Boxing Việt Nam ra mắt Liên đoàn nhiệm kỳ 2: Khi giấc mơ là có thật
Với những người quan tâm tới võ thuật nói riêng và thể thao thành tích cao nói chung, câu chuyện của Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) “xưa như Diễm”, cho tới tối 22/11 vừa qua, khoảnh khắc đánh dấu “sự chào đời thực thụ của một tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý Boxing”. Đó là khoảnh khắc ban chấp hành nhiệm kỳ 2 VBF ra mắt với công chúng, khép lại một chương u tối của môn thể thao Olympic này tại Việt Nam.
“Chuyến bay bị delay… 4 năm”
Chẳng có chuyến bay nào trên thế giới không biết giờ cất cánh, cũng không rõ đích đến là đâu, ngoài “chuyến bay” mang số hiệu “Đại hội nhiệm kỳ 2 VBF”. Trên thực tế, VBF đã xuất hiện ngót nghét cả thập kỷ trên thị trường xã hội hóa thể thao, với nhiệm kỳ đầu tiên niên khóa 2015-2019. Còn nhớ năm ấy, tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, ban chấp hành đầu tiên của tổ chức xã hội quản lý cao nhất ở môn thể thao này đã bầu ra 27 thành viên. Đứng đầu VBF, chủ tịch liên đoàn là doanh nhân Trần Minh Tiến, một gương mặt thân quen với ngành truyền hình.
Hãy nói một chút về nhân vật này. Ông Tiến là chuyên gia đầu ngành trên màn ảnh nhỏ, là cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc kênh truyền hình Let’sViet - VTC9 ngày nào. Ngày ấy, rất nhiều người cản, khuyên ông Tiến đừng làm. Boxing là môn thể thao lâu đời nhất nhì lịch sử Thế vận hội, nhưng khó tiếp cận cả về phương diện giáo dục, đào tạo lẫn thương mại khi đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam. Boxing, hay còn được biết tới với tên gọi “quyền Anh”, là môn thể thao “vô cùng đặc thù”, khi nội tại của nó tồn tại song song hai nội dung “chẳng mấy liên quan”: Boxing nghiệp dư gắn liền với đầu tư công, nhưng muốn sống với nghề thì vận động viên (VĐV) trên thế giới phải dựa vào Boxing nhà nghề - bộ môn không có đồ bảo hộ, thi đấu “xanh chín”, tiềm ẩn nguy cơ chết người và thu tiền dựa vào mức độ chi trả của các thuê bao truyền hình trả phí. Chưa kể, có ít nhất 4 tổ chức nhà nghề tham gia chi phối, kiểm soát môn thể thao này. Chỉ cần tóm lược sơ qua như vậy là đủ thấy, làm Boxing “khó nhằn” tới nhường nào.
Trong 4 năm đầu nhiệm kỳ, ông Tiến và ê-kíp của mình làm được những điều sau đây cho Boxing Việt Nam. Thứ nhất, giới thiệu Giải võ thuật cổ truyền và boxing tranh Cúp Let’s Việt 2013, rồi sau đó nâng thêm một bước là đưa giải này vào hệ thống thi đấu quốc gia của Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) - tiền thân của Cục TDTT bây giờ. Thứ hai, VBF đã có một lớp trọng tài mới giỏi chuyên môn. Đây là những người được Liên đoàn Boxing Quốc tế (AIBA) trực tiếp đào tạo và cấp chứng chỉ. Hiện tại Việt Nam có tổng cộng 14 trọng tài 1 sao thế giới. Thứ ba, VBF đã giữ đúng lời hứa khi giúp Boxing Việt Nam có 2 VĐV tham dự Olympic Tokyo.
Những kết quả là nhiều hay ít? Có nên được gọi là thành tựu hay không? Bảo nhiều cũng đúng, bảo ít cũng chẳng sai, tùy vào góc nhìn của bạn là người trong hay ngoài cuộc? Nhưng sự thật vẫn là sự thật: Gọi ê-kíp của ông Tiến cho oai, chứ thực ra chẳng có ê-kíp nào. Suốt 7 năm đằng đẵng, người giúp việc duy nhất cho ông Tiến, và chính là người duy nhất làm công tác điều hành, kết nối quốc tế, tổ chức lớp học, xúc tiến thương mại, quản lý hậu cần cho ông Tiến là bà Nguyễn Võ Đăng Thúy, Chánh văn phòng VBF nhiệm kỳ I. Ông Tiến bỏ tiền túi, còn bà Thúy “làm tổng quản”, hiểu ở đây là “làm tất cả các công việc của một liên đoàn thể thao”.
Tại sao họ phải làm vậy? Vì họ yêu Boxing tới mức sẵn sàng “vác tù và hàng tổng” suốt gần 3.000 ngày? Đúng, nhưng chưa đủ. Vì chẳng có ai giúp họ, mà nói cho cùng thì cơ chế vận hành của Boxing ngày ấy triệt tiêu mọi con đường đưa VBF tới vị thế xã hội vốn thuộc về nó. Lõi của câu chuyện này, chính là mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa VBF và bộ môn Boxing của Tổng cục TDTT. Các bạn có thể tìm đọc lại loạt bài trước đó của chuyên đề ANTG và báo CAND về mâu thuẫn này, hoặc người viết xin phép tóm tắt lại như sau:
VBF thực tế là một trong số ít các liên đoàn quốc gia đã thực hiện xã hội hóa toàn bộ kinh phí hoạt động và tổ chức các giải thi đấu. Đặc biệt, toàn bộ kinh phí tổ chức các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia những năm qua, chỉ sử dụng kinh phí từ vận động tài trợ, không sử dụng kinh phí của Tổng cục TDTT.
Dù vậy, trong nhiều năm liền, VBF chỉ được tham dự các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia với tư cách giám sát. Mọi công tác tổ chức, điều động trọng tài, điều hành thi đấu giải đều do ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Boxing Tổng cục TDTT thực hiện. Oái oăm ở chỗ, ông Thịnh lại là… Tổng thư ký VBF nhiệm kỳ I.
Qua nhiều giải đấu, VBF khẳng định công tác điều hành, trọng tài tại các giải đấu của boxing Việt Nam có biểu hiện tiêu cực. Nhiều trận đấu VĐV thắng áp đảo, chênh lệch trình độ rất rõ nhưng lại tuyên bố thua trận, gây bức xúc cho HLV, VĐV. Đỉnh điểm là hiện tượng dàn xếp kết quả trận đấu, phân chia huy chương xảy ra thường xuyên tại các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Có giải với 26 trận chung kết thì trên 50% trận đấu không tổ chức.
VBF bỏ tiền nhưng không được điều hành giải. Rồi quan chức thể thao một mình sắm hai vai, cơ chế quản lý mập mờ không rõ ràng. Những mâu thuẫn đó kéo dài, khiến Đại hội nhiệm kỳ 2 bị trì hoãn tới 4 năm, dù lẽ ra nó phải được tổ chức ngay sau khi Nhiệm kỳ 1 kết thúc công việc.
Sau cơn mưa, trời lại sáng
4 năm là quãng thời gian rất dài để tất cả cùng chờ đợi một chương mới của VBF, với ít nhất 2 lần trì hoãn tổ chức được công bố với dư luận. Cuối cùng, một cái kết có hậu của chương 1 đã xảy ra, khi những phép màu đã xuất hiện.
Boxing, một trong những môn thể thao Olympics được đầu tư trọng điểm, đã tìm ra người kế nhiệm xứng đáng. Một người có tầm vóc, có đủ điều kiện tài chính, tiếng nói và trên hết, nhân vật này là một “môn đồ của Boxing”. Ông Lưu Tú Bảo, doanh nhân quá quen mặt với làng võ Việt Nam, chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng Chủ tịch. Ông Bảo là Giám đốc trung tâm SSC - tổ hợp võ thuật lớn nhất Việt Nam, là người đỡ đầu của rất nhiều giải đấu boxing nhà nghề mới du nhập vào Việt Nam những năm qua. Các fan của môn võ này đều biết, ông Bảo là người đứng sau thành công của Trương Đình Hoàng, là người đưa rất nhiều võ sỹ của Boxing, của Muay Thái bước ra khỏi ánh sáng. 100% đại biểu tán thành ông Lưu Tú Bảo vào vị trí Chủ tịch VBF nhiệm kỳ 2 là minh chứng rõ rệt nhất cho “sức mạnh tuyệt đối” của người đàn ông này.
Tất nhiên, lượng phiếu bầu tuyệt đối - hiện tượng hiếm khi nào bắt gặp trong các cuộc bầu cử trên chính trường thể thao - phải có lý do của nó. Ông Bảo là người kín tiếng, ít xuất hiện trên mạng xã hội, kiệm lời với truyền thông. Thứ duy nhất ông thể hiện với khán giả Boxing, là triển khai và đem lại kết quả cho Boxing Việt Nam. Chưa đầy 1 tháng sau khi nhậm chức, vào ngày 11/11, ông Bảo và đoàn công tác của VBF đã tới Uzbekistan xa xôi để ký kết thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác phát triển Boxing giữa hai quốc gia. Tham vọng của tân Chủ tịch VBF không dừng lại ở quan hệ quốc tế, mà là quyết tâm đầu tư quyết liệt để Việt Nam có huy chương tại một kỳ Olympic! Đấy là phát biểu của ông Bảo, trong cuộc họp Hội nghị thứ nhất tại Buôn Mê Thuột thứ 4 tuần trước ở giải Boxing toàn quốc 2023.
Hệ thống thi đấu toàn quốc theo khu vực Bắc-Trung-Nam sẽ được VBF giới thiệu trong lộ trình 18 tháng nhằm tăng thời lượng thi đấu cho VĐV. Trong ngắn hạn, một giải vô địch Boxing châu Á sẽ được đưa về Việt Nam, và chỉ tiêu của VBF với boxing thành tích cao là cực kỳ cụ thể: Có huy chương ở Olympic 2024, và giành HCV ở Asiad 2026!
Cuối cùng, một thông tin quan trọng khác được nhiệm kỳ 2 của VBF tiết lộ hứa hẹn sẽ mang tới bộ mặt hoàn toàn khác cho thể thao Việt Nam: Trung tâm đào tạo Boxing Việt Nam sẽ ra đời, với cơ chế vận động hành lang của VBF. Dự kiến, cơ ngơi này sẽ được xây dựng tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Trước mắt, VBF đã lên xong kế hoạch thi đấu cho năm 2024, với 3 giải được tổ chức tại Đăk Lăk, Quảng Ngãi và Bắc Ninh. Một chương mới giàu năng lượng tích cực, hứa hẹn đưa Boxing Việt Nam đi xa.
Boxing Việt Nam kiện toàn nhân sự quản lý mảng Boxing chuyên nghiệp
Trong nhiệm kỳ 1, VBF từng có một cơ quan hoạt động trong mảng Boxing chuyên nghiệp. Vào ngày 31/7/2018, Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 1 là ông Trần Minh Tiến đã có quyết định thành lập Ban Boxing chuyên nghiệp trực thuộc VBF, với Trưởng ban là ông Vương Trọng Nghĩa.
Đến nhiệm kỳ 2, Chủ tịch VBF là ông Lưu Tú Bảo, một người có nhiều kinh nghiệm trong mảng Boxing chuyên nghiệp, đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban Boxing chuyên nghiệp trực thuộc Liên đoàn. Tại Hội nghị thứ nhất nhiệm kỳ 2, các Ủy viên Ban chấp hành đã thống nhất thông qua nhân sự Ban Boxing chuyên nghiệp Việt Nam.
Căn cứ trên kết quả bầu nhất trí 100% của các Ủy viên Ban chấp hành, ông Lưu Tú Bảo, Chủ tịch VBF nhiệm kỳ 2 sẽ kiêm nhiệm Trưởng ban Boxing chuyên nghiệp. 3 vị trí Phó trưởng ban thuộc về ông Nguyễn Vĩnh Nghi (Chủ tịch Liên đoàn Boxing TP Hồ Chí Minh), ông Lê Quý Quốc và ông Trương Đình Hoàng.
Ban Boxing chuyên nghiệp Việt Nam trực thuộc VBF (Vietnam Boxing Commission - VBC) cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất có thẩm quyền quản lý mọi hoạt động của Boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho hoạt động Boxing chuyên nghiệp Việt Nam hoạt động một cách bài bản, có hệ thống và đúng với hai chữ "chuyên nghiệp".