Nhạc sĩ Hoàng Vân: Một di sản âm nhạc sống động vượt thời gian
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) là một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Ông để lại hơn 700 tác phẩm đủ mọi thể loại và hình thức: ca khúc, hợp xướng, nhạc phim, giao hưởng, khí nhạc, nhạc thiếu nhi..., một di sản phong phú trong đó có nhiều tác phẩm trở thành biểu tượng văn hóa, đồng hành cùng các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Chương trình âm nhạc “Cho muôn đời sau” tôn vinh những sáng tác của ông do Cục công tác chính trị - Bộ Công an tổ chức không chỉ là một sự kiện tưởng niệm, mà còn là dịp để nhìn lại một giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX.
1. Nhạc sĩ Hoàng Vân là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Với vốn kiến thức âm nhạc sâu rộng, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và lòng yêu nước mãnh liệt, ông đã tạo nên những tác phẩm có sức sống trường tồn trong lòng công chúng. Tháng 4/2025, bộ sưu tập tác phẩm của ông được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Đó là hàng trăm bản thảo, bản in, bản thu các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc, nhạc phim, hợp xướng và các tư liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân trong suốt hơn nửa thế kỷ sáng tác.
Đây là lần đầu tiên một bộ tư liệu thuộc lĩnh vực âm nhạc hiện đại Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu ở cấp độ thế giới, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của âm nhạc Việt Nam đương đại. Với giá trị vượt thời gian, di sản này không chỉ phản ánh tư tưởng nghệ thuật của một nhạc sĩ lớn mà còn là một phần của ký ức văn hóa dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

Theo Tiến sĩ Lê Y Linh, nhạc sĩ Hoàng Vân thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế.
Trong số hơn 700 tác phẩm, đông đảo quần chúng biết đến nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu.
Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, các tác phẩm hàn lâm của nhạc sĩ Hoàng Vân chiếm một vị trí quan trọng nhưng ít được quảng đại quần chúng tiếp cận hơn. Ông là tác giả của một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1960, “Thành đồng Tổ quốc”. Giới chuyên môn đánh giá cao các tác phẩm như đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng “Hồi tưởng” (1961-1962), vở ballet “Chị Sứ” (1968, giải thưởng Hồ Chí Minh), tổ khúc bốn chương cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng “Điện Biên Phủ” (2004). Ông là người sáng tạo ra một thể loại mới, thanh khí nhạc (theo GSTS Nguyễn Thụy Loan), với nhiều tác phẩm đã là "mẫu mực trong nền âm nhạc Việt Nam" (lời Nhạc sĩ Nguyễn Cường). “Tôn chỉ của nhạc sĩ trong cả sự nghiệp của mình là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc” - Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ.
Có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Vân đã tạo nên những bản nhạc có sức sống trường tồn trong lòng công chúng. Từ khí nhạc đến thanh nhạc, từ những khúc tráng ca chiến đấu đến giai điệu tình yêu, quê hương, ông đã góp phần kiến tạo nên một vũ trụ âm nhạc Việt Nam hiện đại phong phú, đa dạng và đầy sức sống.
2. Concert “Cho muôn đời sau” không chỉ là một sự kiện tưởng niệm, mà còn là dịp để nhìn lại một giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là lời tri ân sâu sắc dành cho người nhạc sĩ đã hiến dâng trọn đời mình cho âm nhạc và Tổ quốc. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết những tác phẩm ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngợi ca những tấm gương chiến sĩ, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Những tác phẩm ấy mang đậm âm hưởng của những miền quê hương, đất nước và là những giai điệu trong trẻo nhưng cũng thật hùng tráng mang ký ức và lý tưởng sống của cả thế hệ những người nhạc sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; là tiếng nói từ trái tim đại diện cho dân tộc yêu chuộng hòa bình. Thông qua các tác phẩm của mình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã góp phần cùng nhiều thế hệ nhạc sĩ hun đúc tình yêu Tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý chí xây dựng đất nước. Nhạc sĩ Hoàng Vân được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Chương 1 của chương trình sẽ là “Hồi tưởng” - là những tác phẩm chọn lọc, gợi lại những dấu mốc lịch sử đến khát vọng tương lai được ghi bằng âm thanh cuộc đời của chính nhạc sĩ. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức “Giao hưởng số II”, Tưởng niệm (Chương I). Một trong những điểm nhấn xúc động của chương trình là bản phổ nhạc bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do nhạc trưởng Lê Phi Phi khôi phục lại văn bản gốc của tác giả. Bên cạnh đó là những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng như “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy”, “Bài ca giao thông vận tải”. Riêng tác phẩm “Quảng Bình quê ta ơi” được làm mới với sự kết hợp giữa tiếng đàn nguyệt của NSND Cồ Huy Hùng cùng Dàn nhạc Giao hưởng, đầy sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại.
“Cho muôn đời sau” chương 2 mở ra một không gian tươi sáng và giàu sức sống, thể hiện tinh thần kiến thiết và vẻ đẹp của đất nước thanh bình. Từ điểm chuyển giao xúc động qua tác phẩm “Hát ru trong đêm pháo hoa”, chương trình đưa người xem đến với ký ức tuổi thơ qua Tổ khúc dành cho thiếu nhi: “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”, “Mùa hoa phượng nở”, cùng với đó là những giai điệu trải dài qua những miền quê hương đất nước như: “Tình ca Tây Nguyên”, “Khúc tâm tình người thủy thủ”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”... Chương trình được khép lại bằng bản mashup “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”, như một khúc hoan ca, ngợi ca hòa bình, tình yêu và khát vọng trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đúng như tên gọi của chương trình - “Cho muôn đời sau” không chỉ là không gian tôn vinh âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân mà còn là minh chứng cho sức sống lâu bền của những tác phẩm đi cùng năm tháng có giá trị nghệ thuật và sức lan tỏa trong lòng công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ trong nước và ở nước ngoài. Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ: "...Tinh thần Việt trong các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân rất rõ: dân ca, nhạc khí truyền thống, thơ Việt... Đây cũng là dấu ấn sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân. Concert sẽ có những bản phối mới như “Quảng Bình quê ta ơi!”, hay khôi phục lại một số tác phẩm ít biểu diễn như "Bốn mùa ở quê hương" mang ý nghĩa đặc biệt. Mỗi chi tiết đều được cân nhắc kỹ để vừa giữ được tính nguyên bản trong âm nhạc của ông, vừa chạm tới cảm xúc khán giả hôm nay".
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống CAND và Quốc khánh 2/9, Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Cho muôn đời sau”. Chương trình là một trường khúc về quê hương, đất nước, tưởng niệm về công lao dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông và tràn đầy hy vọng cho mai sau. Chương trình sẽ bắt đầu vào 20 giờ ngày 24/7/2025, ngày sinh nhật lần thứ 95 của nhạc sĩ và cũng sẽ là dịp đón bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho bộ Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân.
Đây là một chương trình quy mô lớn quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi, các dàn nhạc và hợp xướng chuyên nghiệp cùng nhiều thế hệ học trò và cộng sự của nhạc sĩ Hoàng Vân nhằm tôn vinh sự nghiệp đồ sộ và di sản nghệ thuật đặc biệt của một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Ngoài một số bài ca nổi tiếng đi cùng năm tháng đã in dấu trong ký ức nhiều thế hệ, chương trình giới thiệu nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, tổ khúc, hợp xướng thiếu nhi, tác phẩm cho độc tấu và dàn nhạc. Nhiều bản được phục dựng, công diễn lại sau thời gian dài vắng bóng.