Cảng Los Angeles lao đao vì khủng hoảng thiếu hàng

Thứ Hai, 12/05/2025, 15:04

Thuế quan 145% đang khiến cảng Los Angeles, Mỹ bị “tê liệt”, kéo theo nguy cơ thiếu hụt hàng hóa tại Mỹ. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuẩn bị đối mặt với giá cả leo thang và tình trạng khan hiếm hàng hóa trong thời gian tới.

Lưu lượng vận chuyển sụt giảm mạnh

Cảng Los Angeles - một trong những cửa ngõ chính nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ đang ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng về lưu lượng vận chuyển, khi các mức thuế mới đang bắt đầu tác động rõ rệt lên giá hàng hóa. Những tín hiệu hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không được kỳ vọng cao tại cảng biển Los Angeles, Mỹ, đặc biệt khi các tàu chở hàng Trung Quốc đầu tiên phải chịu thuế suất lên đến 145% đã bắt đầu cập cảng.

c%3fng los angeles.jpg -0
Thuế cao khiến cảng Los Angeles từng tấp nập phải đối mặt lưu lượng vận chuyển sụt giảm nghiêm trọng.

Cảng biển này đang phải đối mặt với nguy cơ lưu lượng vận chuyển sụt giảm mạnh, khi thuế quan đã thực sự ảnh hưởng đến giá hàng hóa, cụ thể: trong tổng số 80 tàu container dự kiến cập cảng trong tháng 5, đã có 17 chuyến bị hủy và 13 chuyến khác trong tháng 6 cũng chung số phận.

Theo ông Gene Seroka - Giám đốc điều hành cảng Los Angeles (Mỹ), cho biết lượng hàng qua cảng đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. "Những tàu cập bến hiện tại là lô đầu tiên chịu thuế mới, khiến lượng hàng sụt giảm mạnh". Theo ông Seroka, nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm hơn 50% kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao, đặc biệt sau khi mức thuế 145% chính thức được áp dụng từ tháng trước.

Ông Gene Seroka cho biết: "Thuế quan thương mại đối với Trung Quốc ở mức 145% khiến hàng hóa trở nên quá đắt đối với các nhà nhập khẩu Mỹ. Nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất đã tạm dừng các lô hàng từ Trung Quốc. Trên thực tế, chi phí cho một sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc hiện đắt hơn gấp 2,5 lần so với một tháng trước".

Ông Antonio - chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, hoạt động ngay tại cảng cũng đang phải đối mặt với những áp lực gia tăng nhanh chóng khi khối lượng hàng hóa giảm sút, kéo theo việc mất khách hàng và giảm thu nhập. Ông Antonio nói: "Các cảng biển tại New York, Miami, Los Angeles hay San Francisco cũng đang đều bị rơi vào tình trạng giống nhau. Rất nhiều tài xế xe tải đang cảm thấy lo ngại về việc mất khách hàng và giảm thu nhập".

Ngoài ra, chi phí vận hành cũng đang leo thang do tác động gián tiếp từ thuế quan. Ông Antonio dẫn chứng trường hợp một thiết bị khởi động xe tải do Mỹ sản xuất hiện đã khan hiếm, trong khi bản thay thế từ Trung Quốc không những tăng giá từ 300 USD lên 600 USD mà còn khó tìm mua. Vì các cửa hàng đã gom hết hàng hóa, để có thể bán ra với giá cao sau khi thuế quan có hiệu lực.

Doanh nghiệp chọn lưu kho để tránh thuế

Theo Ryan Petersen - Giám đốc điều hành của Flexport, công ty môi giới logistics và vận chuyển, một số nhà bán lẻ Mỹ đã chọn cách trả tiền để lưu kho sản phẩm tại các kho hàng ở Trung Quốc vì chi phí thấp hơn so với việc trả thuế, do chi phí lưu trữ ngắn hạn vẫn rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu xu hướng chờ đợi này kéo dài, hoạt động vận chuyển sẽ tiếp tục bị đình trệ trong thời gian tới và có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay trong mùa hè.

Do không muốn gánh mức thuế cao, các nhà nhập khẩu và bán lẻ có thể tiếp tục cắt giảm đơn hàng, thậm chí giảm tới 60%.

"60% container biến mất đồng nghĩa với 60% hàng hóa không đến được Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ chưa thấy ngay vì vẫn đang dùng hàng tồn kho. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài vài tuần nữa, kho sẽ cạn và đến mùa hè, bạn sẽ dần thấy những kệ hàng trống, giá cả leo thang", Petersen cảnh báo.

Theo dự báo của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (NRF) của Mỹ, nhập khẩu trong nửa cuối năm 2025 sẽ giảm ít nhất 20% so với năm trước. Trong khi đó, JP Morgan dự báo mức giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn, có thể lên tới 75-80%.

Việc các doanh nghiệp Mỹ ồ ạt tích trữ nguyên liệu, vật tư và hàng tiêu dùng trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực đã đẩy thâm hụt thương mại tháng 3 lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD, vượt xa mọi dự báo.

"Với các mức thuế mới hiện nay, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng, gây khó khăn cho hoạt động tiêu dùng và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại", Daniel Vielhaber - nhà kinh tế của Nationwide đã lưu ý trong một báo cáo gửi tới khách hàng.

Dù thuế quan đã tăng từ tháng 4, các chuyên gia kinh tế dự báo nhập khẩu vẫn sẽ sôi động thêm vài tuần nữa, khi những lô hàng cuối cùng trước đợt thuế "có đi có lại" của ông Trump tiếp tục cập cảng.

"Hàng hóa sẽ được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu mức thuế 145% nếu chúng đã được xếp lên tàu tại cảng xuất phát hoặc đang trên đường đến Mỹ trước ngày áp thuế và được nhận trước ngày 27/5", theo báo cáo từ các nhà kinh tế của Wells Fargo.

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để nhập hàng trước khi mức thuế mới có hiệu lực - nỗ lực cuối cùng có thể được phản ánh trong dữ liệu tháng 4, trước khi hoạt động thương mại chững lại rõ rệt.

Gabriel Wildau - Giám đốc điều hành của Teneo, công ty tư vấn cho các doanh nghiệp giao dịch với Trung Quốc, cho biết lượng hàng hóa Trung Quốc mà các nhà bán lẻ Mỹ tích trữ trong ba tháng đầu năm nay sẽ tạo ra khoảng thời gian đệm giúp trì hoãn việc tăng giá.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu tình hình không thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động của những thay đổi trong thương mại trong ba đến sáu tháng tới.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao và thậm chí là thiếu hụt một số hàng hóa nhất định", ông cảnh báo.

Hiện nay, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu, không đủ khả năng dự trữ, đang đối mặt với nguy cơ phá sản nhanh chóng.

Ngân Giang
.
.