Chuyện của Thơ "mù" và những tấm lòng vàng từ bạn đọc Báo Công an nhân dân
Vô tình trở thành nạn nhân trong một vụ trọng án, Nguyễn Văn Thơ, trú tại Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội đã có những ngày tháng vô cùng cơ cực. Nhờ tấm lòng của một điều tra viên, và sự lan tỏa, kết nối của báo Công an nhân dân mà Thơ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc, có thêm động lực sống...
1. Đó là một buổi chiều muộn cách đây mấy năm, Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nhắn tôi sang có việc gấp. Tưởng có vụ án "hot", tôi mau mắn mò sang, chuẩn bị sẵn máy ghi âm, sổ sách để lấy thông tin.
Song hóa ra tôi "bé cái lầm". Lần này anh nhắn tôi sang để chia sẻ, tâm sự về trường hợp một nạn nhân trong vụ trọng án xảy ra cách đây khoảng hai mươi năm.
Có thể tóm tắt nội dung vụ án như sau. Mười chín năm về trước, Thơ khi ấy đang là học sinh trường THPT Sóc Sơn, đang trọ học tại nhà anh Nguyễn Văn V. (có địa chỉ tại xã Tiên Dược, Sóc Sơn). Cũng vào tầm buổi chiều muộn Thơ cùng chị N. (vợ anh V., đang bế đứa con) và anh T. (em trai anh V.) bất ngờ nhận được một chiếc đài radio kèm dòng chữ: "Nhờ V. sửa giúp, mai lấy ngay".
Không ngờ giấu trong chiếc radio là một quả mìn điện. Anh T. vừa bật công tắc đài lên thì mìn nổ cướp đi sinh mạng của mẹ con chị N. và anh T. Chỉ mình Thơ thoát khỏi lưỡi hái tử thần song bị sức ép làm tổn hại 94% sức khỏe, đồng thời mù cả hai mắt.
Chỉ sau ít ngày, Thượng tá Đáp cùng đồng đội nhanh chóng tìm ra hai kẻ thủ ác là Ngô Mạnh Hùng (thường trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình) và người yêu của gã là Lại Thị Kiều Lan (thường trú tại Bắc Cạn). Do ghen tuông với quá khứ của Lan (từng yêu anh V.) nên Hùng đã chế tạo quả mìn nhằm trả thù tình địch. Không ngờ đã gây nên cái chết cho ba con người vô tội, và khiến cho Thơ trở thành người tàn phế.
Nhiều năm trôi qua, tưởng như vụ án đã nằm yên trong hồ sơ thì bỗng một ngày Thượng tá Đáp nhận được cuộc gọi từ Thơ - khi ấy đã là một thanh niên trong hình hài một đứa trẻ con. Thơ kể, suốt hàng chục năm sau vụ nổ em vẫn bị ám ảnh, thường xuyên mê sảng. Đường học hành bị đứt gánh, cha ốm mẹ đau liên miên, cuộc sống của Thơ hiện hết sức cơ cực.
Khi liên hệ với anh Đáp, Thơ muốn nhờ người điều tra viên xin lại bản giám định thương tích sau khi vụ án xảy ra, để Thơ nộp cho UBND xã nhằm xin nâng mức trợ cấp cho người tàn tật. Nếu có bản giám định, Thơ sẽ được nâng từ mức vài trăm ngàn đồng lên hơn một triệu đồng/tháng. Thương cảm cho số phận của Thơ, Thượng tá Đáp nhanh chóng sang bên Trung tâm Giám định pháp y TP Hà Nội để xin cho Thơ văn bản ấy.
Khi tiếp xúc với Thơ, Thượng tá Đáp càng thêm phần thương cảm với chàng trai này. Dù đã rất nỗ lực đi học chữ nổi, học văn hóa... song cánh cửa cuộc đời cứ dần khép lại với Thơ. Đã từng lấy vợ, song do sức khỏe của Thơ rất kém mà sau hai năm thì người vợ bỏ đi. Thời gian gần đây đôi tai của Thơ ngày một ù đặc, có nguy cơ bị điếc. Đã thế, cả hai bố mẹ Thơ đều bị những căn bệnh nan y, kinh tế hết sức khó khăn.
Nhớ đến Báo CAND thường có những hoạt động xã hội từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nên Thượng tá Đáp đã nhắn tôi sang, với mong muốn có cách nào đó để giúp đỡ cho Thơ.
2. Ít hôm sau, tôi đã có mặt tại nhà Thơ tại thôn Kim Hạ (xã Kim Lũ, Sóc Sơn) và được tận mắt chứng kiến hoàn cảnh túng bấn của chàng trai này và gia đình. Bố Thơ khi đó đang bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Mẹ Thơ cũng bị ung thư tuyến giáp. Cả gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng khoán, con lợn con gà. Mấy người chị gái Thơ lấy chồng ở gần đó, hoàn cảnh cũng đều rất khó khăn, hầu như không giúp đỡ được gì nhiều cho em và bố mẹ.
Ngoài những đớn đau về mặt vật chất, thì Thơ còn bị nỗi đau dai dẳng về tinh thần giày vò. Là người rất có nghị lực, sau vụ nổ một thời gian Thơ đã cố gắng xin đi học lớp dành cho người mù. Cứ sáng sớm, bố mẹ đưa Thơ ra bến xe bus đón xe rồi cứ thế một mình anh xuống Hà Nội, nhờ người nọ người kia dẫn đến trường để học. Thơ cũng đã lấy xong bằng bổ túc văn hóa, và có thể sử dụng máy tính, điện thoại di động... khá thành thạo.
Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của vụ nổ mà đôi tai của Thơ cứ ngày một yếu dần đi. Lúc nào Thơ cũng nghe thấy tiếng ù ù trong tai, như thể đứng cạnh máy xay lúa. Nhiều lần đi khám ở bệnh viện, các bác sỹ cho biết khả năng cả hai tai của Thơ sẽ hỏng hoàn toàn nếu không có biện pháp chữa kịp thời...
Cảm động trước hoàn cảnh của Thơ, ngay buổi tối hôm ấy tôi đã viết xong bài báo để đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới (Báo CAND). Đồng thời tôi cũng mạnh dạn viết một bài viết nhỏ trên trang cá nhân thuộc mạng xã hội Facebook.
Không ngờ bài viết trên báo và mạng xã hội Facebook đã nhận được sự hiệu ứng tích cực từ bạn đọc báo CAND cũng như bạn bè. Chỉ vài giờ sau khi thông tin về trường hợp của Thơ được đăng trên mạng xã hội, đã có rất nhiều bạn bè và cả những người chưa từng quen biết đã liên hệ để bày tỏ ý định muốn chung tay giúp đỡ cho Thơ.
Qua bài báo, một số giáo viên và bạn học cùng thời với Thơ đã phản hồi rằng, 19 năm trước khi nghe tin Thơ bị nạn, ai cũng cảm thấy tiếc vì cậu ấy là học sinh giỏi nổi tiếng của trường THPT Sóc Sơn. Và họ cũng có nhã ý muốn gửi chút quà cho Thơ. Tuy nhiên, việc này cũng gặp ít nhiều trắc trở.
Trong status (dòng trạng thái) đăng trên mạng xã hội, tôi có ghi lại tài khoản ngân hàng của Thơ - để những nhà hảo tâm có thể chuyển tiền vào ủng hộ cho anh. Tuy nhiên, rất nhiều người phản ánh với tôi là không thực hiện thành công việc chuyển khoản.
Qua tìm hiểu, tôi mới biết trước đó Thơ tự lập tài khoản ngân hàng từ số điện thoại di động của mạng V. nên việc nhận tiền từ các ngân hàng khác rất hạn chế. Để có thể tiếp tục giúp đỡ Thơ, một số người bạn đã nhờ tôi chuyển giúp cho Thơ, thông qua tài khoản ngân hàng của tôi. Sau đó tôi sẽ chuyển lại cho Thơ.
Chỉ trong khoảng 3 ngày, đã có vài chục người bạn chuyển tiền vào tài khoản của tôi để sau đó tôi chuyển cho Thơ.
Tiếp đó, sau khi thông tin được đăng tải trên Báo CAND đã có nhiều bạn đọc gửi tiền vào tài khoản của báo để ủng hộ Thơ. Tổng số tiền ủng hộ gửi qua tài khoản của Báo CAND (đợt đầu) được 24 triệu đồng; trong đó, một bạn đọc là cựu học sinh lớp 12D trường Phan Đình Phùng (Hà Nội, niên khóa 1986-1989) ủng hộ 10 triệu đồng.
Đầu tháng 2/2021, Đoàn công tác của Báo CAND do đồng chí Đại tá Trần Duy Hiển, Phó tổng biên tập (khi ấy là Thượng tá, Trưởng ban Báo CAND Điện tử) đã có mặt tại Sóc Sơn để thăm gia đình và trao tận tay Thơ số tiền mà bạn đọc của Báo CAND ủng hộ.
Tiếp nhận tấm lòng của bạn đọc Báo CAND, hai mẹ con Thơ cảm động ứa nước mắt. Bà Nguyễn Thị Sính (mẹ Thơ) nghẹn ngào nói: “Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành Ban Biên tập Báo CAND và bạn đọc đã thương cảm, giúp đỡ mẹ con tôi. Với số tiền này, Thơ sẽ có thêm điều kiện chữa trị, đồng thời mua máy trợ thính để tiếp tục kết nối với người thân, bạn bè”…
Đặc biệt, những thông tin về hoàn cảnh của Thơ còn được một nữ phóng viên báo CAND (là Thiếu tá Đinh Thị Thu Hiền) đăng tải trên trang cá nhân, và cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bạn đọc. Trong vòng một tuần lễ, tài khoản của chị Hiền đã nhận được số tiền ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Chị Hiền đã chuyển toàn bộ số tiền này cho Thơ, với mong muốn sẽ phần nào giúp cho cuộc sống của Thơ và gia đình sẽ bớt cơ cực.
Gặp lại Thơ vào những ngày gần đây, tôi có thể cảm nhận được niềm vui của anh khi việc chữa trị tai đã có chuyển biến. “Mặc dù mấy tháng trước đi khám, em phát hiện ra mắc thêm bệnh tiểu đường song em không lấy đó làm buồn. Số phận em tưởng như đã bị chôn vùi sau vụ nổ, nhưng thật may có Thượng tá Đáp, có Báo CAND... đã giúp cho em "sống lại thêm một lần nữa" - Thơ cảm động chia sẻ.
Mới đây, Thơ còn vinh dự là một trong số 30 tấm gương "Người tốt việc tốt" trong tổng số 6.000 người khiếm thị của TP Hà Nội năm 2022. Đồng thời, Thơ cũng đã kết nối được một số câu lạc bộ thiện nguyện đến tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác...