Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô “chạy” thuế Mỹ
Tháng 3/2025 chứng kiến cú bứt tốc xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc kể từ tháng 10 năm ngoái, khi các nhà nhập khẩu tranh thủ “chốt đơn” trước khi thuế quan từ Mỹ siết chặt từ tháng 4.
Theo dữ liệu do Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 14/4 vừa qua, xuất khẩu tính bằng USD đã tăng vọt 12,4% so với cùng kỳ năm trước, hồi phục mạnh mẽ sau mức sụt giảm 3% trong tháng 2. Sau hai tháng đầu năm có phần kém tích cực khi xuất khẩu chỉ tăng 2,3% và nhập khẩu giảm tới 8,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2024 - kết quả xuất khẩu tháng 3 cho thấy sự phục hồi rõ rệt trong thương mại Trung Quốc.
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 3/2025 vừa được Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy con số này đã vượt xa mọi dự đoán của các chuyên gia phân tích trong cuộc khảo sát của Bloomberg, với mức trung bình chỉ tăng khoảng 4,6%. Đây cũng là mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất kể từ tháng 10/2024, tạo động lực tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2025.
Mặc dù vậy, nhập khẩu trong tháng 3 vẫn tiếp tục đà suy giảm với mức giảm 4,3% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước.
"Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhưng những mặt hàng dễ thay thế và nhạy cảm về giá đã bắt đầu chịu tác động. Với việc mức thuế 145% đã có hiệu lực, rất có thể dữ liệu tháng tới sẽ kể một câu chuyện hoàn toàn khác" , Lynn Song - nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại ING Bank NV nhấn mạnh. Theo Global Times, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng 1,3% so với cùng kỳ 2024 lên khoảng 10.300 tỷ nhân dân tệ, tương ứng 1.410 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng 6,9% lên 6.130 tỷ nhân dân tệ, nhập khẩu giảm 6% xuống còn 4.170 tỷ.
Đợt bùng nổ xuất khẩu đã tiếp sức cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2025, nhưng động lực này có thể sớm cạn kiệt sau khi Mỹ giáng cú sốc thuế đối ứng lên tất cả quốc gia. Trong đó, Chính quyền Trump đã áp mức thuế đối ứng 125% với hàng hóa Trung quốc, khiến Bắc Kinh buộc phải đáp trả và đẩy căng thẳng thương mại leo thang nhanh chóng.
Trong năm 2025, lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%. CNBC đánh giá đây là mục tiêu tham vọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và tiêu dùng nội địa của nước này ảm đạm.
David Qu - Chuyên gia từ Bloomberg Economics, nhận định: "Dữ liệu thương mại tháng 3 của Trung Quốc chưa phản ánh đầy đủ tác động của cuộc chiến thương mại. Người mua Mỹ có thể đã đẩy nhanh việc nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế cao hơn bắt đầu vào tháng 4, từ đó đẩy xuất khẩu tăng mạnh. Ngược lại, các nhà sản xuất trong nước dường như đã giảm mua hàng do lo ngại về sự sụt giảm tiềm tàng trong nhu cầu bên ngoài và tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu. Nhìn về phía trước, xuất khẩu có thể đối mặt với những trở ngại lớn trong tháng 4".
Trong tháng 3, nhiều công ty nước ngoài đã đẩy nhanh nhập hàng Trung Quốc để né thuế quan. Những số liệu mới nhất cho thấy các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á với giá trị hàng hóa xuất khẩu tính theo đô la tăng vọt 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu của Trung Quốc đến khu vực này đạt mức cao thứ 2 trong lịch sử, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam và Thái Lan chạm kỷ lục mới. Xuất khẩu sang châu Phi cũng tăng hơn 11%, trong khi sang Ấn Độ tăng gần 14%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 44% so với tháng 2, vượt ngưỡng 40 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 9% trong tháng 3, sau khi sụt giảm trong tháng 2.
Báo cáo của ING Economics cũng nhận định rằng: “Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tinh ý đã lường trước việc thuế quan sẽ tăng từ tháng 4, nên đã đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm đó”. Tuy nhiên, xu hướng này nhiều khả năng sẽ chững lại khi lượng hàng tồn kho dần cạn kiệt và các doanh nghiệp tạm thời theo dõi những diễn biến mới, khó lường trong chính sách thương mại của Mỹ.
Báo cáo cũng chỉ ra thêm: “Kết quả là, nhiều khả năng hoạt động thương mại trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu sụt giảm từ tháng 4”. Dữ liệu thương mại cho thấy mức thuế quan cao hơn đã bắt đầu tạo ra một số tác động rõ rệt: xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như giày dép và quần áo sụt giảm, trong khi các lô hàng chip máy tính, thiết bị gia dụng và xe cộ lại tăng mạnh. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong quý I, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là máy móc điện tử, điện thoại thông minh, máy tính xách tay cùng với các sản phẩm công nghệ cao khác.
Người phát ngôn của Tổng cục Hải quan, ông Lyu Daliang, cho biết, Trung Quốc đang đối mặt với "một môi trường bên ngoài phức tạp và đầy thách thức", nhưng khẳng định "bầu trời sẽ không sụp đổ". Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn nhờ thị trường nội địa rộng lớn và các lựa chọn xuất khẩu ngày càng đa dạng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Bắc Kinh về tình trạng nhập khẩu suy giảm, ông Lyu cho biết Trung Quốc đã duy trì vị thế là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới suốt 16 năm qua, đồng thời nâng thị phần nhập khẩu toàn cầu từ khoảng 8% lên 10,5%. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này chủ động đa dạng hóa thị trường nhằm, mở rộng sang các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ nhằm ứng phó với những biến động "sâu rộng" từ bên ngoài. Ông cũng cam kết sẽ đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.