Usha Vance: Từ cô gái gốc Ấn đến Đệ nhị phu nhân Mỹ
Trong căn nhà kiểu Gothic tại Cincinnati, thành phố miền Tây Nam Ohio (Mỹ), một người phụ nữ chọn đứng ngoài ánh đèn sân khấu chính trị. Bà không phát biểu rầm rộ, không tranh luận công khai, nhưng sự ảnh hưởng luôn hiện diện trong hầu hết các quyết định của Phó Tổng thống JD Vance. Đó là Usha Vance-con gái của một gia đình nhập cư người Ấn, cựu học giả Gates Cambridge, cựu thư ký Tòa án Tối cao và hiện là Đệ nhị phu nhân Mỹ.
Nền tảng giáo dục vượt trội
Sinh ra với tên khai sinh Usha Chilukuri tại Rancho Peasquitos, một khu dân cư yên bình ở phía Bắc San Diego, bang California, Usha là con gái của một gia đình nhập cư người Ấn Độ theo diện lao động trí thức từ những năm 1980.
Theo nhiều tờ báo ở Mỹ, gia đình Usha được biết đến với nền tảng học vấn cao và uyên bác. Cha bà là kỹ sư cơ khí và là giảng viên Đại học San Diego State còn mẹ là nhà sinh học phân tử, đồng thời là Hiệu phó Đại học California. Ông nội của bà, Rama Sastri Chilukuri đã dạy Vật lý tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT Madras) ở Chennai và hiện tại học viện này vẫn đang tổ chức một giải thưởng dành cho sinh viên để tưởng nhớ ông.

Ngay từ nhỏ, Usha đã thể hiện sự thông minh nổi bật và được bạn bè thời niên thiếu nhớ đến là một cô gái “mọt sách”, vừa trầm tính, học giỏi, vừa có tố chất lãnh đạo. Khi theo học tại Trường Trung học Mt. Carmel, bà là một học sinh ưu tú và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thậm chí biểu diễn sáo trong ban nhạc diễu hành.
Vikram Rao, một người bạn thân của gia đình của Usha kể: "Đến năm 5-6 tuổi, bà ấy đã luôn là người chỉ đạo chúng tôi. Usha luôn quyết định chúng tôi sẽ chơi trò chơi nào và luật chơi ra sao. Bà ấy luôn là người làm chủ mọi cuộc chơi”. Tham vọng và động lực này càng được thể hiện rõ khi ở tuổi 17, Usha là người duy nhất trong nhóm học sinh trung học tham gia cuộc thi đố vui và được tờ San Diego Union-Tribune phỏng vấn. Khi đó, bà đã gây ấn tượng bởi câu trả lời khá thẳng thắn, quyết đoán: “Biết câu trả lời thôi là chưa đủ, bạn phải làm thật nhanh”.
Sau đó, Usha trúng tuyển vào Đại học Yale, nơi bà tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2007 với bằng cử nhân lịch sử. Trong thời gian học tại Yale, Usha đã làm tình nguyện tại các trường tiểu học địa phương, làm đội trưởng đội Nữ hướng đạo và trở thành Tổng biên tập của Our Education - một ấn phẩm về chính sách giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, bà dạy lịch sử Anh và Mỹ với tư cách là nghiên cứu viên giảng dạy Yale-Trung Quốc tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, Usha còn giành được học bổng danh giá Gates Cambridge để theo học chương trình Thạc sĩ Triết học về lịch sử cận đại tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh (năm 2010). Đến năm 2013, bà trở lại Đại học Yale để lấy bằng Tiến sĩ Luật tại Trường Luật Yale - một trong những trường luật hàng đầu thế giới. Tại đây, Usha còn là là biên tập viên điều hành của Tạp chí Luật Yale, biên tập viên quản lý của Tạp chí Luật & Công nghệ Yale và biên tập viên của Tạp chí Luật & Chính sách Yale.

Tình yêu bắt đầu từ một nhóm thảo luận
Tại Trường Luật Yale, Usha đã gặp JD Vance trong một nhóm học tập thảo luận về "Sự suy thoái xã hội của tầng lớp lao động da trắng ở Mỹ". Trong khi JD Vance mang theo câu chuyện tuổi thơ đầy biến động ở vùng Rust Belt, thì Usha lại đại diện cho con nhà nhập cư kiểu mẫu, vươn lên bằng tri thức và kỷ luật. Sự khác biệt ấy không ngăn cản họ tìm thấy điểm chung là sự nghiêm túc, khao khát thay đổi xã hội và lý tưởng sống mạnh mẽ. Bạn bè kể rằng, mối quan hệ giữa hai con người đối lập đó đã được khuyến khích và vun đắp bởi giáo sư Amy Chua - người từng gọi quan hệ của họ là “không thể xảy ra” và “gần như trái ngược về tính cách”.
Hãng Reuters từng trích dẫn hồi ký của Phó tổng thống JD Vance kể về thời gian gặp gỡ Usha như sau: “Cô ấy có sự kết hợp của mọi phẩm chất tích cực mà một con người nên có: thông minh, chăm chỉ, cao ráo và xinh đẹp. Tôi đã nói đùa với một người bạn rằng nếu cô ấy sở hữu một tính cách tồi tệ, cô ấy sẽ trở thành một nữ anh hùng tuyệt vời trong một cuốn tiểu thuyết của Ayn Rand, nhưng cô ấy có khiếu hài hước tuyệt vời và cách nói chuyện vô cùng trực tiếp”. Một người bạn thân của JD Vance còn kể rằng, nhìn bề ngoài, với những người mới tiếp xúc, có vẻ như ông JD Vance hướng ngoại và bà Usha nhút nhát là một cặp đôi kỳ lạ. Nhưng bà ấy lại là “công cụ giúp chồng gặt hái thành công trong bước đường chính trị”.
Lấy cảm hứng từ nội dung các cuộc thảo luận trong nhóm, danh sách các bài báo tham khảo, bà Usha đã giúp ông JD Vance sắp xếp các ý tưởng cho cuốn hồi ký đột phá “Hillbilly Elegy” của mình. Năm 2020, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim trên Netflix do Ron Howard đạo diễn và nữ diễn viên quyến rũ Freida Pinto đã thủ vai bà Usha.
Năm 2014, JD Vance và Usha kết hôn tại Kentucky, trong một buổi lễ kết hợp truyền thống Hindu và Công giáo tại Kentucky - quê nhà của Phó tổng thống. Người bạn của JD Vance là Jamil Jivani đã đọc Kinh thánh và một học giả Hindu ban phước cho cặp đôi bởi Usha là một người theo đạo Hindu còn JD Vane được nuôi dạy theo đạo Tin lành nhưng theo đạo Thiên chúa và đã cải sang Công giáo vào năm 2019.
Hiện cả bà Usha và ông JD Vance cùng 3 con (Ewan, Vivek và Mirabel) đang sống tại Cincinnati, bang Ohio nơi ông JD Vance đại diện tại Thượng viện. Họ sở hữu một ngôi nhà mang phong cách gothic trị giá khoảng 1,4 triệu USD. Dù không thường xuyên xuất hiện trước công chúng, vai trò của Đệ nhất phu nhân Usha trong đời sống cá nhân và chính trị của Phó tổng thống đã được ông nhiều lần nhấn mạnh.
“Theo bản năng, Usha luôn hiểu những câu hỏi mà tôi thậm chí không biết phải hỏi và cô ấy luôn khuyến khích tôi tìm kiếm những cơ hội mà tôi không biết là có tồn tại”, Phó tổng thống JD Vance viết về vợ mình trong Hillbilly Elegy. Trong các buổi trả lời phỏng vấn, ông JD Vance cũng thường mô tả vợ mình là "người hướng dẫn tinh thần trong thời gian tôi học tại Yale", và là "luật sư giỏi hơn, người mẹ tuyệt vời hơn tôi tưởng tượng được".

Sự nghiệp đỉnh cao và bước ngoặt âm thầm
Sau khi giành được bằng Tiến sĩ Luật, Usha nhanh chóng gây ấn tượng trong giới luật với loạt thành tích hiếm có. Bà từng làm thư ký cho hai vị Thẩm phán Tối cao Mỹ John Roberts và Brett Kavanaugh - vinh dự lớn dành cho những sinh viên luật xuất sắc nhất nước Mỹ. Năm 2015, bà gia nhập Munger, Tolles & Olson - một trong những công ty luật hàng đầu tại Mỹ, nổi tiếng với việc theo đuổi các vụ kiện dân sự và doanh nghiệp phức tạp. Công ty này có trụ sở tại California và thường xuyên góp mặt trong các bảng xếp hạng công ty luật "đa dạng và tiến bộ" nhất nước Mỹ.
Làm việc tại đây, Usha chuyên về tố tụng phức tạp, giải quyết tranh chấp thương mại và luật sở hữu trí tuệ - lĩnh vực phù hợp với nền tảng học thuật mà bà theo đuổi từ thời đại học. Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, bà tuyên bố tạm dừng sự nghiệp để tập trung cho gia đình và hỗ trợ chồng trong các chiến dịch tranh cử.
Tờ The New York Times cho hay, trong những năm đầu sự nghiệp, Usha từng là một cử tri đảng Dân chủ và có liên hệ với các nhóm trí thức cánh tả. Tuy nhiên, theo thời gian và đặc biệt là khi JD Vance bắt đầu chuyển mình sang phía bảo thủ, bà cũng có sự thay đổi tương ứng. Năm 2021, bà quyên góp cho chiến dịch của Blake Masters, một ứng cử viên Thượng viện bảo thủ ở bang Arizona. Dù không công khai phát biểu nhiều về chính trị, nhưng những động thái của Usha - từ việc xuất hiện trên kênh truyền hình bảo thủ Newsmax cùng chồng, cho đến bài phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa đều thể hiện rõ lập trường mới của bà. Usha thậm chí còn mô tả JD Vance là "chàng trai tầng lớp lao động vượt khó để thành công", góp phần làm hình ảnh ông gần gũi hơn với cử tri cánh hữu.

Hình mẫu giấc mơ Mỹ trong vai trò Đệ nhị phu nhân “bình thường”
Kể từ khi trở thành Đệ nhị phu nhân Mỹ, Usha vẫn duy trì phong cách điềm đạm, kín đáo. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên trên The Free Press sau khi đảm nhận vai trò mới, bà chia sẻ: “Ưu tiên cao nhất hiện nay của tôi là thực sự trở thành một người bình thường”. Khi được hỏi về việc nhiều người cho rằng bà nên để mái tóc màu vàng, Usha nói: “Tôi đang cười, vì sẽ rất khó để tôi có thể nhuộm tóc vàng. Màu đó trông thật vô lý. Tôi không đến từ một gia đình giàu có, cũng không có định hướng thời trang gì đặc biệt, nhưng mọi người dường như không quan tâm nhiều đến ngoại hình của tôi”.
Theo giới quan sát, trong thế giới chính trị vốn ưa ồn ào và biểu tượng, Đệ nhị phu nhân Usha đã chọn một con đường khác: bước ra vừa đủ để người ta thấy, rồi lùi lại để lặng thầm gây ảnh hưởng. Những lần xuất hiện hiếm hoi của bà, từ sân khấu Đại hội Đảng Cộng hòa đến các buổi phỏng vấn được chọn lọc kỹ lưỡng không phải là sự ngẫu nhiên. Đó là chiến lược mềm: làm dịu hình ảnh người chồng chính trị gia, đồng thời khẳng định một loại quyền lực âm thầm nhưng kiên định của chính mình.
“Usha không xây dựng hình ảnh bằng thời trang, tuyên bố nữ quyền hay truyền thông xã hội. Bà không cần. Trong vai trò Đệ nhị phu nhân, Usha kiên trì theo đuổi hình mẫu trái ngược với các khuôn mẫu tiền nhiệm: kín đáo, điềm tĩnh, không tô vẽ và vì thế, chân thực đến lạ lùng. Cái gọi là “bình thường” mà bà theo đuổi, kỳ thực là một hình thức đặc biệt của bản lĩnh: từ chối sân khấu, từ chối thương mại hóa bản thân, từ chối trở thành biểu tượng rập khuôn. Đó không phải sự khiêm tốn thụ động. Đó là chủ động kiểm soát hình ảnh, một chiến lược chính trị sắc bén. Trong những lần phát biểu về gia đình, giáo dục, hay “cơ hội Mỹ”, bà không chỉ nói thay Phó tổng thống JD Vance, mà còn định hình một thông điệp rộng lớn hơn: rằng có một kiểu lãnh đạo thầm lặng, không cần micro vẫn tạo được cộng hưởng”, The Free Press viết.
Có thể nói, Đệ nhị phu nhân Usha là hiện thân của giấc mơ Mỹ thế hệ mới - không phải giấc mơ của thăng tiến hào nhoáng, mà là giấc mơ của sự hiện diện có ý nghĩa. Bà là minh chứng rằng một người phụ nữ gốc Ấn, không cần chạy theo ánh đèn sân khấu, vẫn có thể viết lại vai trò của một Đệ nhị phu nhân.