Khám phá những chuyến tập huấn nước ngoài của thể thao Việt Nam

Thứ Tư, 14/05/2025, 15:46

Kể từ khi hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã có hơn 3 thập niên phát triển thể thao thành tích cao. Hoạt động tập huấn nước ngoài là một phần quan trọng trên hành trình tiến bộ của các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), và đi cùng họ là không ít câu chuyện thú vị liên quan đến mỗi chuyến xuất ngoại.

Thông tin dần chuẩn hóa

Năm 2021, sau khi Nguyễn Thị Ánh Viên không có thông số như kỳ vọng ở Olympic Tokyo, câu chuyện đầu tư trọng điểm cho VĐV này tập huấn dài hạn ở nước ngoài được đưa ra bàn luận. Ánh Viên là VĐV hiếm hoi xuất ngoại tập huấn trong nhiều năm, với kinh phí rất lớn. Nhưng cuối cùng, kết quả cô nhận về lại bị đánh giá dưới kỳ vọng.

Khám phá những chuyến tập huấn nước ngoài của thể thao Việt Nam -0
Vận động viên Hoàng Quý Phước chụp hình cùng Ikee Rikako trong chuyến tập huấn năm 2015.

Ở thời điểm câu chuyện về Ánh Viên sau Olympic Tokyo rộ lên, VĐV này trên thực tế đã về nước tập luyện khoảng 2-3 năm. Đây là việc làm cần thiết, trong bối cảnh những khoản chi cho VĐV này xuất ngoại tập huấn không thực sự hiệu quả. Cô vẫn thi đấu tốt ở đấu trường SEA Games, nhưng dần hụt hơi khi bước ra đấu trường ASIAD và Olympic.

Khi Ánh Viên còn tập huấn dài hạn ở nước ngoài, điểm đến của VĐV này là Mỹ. Lần đầu cô xuất ngoại là vào năm 2012, cùng với Hoàng Quý Phước và một số tuyển thủ bơi Việt Nam khác. Nhưng chỉ ít ngày sau chuyến đi Mỹ, điểm đến của đội tuyển được xem là có phần không phù hợp cho VĐV và HLV.

Bên cạnh những câu chuyện thiếu tích cực về nội bộ đội tuyển bơi giai đoạn 2012-2015, chuyến đi của họ cũng phơi bày một vấn đề. Ở thời điểm đó, thể thao Việt Nam không có nhiều thông tin cho VĐV tập huấn nước ngoài. VĐV, HLV phần lớn không thạo ngoại ngữ, đồng thời không biết mình sẽ ở đâu, công việc cần có chứng chỉ gì, ăn uống ra sao.

Việc nắm giữ thông tin quan trọng trước mỗi chuyến tập huấn nước ngoài là điều cần thiết cho VĐV và HLV. Như trong câu chuyện của Ánh Viên, cô rõ ràng không có lỗi. VĐV này rõ ràng không thể tự quyết địa điểm tập luyện. Nhưng với mỗi lần sơ suất, Ánh Viên lại là người nhận hậu quả, thậm chí bị nhắc tên một cách oái oăm.

Bài học quý từ những chuyến đi trước đây đã giúp thể thao Việt Nam dần đúc rút kinh nghiệm. Theo thời gian, hoạt động xuất ngoại tập huấn của các đội tuyển thể thao Việt Nam được hoàn thiện, nâng cấp so với trước đây. Ở nhiều chuyến đi quan trọng, các đội tuyển còn có đội tiền trạm để đánh giá trước khi quyết định chính thức.

Một phương pháp khác được thể thao Việt Nam sử dụng để chọn địa điểm tập huấn nước ngoài là "trăm hay không bằng tay quen". Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cơ hội tốt để chúng ta tìm ra nơi tập huấn hiệu quả. Mối quan hệ thân thiết với những chuyên gia ngoại từng đến Việt Nam làm việc cũng là công cụ hữu dụng trong công việc này.

Tập cùng ai để tiến bộ

Trong quá khứ, tại nhiều chuyến tập huấn nước ngoài, vận động viên Việt Nam chỉ được tập cùng VĐV địa phương, thậm chí là đội phong trào ở các nước bản xứ. Nhưng bây giờ, việc tra cứu thông tin và liên hệ của thể thao Việt Nam đã toàn diện hơn. Vì thế, VĐV Việt Nam có thể trực tiếp tập luyện, học hỏi từ những đồng nghiệp đẳng cấp thế giới.

Khám phá những chuyến tập huấn nước ngoài của thể thao Việt Nam -1
Những chuyến tập huấn nước ngoài theo diện chỉ đưa 1 vận động viên xuất ngoại gần như không còn nữa.

Một câu chuyện hy hữu khác từng xảy ra, là VĐV Việt Nam tập huấn ở nước ngoài cùng những VĐV rất xuất sắc, nhưng lại nghĩ đó là VĐV "tầm thường". Đó là câu chuyện của bơi Việt Nam 10 năm trước, khi Hoàng Quý Phước kết thúc sớm chuyến tập huấn dài ở Nhật Bản. Khi đó, có thông tin cho rằng nơi Phước tập luyện không có VĐV đỉnh cao.

Hẳn nhiều người đến giờ vẫn tin thông tin trên là đúng. Nhưng trong những tấm ảnh Phước chia sẻ trên mạng xã hội từ năm 2015 về các đồng nghiệp Nhật Bản, có một tấm hình chụp anh bên cạnh Ikee Rikako. Nửa năm sau ngày tập cùng Phước, Ikee giành 2 HCV trẻ thế giới. Cô chính là VĐV xuất sắc nhất ASIAD 2018, khi giành 6 HCV và 2 HCB.

Ikee sau đó mắc ung thư, nhưng điều trị thành công và trở lại thi đấu. Nếu không vướng phải bệnh hiểm nghèo, cô có thể là niềm hy vọng vàng của Nhật Bản tại Olympic. Câu chuyện về Ikee và tấm ảnh chụp cùng Hoàng Quý Phước cho thấy, thể thao Việt Nam từng có một thời đứng giữa biển hỗn mang thông tin, khó có thể phân biệt đúng sai.

Hành trình xuất ngoại của thể thao Việt Nam hiện nay thường hướng đến những nước phát triển mạnh về môn nhất định. Ví dụ như đội tuyển bắn súng và bắn cung đến Hàn Quốc, đội tuyển Boxing đến Thái Lan, Kazakhstan hoặc Uzbekistan, đội tuyển Wushu đến Trung Quốc, đội tuyển bơi sang Hungary tập huấn.

Mỗi chuyến xuất ngoại là hành trình rất tốn kém, bởi trong thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam hạn chế tối đa những chuyến đi theo diện "1 thầy 1 trò", hoặc để VĐV đơn độc ở xứ người. Trong quá khứ, những khóa tập huấn như vậy từng gây không ít tranh cãi, đồng thời để ngỏ dấu hỏi về hiệu quả phát triển vận động viên.

Một trong những đội thể thao có kế hoạch tập huấn nước ngoài hiệu quả nhất hiện nay là Boxing nữ. Trong 2 kỳ Olympic gần nhất, Boxing đã mang về 4 tấm vé đến Thế vận hội. 3 vé trong số đó thuộc về đội tuyển Boxing nữ, với đội Hà Nội là hạt nhân.

Thành công của Boxing nữ Việt Nam nói chung, cũng như Hà Nội nói riêng xuất phát từ việc xây dựng mối quan hệ ở tầm quốc tế. Ngoài ra, VĐV của đội tập luyện thường xuyên cùng các đối thủ hàng đầu. Đó là những chuyến đi tới Thái Lan, Kazakhstan để đấu với các tuyển thủ của nước bản xứ.

Hành động thay vì than vãn

Hành lý của VĐV Việt Nam trong những chuyến xuất ngoại tập huấn mang đến một số thông tin thú vị. Rất ít người mang theo đồ đạc phục vụ giải trí hay giết thời gian đơn thuần vào những lúc nghỉ ngơi. Thay vào đó, họ thường cầm theo đồ thiết yếu, thậm chí là nhu yếu phẩm.

Hình ảnh VĐV mang theo thùng mì tôm, xúc xích, đồ ăn nhanh trong mỗi chuyến xuất ngoại tập huấn có thể khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Nhưng với những ai là một phần của thể thao, tất cả sẽ thấy đây là điều bình thường. Bởi không phải ai cũng có thể dung nạp với đồ ăn nước ngoài.

Thành viên của một đội tuyển thể thao Việt Nam mới sang Sri Lanka tập huấn cách đây ít tháng chia sẻ: "Đây là chuyến xuất ngoại hiếm hoi của chúng em. Khi đến đây, cả đội mới thấy thực phẩm bản xứ rất khó ăn. Nhưng mọi người vẫn cố ăn vì ít mang theo đồ đóng gói sẵn, nên tất cả đều bị đau bụng, sút cân sau 2 tuần".

Thành công của đội tuyển Boxing nữ Việt Nam trong hành trình chinh phục vé tham dự Olympic Paris là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện am hiểu ẩm thực nước ngoài và thích nghi. Ở chuyến tập huấn tại Trung Á trước vòng loại 2 Olympic, toàn đội tập huấn ở Kazakhstan. Điểm đến là Trung tâm huấn luyện quốc gia của nước này.

Tại Kazazkhstan, các tuyển thủ Việt Nam tập luyện, ăn uống theo chế độ giống như tuyển thủ của xứ sở Trung Á. Chế độ ăn cho VĐV Việt Nam gồm có cơm, thịt cừu, thịt bò, rau củ. Nhìn chung, đây là thực đơn tốt, nhưng nhiều VĐV Việt Nam vẫn thường xuyên cảm thấy thòm thèm vì dân bản xứ ăn khá ít so với những người sống ở miền nhiệt đới.

Cũng phải nói thêm, việc VĐV Việt Nam ở Kazakhstan muốn ăn thêm là lý do khách quan, hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu cá nhân chứ không phải họ bị bỏ đói. Ngoài ra, các thành viên trong đội đã dự phòng trước trường hợp này, nên mang theo "nhà bếp thu nhỏ" đến Kazakhstan. Đây là bài học được đúc rút sau nhiều năm xuất ngoại và từng trải.

Hành lý đến Trung Á của các tuyển thủ Việt Nam có gạo, ruốc, mắm tép chưng thịt và cả nồi cơm điện loại nhỏ. Với các VĐV có nhiều kinh nghiệm đi tập huấn và du đấu quốc tế, họ hiểu tự lực cánh sinh là cách tốt nhất để thích nghi. Thay vì than vãn và trông chờ được đãi ngộ tốt hơn ở xứ người, tự chăm sóc cho bản thân là điều tốt nhất.

Những ngày tự bồi bổ cho bản thân như thế của Boxing Việt Nam được tưởng thưởng bằng tấm vé Olympic thứ 2, với chủ nhân là võ sĩ Hà Thị Linh. Đúng với câu nói "khổ luyện thành tài", VĐV cần vượt qua khó khăn để gặt hái vinh quang. Chiến thắng những chuyến xuất ngoại tập huấn, với điều kiện không lý tưởng chính là một phần của điều đó.

Vận động viên nước ngoài không khác Việt Nam

Nếu như VĐV Việt Nam gặp không ít khó khăn mỗi khi xuất ngoại tập huấn và thi đấu, các đồng nghiệp quốc tế cũng gặp trở ngại tương tự. Nhiều giải thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam quy tụ VĐV nước ngoài đến tranh tài vì họ cho biết, so với một số nước trong khu vực, kinh phí và mức chi tiêu ở Việt Nam hiện vẫn rẻ hơn khá nhiều.

Khám phá những chuyến tập huấn nước ngoài của thể thao Việt Nam -0
Vận động viên Goh Jin Wei tự gọi xe ôm, đặt đồ ăn khi đến Việt Nam.

"Các giải thể thao quốc tế như cầu lông thường có nhiều VĐV nước ngoài đến Việt Nam. Quãng đường di chuyển với họ thường khá gần, đặc biệt là từ các nước châu Á. Ngoài ra, chi phí ăn uống và lưu trú cũng khá mềm, có nhiều lựa chọn cho các đội thể thao tùy chỉnh", một HLV cho biết.

Điểm khó nhất với các VĐV quốc tế khi đến Việt Nam là thích nghi với giao thông và tiện ích ăn uống. Một số VĐV đã có kinh nghiệm đến Việt Nam thường cài đặt trước các ứng dụng gọi taxi hoặc giao đồ ăn. Số khác tìm trợ giúp qua thành viên ban tổ chức hoặc tình nguyện viên.

Không phải VĐV quốc tế nào đến Việt Nam cũng có HLV đi kèm, nên họ phải học làm mọi thứ để thích nghi. Goh Jin Wei, tay vợt nữ từng vô địch SEA Games 2017, đã tự cài đặt và gọi xe ôm khi đến Việt Nam. Cô cho biết, di chuyển bằng xe máy có thể không an toàn như taxi, nhưng phù hợp hơn khi chạy trong các thành phố lớn vốn hay tắc đường.

Một VĐV quốc tế chia sẻ: "Nếu chúng tôi theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, mọi người phải học cách tự lực cánh sinh. Được giúp đỡ cũng tốt, nhưng sau cùng, chúng tôi phải một mình vượt qua khó khăn. Ở đâu cũng như vậy thôi, nên mọi người đừng nghĩ chúng tôi sướng hơn VĐV Việt Nam".

Đơn Ca
.
.