Đánh mạnh tội phạm buôn bán thảo dược giả
Các loại thảo dược luôn được quảng cáo là an toàn, hoàn toàn từ thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe người bệnh… đã thu hút được đông đảo người dân ưa dùng. Tuy nhiên, trong chiến dịch truy quét hàng giả, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt thảo dược giả, không rõ nguồn gốc. Đáng báo động, các loại thuốc này đã được lưu hành và bán ra thị trường từ nhiều năm nay, hàng ngàn bệnh nhân đã sử dụng đang lo lắng, bất an…
Rước họa vào thân
Thảo dược để chữa các loại bệnh như ung thư, đái tháo đường, gout, viêm khớp, dạ dày, thuốc tăng cường sinh lực, thuốc giảm cân, làm đẹp… được rao bán nhiều nơi và chủ yếu trên các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, người bệnh còn tiếp cận với các loại thuốc này qua lời giới thiệu của người quen, tờ rơi quảng cáo hoặc bị “cò” thuốc chèo kéo, mời gọi với những “bánh vẽ” về tác dụng của thuốc như thần dược. Thuốc rất nhiều loại và trị đủ thứ bệnh thế nhưng nguồn gốc và chất lượng thuốc thì không một ai biết được.

Ông N.Q. H. (62 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Hồ Chí Minh) bị bệnh gout nhiều năm nay. Ông chữa trị nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc vẫn chưa cải thiện. Thời gian gần đây, ông xem trên mạng xã hội quảng cáo loại thuốc xoa bóp thảo dược thiên nhiên của thầy đông y tên K.H. loại thuốc được giới thiệu chỉ cần xoa bóp ngoài da, tại vùng bị sưng đau, ngày xoa 3 lần, mỗi lần 15 phút. Thực hiện trong vòng 1 tháng đảm bảo những cục gout sẽ xẹp lại, không sưng, không đau.
Ông H. làm theo hướng dẫn, đều đặn trong vòng 3 tuần thì vết thương ở chân của ông bị tím đen lại, bỏng rộp sau đó vỡ ra. Chân của ông bị đau không thể đi lại được, người nhà phải chở ông tới bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán, ông bị bỏng da nghiêm trọng do sức nóng của loại dầu thảo dược ông H. xoa bóp hàng ngày. Vết thương nghiêm trọng, nếu không đến bệnh viện kịp thời có khả năng sẽ bị hoại tử vùng chân.
“Tôi phản hồi lại cho bên bán thuốc về tác hại khi sử dụng sản phẩm thảo dược xoa bóp. Họ không xin lỗi hay hỏi thăm sức khỏe của tôi, mà còn phán rằng “do tôi sử dụng sai cách nên mới bị bỏng chân. Đây là thuốc thảo dược lành tính, từ thiên nhiên nên không có chuyện gây biến chứng”, ông H. bức xúc kể.
Các bác sĩ cho rằng, không thể phủ nhận tác dụng của các loại thảo mộc dân gian nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, khiến tình trạng bệnh của họ không được cải thiện mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn.
Một bệnh nhân khác gặp biến chứng phải nhập viện điều trị khi sử dụng dầu xoa bóp để chữa bệnh là bà L.T.M. (58 tuổi, TP Cần Thơ). Bà M. bị thoái hóa khớp nhiều năm nay, chân của bà thường xuyên bị đau và đã sử dụng các loại thuốc để chữa. Sau khi được một người quen giới thiệu về loại dầu dảo dược dạng nước, có mùi thuốc nam của một nhà thuốc trên mạng, bà M. đã đặt mua 3 chai với giá 600.000 đồng để xoa lên chân.
Những ngày đầu xoa thấy ấm nóng, dễ chịu, bà tiếp tục sử dụng với tần suất nhiều hơn và liều lượng tăng gấp đôi. Chân của bà nóng ran, đỏ ửng, qua một đêm thì phồng rộp như bị phỏng.

Bà M. nghĩ vết thương không quá nghiêm trọng nên tự bôi thuốc kháng khuẩn tại nhà và chỉ nằm một chỗ. Vài ngày sau, vết thương không đỡ mà chuyển sang màu đen và có mùi hôi thối, bà M. tới phòng khám gần nhà và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ chân. “Nghe tin tôi sợ lắm, tôi không muốn bị cắt bỏ chân. Các con động viên “còn nước còn tát” nên đã đưa tôi lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh kiểm tra.
Tại đây, bà M. được bác sĩ xác định vết thương nhiễm trùng và hoại tử rộng ở mu bàn chân trái, nguy cơ phải cắt cụt chân nếu nhiễm trùng lan sâu vào xương và mạch máu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số đường huyết của bà M. cao gấp 3 lần chỉ số bình thường, rối loạn điện giải, độ lọc cầu thận giảm, nhiễm trùng nặng dọa nhiễm trùng huyết. Nếu không cấp cứu kịp thời có khả năng sốc nhiễm trùng gây suy đa cơ quan.
Bệnh nhân được kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bằng truyền kháng sinh và điều chỉnh đường huyết về ngưỡng an toàn. Theo bác sĩ điều trị, nguyên nhân bà M. bị loét nhiễm trùng là do bị giảm cảm giác không cảm nhận được độ nóng của dầu thảo dược. Sau 2 tuần điều trị, các bác sĩ đã bảo tồn được bàn chân cho bà M. nhưng 2 ngón chân bị hoại tử sâu phải cắt cụt.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, các loại thuốc chữa bệnh giả thường không chứa đủ hoặc không chứa các thành phần hoạt chất cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Bên cạnh đó, các thành phần không rõ nguồn gốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh mạn tính do việc sử dụng thuốc kéo dài.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính, cần khám và theo dõi tại các cơ sở y tế, tuân thủ uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà bỏ việc điều trị, khiến các biến chứng ngày càng nặng nề. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp giám sát, bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận quảng cáo, mua bán thuốc “gia truyền”, thuốc không nguồn gốc, xuất xứ... trên Internet.
Những “bà trùm” thảo dược giả
Tình trạng sản xuất, buôn bán thảo dược chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Việc buôn bán mở rộng từ công ty về các đại lý nhỏ lẻ, quảng cáo, chia sẻ rộng khắp trên các nền tảng mạng xã hội và tờ rơi. Tại địa bàn Tây Nguyên, thương hiệu sản phẩm thảo dược Trần Kim Huyền trở thành cái tên quen thuộc với bà con, rất nhiều người đã mua và sử dụng các sản phẩm của nhà thuốc này hiện đang rất lo lắng, bất an khi “bà trùm” bị bắt vì tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo đó, ngày 26/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hợi (42 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Trần Kim Huyền, xã Dray Bhăng, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Khám xét công ty, lực lượng chức năng phát hiện hơn một nghìn sản phẩm thảo dược như: Cao bách thảo xương khớp, trị dạ dày, dầu xoa bóp, nước ngậm răng miệng.
Tất cả đều mang nhãn hiệu Trần Kim Huyền nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra cơ quan công an còn thu giữ nhiều nguyên liệu, bao bì, nhãn và phiếu không rõ xuất xứ. Quá trình điều tra cho thấy bà Hợi đã tự ý tổ chức sản xuất các sản phẩm thảo dược tại công ty của mình nhưng trên nhãn, bao bì lại ghi thông tin đơn vị sản xuất là một trung tâm ứng dụng tại Hà Nội khi chưa được sự đồng ý của đơn vị này.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 1.339 sản phẩm không đạt chỉ tiêu so với công bố trên nhãn sản phẩm. Đáng chú ý 846 sản phẩm cao bách thảo xương khớp và dạ dày đã được đăng ký công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm nhưng thực chất là thực phẩm giả về chất lượng và nguồn gốc.
Liên qua đến nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thảo dược, ngày 1/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán dầu gió giả với số lượng lớn, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Thành Tâm, Ngô Ánh Hồng (vợ Tâm) cùng 17 đối tượng khác về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Trước đó, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV mỹ phẩm Thanh Thúy (Công ty Thanh Thúy) do Võ Thành Tâm làm Giám đốc và Công ty TNHH mỹ phẩm Mỹ Trinh (Công ty Mỹ Trinh) do Ngô Ánh Hồng làm Giám đốc.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 15 nhân viên đang thực hiện quy trình sản xuất và cất giữ các mặt hàng dầu gió, kem thoa bóp các loại có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài gồm: Dầu gió Con Ó, kem dưỡng ẩm Thái Lan, dầu hiệu Ông Già của Thái Lan và dầu lăn Hàn Quốc.
Những sản phẩm này không thuộc mặt hàng Công ty Thanh Thúy và Công ty Mỹ Trinh đăng ký sản xuất, kinh doanh. Làm việc với công an, Tâm, Hồng và 15 nhân viên quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi làm giả các mặt hàng trên. Tuy nhiên, với những tài liệu, chứng cứ công an thu thập được, Hồng và Tâm đã thừa nhận hành vi tổ chức chỉ đạo nhân viên thực hiện làm giả các mặt hàng nêu trên nhằm bán ra thị trường để thu lợi bất chính.
Từ năm 2022 đến nay, Tâm và vợ cùng chủ mưu, cầm đầu tổ chức đường dây sản xuất dầu gió giả các loại. Tâm có nhiệm vụ nghiên cứu thành phần, Hồng đặt mua nguyên liệu, bao bì trôi nổi trên thị trường về cho Tâm pha chế. Sau đó, Tâm hoặc Hồng chỉ đạo phân công các nhân viên sang chiết hóa chất vào chai, lọ, dán tem, nhãn, đóng hộp, dán màng co hoàn thiện làm giả sản phẩm dầu gió các loại rồi giao cho nhân viên đưa hàng về các kho hàng, xưởng sản xuất của công ty cất giữ. Khi có khách đặt mua hàng, thì Tâm hoặc Hồng liên lạc chỉ đạo các nhân viên đến kho chứa hàng đóng gói, xuất giao bán cho khách.
Đến nay, Cơ quan điều tra xác định Tâm, Hồng đã chỉ đạo nhân viên tổ chức sản xuất 7 loại dầu Con Ó nhãn hiệu “Eagle Brand Medicated Oil” của Singapore với tổng số lượng gần 70.000 chai, tương đương giá trị hàng thật là hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm dầu gió, kem dưỡng da... các loại có dấu hiệu bị làm giả để tiếp tục điều tra, xử lý.
Các thương hiệu dầu gió bị làm giả trong vụ án trên từ lâu đã được người dân sử dụng. Nhiều bệnh nhân hoang mang khi không thể phân biệt được bấy lâu nay mình sử dụng loại dầu gió thật hay giả và tác dụng lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.
Cuộc chiến chống thuốc giả không thể chỉ dựa vào lực lượng chức năng, vai trò của người dân là yếu tố then chốt. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chỉ mua thuốc, thực phẩm chức năng tại những cơ sở có phép và tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại rao bán trên mạng xã hội. Người dân cũng được khuyến khích chủ động phản ánh tới cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi buôn bán hàng giả, góp phần giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.