cùng với cựu Ngoại trưởng Warren Christopher; Giám đốc điều hành Disney Michael Eisner và cựu chủ sở hữu của công ty Dodgers Los Angeles là Pete O’Malley. Thông thạo tiếng Trung Quốc và có nhiều mối quan hệ với Bắc Kinh, cô thường đứng ra tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi các quan chức Trung Quốc và nhanh chóng trở thành cầu nối về thương mại và các vấn đề khác giữa giới chính trị gia cao cấp của Trung Quốc và của California.
Những nghi vấn dần xuất hiện
Leung cũng hoạt động tích cực trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở Nam California và vì thế đã được FBI thẩm vấn về một số vụ việc liên quan đến các nhân vật nghi ngờ có hoạt động gián điệp. Một trong những vụ đó là cuộc điều tra nhà khoa học Guo Bao Min của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore.
Phụ trách cuộc điều tra này của FBI là đặc vụ Bill Cleveland, cũng là một chuyên gia chống gián điệp Trung Quốc của FBI. Ngay sau đó (1988), Cleveland và Leung bắt đầu gian díu với nhau, quan hệ tình ái này đã kéo dài tới tận năm 1999. Như vậy Katrina không chỉ lừa dối chồng mình mà cô ta còn lừa dối cả “J.J”, vừa là người tình, vừa là “ông chủ” của cô, người đã tuyển mộ cô làm điệp viên ngầm cho FBI.
Năm 1987, FBI nhận được những thông tin đáng ngờ về cuộc điện thoại của một người phụ nữ gọi tới Lãnh sự quán Trong Quốc ở San Francisco, người này sau đó được nhận dạng chính là Leung. Leung đã yêu cầu Lãnh sự quán gọi lại cho cô theo số điện của một bốt điện thoại công cộng, manh mối cho thấy cuộc trò chuyện này không chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh thông thường. Nhưng FBI đã phớt lờ những dấu hiệu đáng ngờ này. Tháng 4-1991, một sự kiện đáng nghi ngại hơn nữa đã xảy ra. Một người phụ nữ đã sử dụng mật danh để gọi cho một đặc vụ của Bộ An ninh Nhà nước (MSS) ở Trung Quốc để thông báo về chuyến viếng thăm Bắc Kinh của 2 đặc vụ FBI, một trong số đó là đặc vụ Bill Cleveland.
Cú điện thoại này của Leung đã gây chấn động FBI. Nếu một điệp viên thượng thặng của họ sử dụng mật danh để nói chuyện với một nhân viên tình báo cấp cao của Trung Quốc thì chỉ duy nhất có một lời giải thích: FBI đã bị cô ấy lừa dối. Nhưng thay vì tổ chức một ban chuyên án độc lập để điều tra vụ án, FBI lại phó mặc cho Smith tự mình xử lý vấn đề hóc búa này.
Trong suy nghĩ của FBI, dù sao đi nữa Smith cũng là một chuyên gia hàng đầu về chống gián điệp Trung Quốc và hàng ngày, các đặc vụ FBI trên khắp cả nước vẫn thường xuyên chuyển các tài liệu liên quan tới Trung Quốc cho anh ta xử lý. Tháng 5-1991, Leung đã phải đối mặt với một Smith đang tức giận điên cuồng, khi bị dồn vào đường cùng, Leung đã phải thú nhận việc mình thường xuyên cung cấp thông tin cho MSS.
Smith sau đó đã phải cố gắng thuyết phục FBI rằng Leung vẫn là một điệp viên giàu tiềm năng, có những mối quan hệ quý báu và rằng bằng quan hệ cá nhân, anh ta có thể khiến cô quay lưng lại với Trung Quốc. Smith cũng lấy danh dự cá nhân của mình ra để bảo đảm cho sự trung thành của Leung với FBI trong tương lai.
Trong những cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt, Smith thừa nhận rằng lúc đó anh ta rất lo sợ rằng nếu việc Leung bị vỡ lở, thì mối quan hệ tình ái bí mật của anh và Leung sẽ bị phơi bày ra ánh sáng, điều mà anh ta muốn giấu cả FBI lẫn gia đình mình. Một lần nữa FBI lại tin tưởng vào Smith và chấp nhận để anh ta tiếp tục sử dụng Leung làm nguồn cung cấp tin cho FBI.
Một cái kết không thể tránh khỏi
Bất chấp những nỗ lực khuyên nhủ của Smith, Leung vẫn tiếp tục trò chơi hai mặt. Năm 1992, một nguồn tin báo rằng có một điệp viên nhị trùng người Trung Quốc tên là “Katrina” đang làm việc cho FBI. Năm 2000, một nguồn tin khác đã xác nhận chắc chắn rằng Leung là đặc vụ của MSS.
Bất chấp những cảnh báo rất rõ ràng đó, phó giám đốc phụ trách công tác tình báo của FBI, dưới tác động của Smith, vẫn báo cáo rằng đây là những lời tố cáo “thiếu căn cứ”. Chỉ đến khi Chính phủ Mỹ nhận thấy hiện tượng hàng loạt các công nghệ quốc phòng nhạy cảm của nước Mỹ bị xâm hại thì một cuộc điều tra độc lập mới được FBI tiến hành và cuối năm 2001, danh sách các nghi phạm đã được đệ trình và Leung đứng đầu danh sách đó.
FBI đã bí mật theo dõi và lập hồ sơ về cô một năm trước khi chính thức thẩm vấn cô. Tháng 12-2002, Leung đã thừa nhận với các đặc vụ FBI rằng trong những cuộc gặp gỡ Smith tại nhà riêng, cô đã lén lút lấy những tài liệu mật trong cặp của ông này, sao chụp lại. Cô cũng thừa nhận mật danh của cô trong mạng lưới điệp viên của MSS và khai ra tên những cấp chỉ huy của cô trong mạng lưới điệp viên đó. Leung cũng xác nhận rằng mình đã ngoại tình với quan chức FBI trong quãng thời gian hơn 18 năm.
Smith, trong những cuộc thẩm vấn riêng rẽ, cũng đã miễn cưỡng thừa nhận mối quan hệ tình ái với Leung và việc mình đã chia sẻ quá nhiều thông tin với cô trong quãng thời gian dài. Đặc vụ Cleveland cũng thừa nhận mối quan hệ cá nhân của anh ta và Leung, nhưng khác với Smith, anh ta chỉ giới hạn mối quan hệ này là chuyện “bồ bịch” vì thế Cleveland không bị buộc bất cứ tội trạng vi phạm luật nào.
Ngày 9-4-2003, Katrina Leung và J.J.Smith bị bắt. Leung bị buộc tội truy cập, lưu giữ và sao chép trái phép các thông tin quốc phòng; gian dối và trốn thuế (vì đã không khai báo khoản thu nhập 1,7 triệu USD nhận được từ FBI trong nhiều năm). Smith bị buộc tội sơ suất trong việc xử lý thông tin mật và gian dối trong quá trình FBI điều tra anh ta.
Là một nhân viên FBI lâu năm và dày dạn kinh nghiệm, Smith hiểu rõ những chướng ngại ngăn cản chính phủ truy tố thành công các nghi phạm trong những vụ án an ninh quốc gia liên quan đến việc thất thoát tài liệu mật. Vì thế Smith và các luật sư đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận trả tự do với điều kiện nộp phạt 10.000 USD và 3 năm quản chế.
Về phần mình, FBI chỉ mong có thể bắt giam điệp viên Trung Quốc này vì thế FBI đã yêu cầu Smith hợp tác để chống lại Leung nếu muốn đạt được một “thỏa thuận biện hộ”. Các điều khoản của thỏa thuận này đã cấm Smith chia sẻ bất kỳ thông tin nào của vụ án với Leung hay các luật sư của cô. Tuy nhiên khi ra tòa, những điều này lại trở thành phản tác dụng. Thẩm phán Liên bang trong vụ Leung đã phán quyết rằng quyền hiến định của Leung đối với một nhân chứng cần thiết để bào chữa cho cô đã bị vi phạm bởi bản thỏa thuận biện hộ của Smith và vì thế thẩm phán đã tuyên bố khép lại vụ án.
Để tránh cho vụ án khỏi đi vào thế bế tắc, bên công tố và các luật sư đã đi đến một thỏa thuận cho Leung. Ngày 16-12-2005, Leung nhận tội với hai tội danh: nói dối chính quyền Liên bang và trốn thuế. Cô được trả tự do sau 3 năm bị giam giữ, đổi lại cô đồng ý hợp tác với FBI để cung cấp thông tin về các hoạt động gián điệp của cô phục vụ cho Trung Quốc; cô cũng phải nộp phạt 10.000 USD và thực hiện 100 giờ lao động công ích phục vụ cộng đồng.