Trung Quốc: Doanh nghiệp nước ngoài chật vật vì thuế kép

Thứ Hai, 05/05/2025, 16:52

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang lao đao vì thuế quan kép khi vừa phải chịu thuế nhập linh kiện và lại tiếp tục gánh thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Trong bối cảnh thương chiến leo thang, nhiều công ty rơi vào thế khó  khi bị kẹp giữa hai chính sách thuế đối đầu.

Một số nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc vẫn đang phải trả thuế 125% để nhập khẩu linh kiện và sau đó là 145% để xuất khẩu sang Mỹ do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Theo dữ liệu chính thức, các công ty nước ngoài và liên doanh hiện chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của thuế quan tới các công ty này lớn như thế nào.

anh.jpg -0
Thuế quan kép khiến các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lao đao.

Các công ty lớn của Mỹ như Apple và Tesla cùng nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn chủ yếu dựa vào các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Những công ty này thường nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc linh kiện từ Mỹ để lắp ráp thành các sản phẩm sau đó xuất khẩu. Điều này khiến họ phải đối mặt với khả năng phải trả cả thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đối với cùng một loại hàng hóa sau khi Tổng thống Trump tăng mạnh thuế đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc lên 145%.

Ông Heiwai Tang - Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hồng Kông đưa ra nhận định: “Các công ty nước ngoài thực sự đang ở trong thế gọng kìm tại thị trường Trung Quốc. Khi họ nhập khẩu, họ phải trả thuế quan của Trung Quốc. Khi họ xuất khẩu trở lại Mỹ, họ phải trả thuế quan của Mỹ. Họ bị đánh thuế quan hai lần”.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các tính toán của Financial Times, các công ty do nước ngoài sở hữu hoàn toàn hoặc một phần trong nước chiếm 980 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2024 (tương ứng với 1/4 tổng xuất khẩu) và 820 tỷ USD nhập khẩu (hơn 1/3 tổng nhập khẩu). Cũng trong năm 2024, Trung Quốc đã ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục gần 1.000 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc được xây dựng dựa trên các công ty nước ngoài và liên doanh, bao gồm các công ty từ Hồng Kông và Macau. Các doanh nghiệp này tìm cách tận dụng thị trường lao động khổng lồ và chi phí thấp ở Trung Quốc để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu ra khắp thế giới.

Vào năm 2008, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 55% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ này đã giảm trong những năm qua khi Trung Quốc phát triển chính sách tự chủ công nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo số liệu của chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 29,6% giá trị thương mại tính bằng USD vào năm 2024. Tuy nhiên, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% thặng dư thương mại của Trung Quốc vào năm 2024, vì lượng xuất khẩu của các công ty nước ngoài bị bù đắp bởi tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Michael Hart cho biết: "Có một số công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc không phải là công ty của Mỹ nhưng lại phụ thuộc vào nguồn đầu vào của Mỹ và do đó họ cũng bị ảnh hưởng". Cũng theo ông Hart, Bộ Thương mại Trung Quốc đang xem xét miễn thuế quan đối ứng cho một số lĩnh vực. Cụ thể, Trung Quốc hiện có chính sách miễn trừ thuế quan cho các công ty nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu thô để sản xuất hàng hóa tái xuất khẩu, hay còn gọi là hoạt động “thương mại gia công”. Một số nhà sản xuất lớn của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cũng đã nhận được sự miễn trừ thuế quan tạm thời từ Mỹ. Nhưng với chiến tranh thương mại, nhiều công ty nước ngoài vẫn cảm thấy xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là một việc rất khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Ông Jacob Rothman - CEO của công ty Velong Enterprises chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp và sản phẩm gia dụng tại Trung Quốc để cung cấp cho các nhà bán lẻ Mỹ bao gồm Walmart - cho biết công ty nhập khẩu một loại nhựa gọi là Tritan từ công ty Eastman có trụ sở tại Mỹ. “Chúng tôi bị đánh thuế quan hai lần đối với các sản phẩm có vật liệu này. Một lần khi nhập khẩu vật liệu và một lần nữa khi xuất khẩu thành phẩm”, ông Rothman nói. Ông cho biết Trung Quốc đã miễn thuế nếu sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu trở lại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không miễn thuế nếu sản phẩm được xuất khẩu sang các quốc gia khác ngoài Mỹ.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục giảm sau khi đã giảm 27,1% vào năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tính theo đồng nhân dân tệ.

Ngày 23/3, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong gặp gỡ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Apple, Pfizer, Mastercard, Cargill, Eli Lilly và Corning. Ông cam kết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và chào đón đầu tư từ các công ty đa quốc gia, chia sẻ cơ hội để phát triển". Ông cũng đánh giá kinh tế Trung Quốc "rất sôi động" và "đầy sức sống".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Cường nhận định thế giới ngày càng phân mảnh vì "bất ổn gia tăng". Ông kêu gọi "các nước mở cửa thị trường và các doanh nghiệp ngăn chặn rủi ro, thách thức". "Chúng tôi sẽ đưa ra các chính sách năng động hơn và điều chỉnh dần dần theo diễn biến thị trường nếu cần thiết", ông nói.

Ngày 28/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gặp gỡ các CEO toàn cầu. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ ngày càng mở rộng cửa để đón các doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc cam kết mạnh mẽ với việc thúc đẩy cải cách và mở cửa. Cánh cửa (của Trung Quốc) sẽ được mở rộng hơn".

Cũng theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc cam kết với phát triển chất lượng cao, tăng tốc chuyển đổi xanh, số hóa và thông minh, đồng thời đang có năng lực hỗ trợ công nghiệp mạnh mẽ. Vì thế, các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc có thể phát huy các lợi thế và năng lực của mình để giành lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu.

Ngân Giang
.
.