Dầu, chứng khoán và USD cùng lao dốc

Thứ Hai, 26/05/2025, 09:27

Giá dầu, chứng khoán châu Á và đồng USD đồng loạt giảm trong phiên 22/5, phản ánh lo ngại leo thang về căng thẳng địa chính trị và tình trạng tài khóa bấp bênh của Mỹ.

Giá dầu tiếp tục giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, giá dầu kéo dài đà giảm sau thông tin từ Bộ trưởng Ngoại giao Oman về vòng đàm phán hạt nhân thứ 5 giữa Iran và Mỹ diễn ra vào ngày 23/5. Sáng 22/5, giá xăng dầu lùi nhẹ, dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,7%, xuống 64,91 USD/thùng; dầu WTI giảm 46 cent, tương đương 0,7%, xuống 61,57 USD/thùng. Đà giảm của giá dầu được hỗ trợ bởi tồn kho xăng dầu của Mỹ vừa được Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ công bố tăng đồng loạt trong tuần trước.

d-u.jpg -0
Giá dầu ngày 22/5 lao dốc do lo ngại địa chính trị và đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran.

Theo Reuters, tại 4 vòng đàm phán hạt nhân Iran - Mỹ trước đó, Iran đã từ chối vận chuyển toàn bộ kho dự trữ uranium làm giàu cao ra nước ngoài hoặc tham gia thảo luận về chương trình tên lửa đạn đạo của mình.

Trong diễn biến khác, giá dầu quay đầu giảm còn do thông tin đe dọa rằng Israel có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Hiện Iran là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Do đó, việc Israel tấn công Iran có thể làm đảo lộn dòng chảy dầu mỏ từ nước này. Hiện vẫn có lo ngại Iran có thể trả đũa bằng cách chặn dòng tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz, nơi Saudi Arabia, Kuwait, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu.

Nhà phân tích Priya Walia của Rystad Energy cho biết: "Nếu căng thẳng leo thang, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi tạm thời về thương mại hoặc nguồn cung bị ảnh hưởng khoảng 500.000 thùng/ngày - điều mà OPEC+ có thể bù đắp khá nhanh chóng". Liên quan đến nguồn cung, cũng theo Reuters, sản lượng dầu của Kazakhstan đã tăng 2% trong tháng 5, bất chấp áp lực giảm sản lượng của OPEC+.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc, đồng USD suy yếu

Tương tự, thị trường chứng khoán châu Á và đồng USD cũng đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 22/5, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài ổn định ở gần mức cao nhất trong 18 tháng. Nguyên nhân là nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng tài chính xấu đi của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tâm điểm hiện đang hướng về dự luật cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch này có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD, nâng tổng nợ lên khoảng 36.000 tỷ USD.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) mất 0,6%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chịu áp lực giảm. Chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần, do việc bán tháo các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu khi đồng yên mạnh lên bởi lo ngại về sự suy giảm sức khỏe tài chính của Mỹ. Cụ thể, Nikkei 225 giảm 313,11 điểm (0,84%) so với phiên trước đó, xuống mức 36.985,87 điểm.

Tâm lý thị trường trở nên u ám sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ hồi tuần trước. Đồng thời, xu hướng bán tháo tài sản Mỹ đang dần lan rộng, khiến đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong 2 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong bối cảnh lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu do chính sách thương mại thất thường của ông Trump, giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội bên ngoài thị trường Mỹ.

Thị trường trái phiếu Nhật Bản cũng đang chịu áp lực khi làn sóng bán ra tiếp diễn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 30 năm hiện ở mức 3,155%, chỉ còn cách mức cao kỷ lục 3,185% của phiên trước đó không xa. Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 22/5, khi các nhà đầu tư bán tháo hầu hết các cổ phiếu blue chip sau đà giảm của Phố Wall vào đêm trước. Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi giảm 1,22% xuống 2.593,67 điểm.

Tại Trung Quốc, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và khai khoáng đã không thể bù đắp cho những lo ngại về sức khỏe tài chính của nền kinh tế Mỹ. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,2% xuống 23.547,65 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng hạ 0,2% xuống 3.380,19 điểm.

Trên thị trường tiền tệ,  đồng USD cũng ghi nhận đã giảm so với một loạt các loại tiền tệ vào phiên giao dịch vừa qua. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EURO, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,43%, xuống mức 99,69.

Theo đó, đồng bạc xanh đã kéo dài mức lỗ so với các loại tiền tệ chính như đồng EURO và đồng yên Nhật sau đợt bán nhẹ 16 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Trái phiếu được định giá ở mức kỷ lục 5,047%, cao hơn mức lãi suất dự kiến tại thời điểm đấu thầu.

Đồng EURO tăng 0,4% so với đồng USD, đạt mức 1,1334 USD, sau khi chạm mức cao nhất trong hai tuần. Đồng USD giảm 0,6% so với đồng yên Nhật, xuống mức 143,62 yên. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới vào ngày 21/5. Đồng bảng Anh chốt phiên giao dịch tăng 0,3%, đạt mức 1,3425 USD.

Ngân Giang
.
.