“Nếu không nhờ sự cưu mang, không biết mấy mẹ con tôi giờ ra sao?” (kỳ 1)
“Nếu không nhờ sự quan tâm, cưu mang, bảo bọc ấm áp của chính quyền, ban ngành đoàn thể, trường học, và của nhiều người tốt khác, mẹ con tôi không biết giờ ra sao nữa”, chị Quốc nghẹn ngào cho biết...
Đại dịch COVID-19 đi qua, toàn TP Đà Nẵng có hơn 1.500 trẻ mồ côi bố hoặc mẹ và cả bố mẹ, trong đó hàng trăm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại phường Nại Hiên Đông – địa danh gắn với nhiều câu chuyện lịch sử nằm bên vịnh Đà Nẵng, thuộc quận Sơn Trà, con số trẻ mồ côi do COVID-19 và nguyên nhân khác vọt lên hơn 50 trường hợp, trở thành một trong những địa phương cấp xã, phường có số trẻ mồ côi cao nhất nhì của thành phố bên sông Hàn. Khi biết thực tế này, nhiều nhà hảo tâm, trong đó có doanh nghiệp từng đồng hành hàng chục năm qua với Báo CAND đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho 10 trường hợp từ nay cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi…
Chiều muộn một ngày cuối tháng 7/2023, khi PV Báo CAND tìm đến căn hộ nhỏ cũ kỹ ở tầng 5 Chung cư C2 – Nại Hiên Đông (nằm trên đường Dương Văn Nga, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng là lúc chị Nguyễn Thị Quốc đang sửa chiếc áo của khách. “Chắc mấy hôm nay cháu ngoại về bên nhà nội chơi nên chị ấy rảnh tay, nhận đồ của khách về làm thêm”, tôi đoán sau khi nghe sơ qua lời kể từ một cán bộ phường. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn đúng như thế. Công việc chính của người phụ nữ chịu thương, chịu khó này không phải chỉ là sửa quần áo cho khách mà là quét dọn, vệ sinh cho một vài block chung cư trên địa bàn phường. “Từ hôm thi cử rồi, hai nhóc con phụ mẹ quét bụi, xách nước, tôi thì dọn dẹp, lau chùi”, chị Quốc tạm dừng tay, kéo ghế mời khách rồi cho biết thêm.
“Nhóc con” mà chị Quốc vừa nhắc là hai cháu Lưu Văn Quốc Bình và Lưu Văn Quốc An. “Bình sinh 2008, là em. An lớn hơn 1 tuổi nhưng học cùng lớp với em. Thi vào lớp 10 vừa rồi, An được gần 44 điểm, dư điểm vào Trường THPT Tôn Thất Tùng. Còn An, do chỉ được 33,88 điểm nên tôi đăng ký cho cháu vào hệ vừa học vừa làm của Trường Cao đẳng nghề Lương thực thực phẩm TP Đà Nẵng”, người phụ nữ có khuôn mặt tròn trĩnh, phúc hậu, án mắt đượm buồn kể thêm về việc học của hai con trai mình.
Theo lời kể, lúc còn sống, anh Lưu Văn Minh - chồng chị Quốc là thợ mộc, thợ điện. Là hộ nghèo đặc biệt khó khăn, phải ở nhà thuê, dời hết chỗ nọ tới chỗ kia. “Nhà có 6 miệng ăn, nheo nhóc lắm. Lúc ông xã vào bệnh viện khám và phát hiện bị ung thư, tôi phải 4 lần chạy đi mượn tiền mới đủ trả chi phí khám”, chị nhớ lại. Trụ cột của gia đình không còn, mấy mẹ con chị càng vất vả hơn. Bình và An lúc đó mới chuẩn bị vào lớp 1, vậy mà đã làm quen với những bữa ăn chỉ cơm trắng với rau muống luộc.
Kể thêm về những ngày tháng đau buồn cách nay hơn chục năm, người phụ nữ đơn thân gốc ở vùng quê thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam không cầm được nước mắt. Chồng mất sớm là điều bất hạnh lớn lao, để lại sự trống vắng, lạnh lẽo không gì bù đắp, thay thế được. Chỉ vào chiếc máy may cũ mà lâu nay chị vẫn dùng để sửa áo quần cho khách, kiếm tiền lo cho các con học hành, chị cho biết đó từng là tài sản lớn nhất của cả nhà. Vừa rồi, từ một chương trình nhân đạo, phường đã hỗ trợ chị 1 máy may mới, trị giá gần 10 triệu đồng.
“Nếu không nhờ sự quan tâm, cưu mang, bảo bọc ấm áp của chính quyền, ban ngành đoàn thể, trường học, và của nhiều người tốt khác, mẹ con tôi không biết giờ ra sao nữa”, chị Quốc nghẹn ngào và cho biết chị vẫn hay căn dặn các con mình, không còn cha thì càng phải hết sức cố gắng, để sớm ra khỏi diện nghèo, nhường sự quan tâm đó lại cho hoàn cảnh khó khăn hơn.
Được hỏi thêm về kết quả học lực của các cháu từ khi trở thành trẻ mồ côi cha, chị Quốc cho biết, trước đây, các con chị từng được danh hiệu học khá, giỏi nhưng năm cuối cấp, việc học có phần chựng lại. Xếp loại học lực của Bình, An chỉ trung bình. “Nhưng mà kết quả thi vừa rồi được vậy là tốt lắm rồi. Ba nó mà còn sống chắc cũng mừng lắm”, chị bộc bạch.
Với cuộc sống hiện tại, chị Quốc cho biết “sóng gió” đã dần qua, mấy mẹ con chị đỡ khổ hơn. Nói là “đỡ khổ” nhưng theo lời chị, mỗi ngày mới, mấy mẹ con phải rời nhà từ lúc tờ mờ sáng, đến giữa trưa mới xong việc. Mấy hôm nay, do phải lên phường dự tập huấn một dự án thoát nghèo bền vững, chị phải tranh thủ công việc dọn dẹp vệ sinh tại chung cư từ 4-5h sáng. “Hôm qua, tôi cùng một chị làm chung nhận thêm 1 block chung cư nữa, nghĩa là tổng thu nhập cho công việc tại 2 block, trừ chi phí phải mua các loại hóa chất vệ sinh, dụng cụ, mẹ con tôi mỗi tháng chắc được 3 triệu đồng”, chị nói trong niềm vui.
Theo lời Phó chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Phan Thùy Dung, chị Quốc có 4 đứa con. Con gái lớn (SN 1991) đã có chồng nhưng cũng vất vả nên chị phải phụ con trông cháu ngoại. Con gái kế (SN 2005) vừa xong lớp 12, chuẩn bị vào đại học, thương mẹ nên có hôm đi phụ quán bán trà sữa, hôm khác thì phát thuê từng tờ rơi. Hai “nhóc con” Bình, An thì chuyện đã kể. Trước khi chúng tôi ra về, như chợt nhớ, chị Quốc cho biết hôm trước, An đi xin làm công việc bưng bê cho một quán hủ tíu. Nhưng chắc có thể biết An còn độ tuổi trẻ em nên chủ quán không dám nhận…
Chị Quốc được quan tâm giải quyết cho thuê căn hộ này một phần do hộ nghèo, một phần do chị nằm trong số hơn 60 trường hợp “mẹ đơn thân”, có hoàn cảnh rất khó khăn. Đây cũng là chính sách khá đặc biệt tại “Thành phố 5 an”. Hoàn cảnh của các con chị Quốc chỉ là một trong số những hoàn cảnh nằm trong danh sách thống kê trẻ mồ côi của chính quyền phường Nại Hiên Đông. Trên địa bàn này còn nhiều trường hợp cần được sự chia sẻ, giúp đỡ. Chẳng hạn như ở Tổ 96, có cháu Trần Văn An (SN 2009). Sau khi cha mất, An sống cùng mẹ bằng công việc buôn thức ăn đường phố, thu nhập rất bấp bênh, trong khi anh trai và hai chị gái của cháu lại chưa có việc làm ổn định. Còn Trần Thủy Tiên (SN 2010, ở Tổ 39), sau khi mẹ mất, cha đi cai nghiện tập trung, cháu cùng em gái bám víu vào thu nhập rất bấp bênh của người bác ruột làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy. Với hai chị em Võ Lê Nhật Trung (SN 2010) và Võ Hoàng Bảo Trâm (SN 2014), sau khi mẹ mất, cha ở riêng, 2 cháu phải ở cùng ông bà ngoại đã già yếu lại nay ốm, mai đau. Ở các Tổ 12, 98 và 83, có các cháu Mai Đăng Hữu Nghĩa (SN 2010); Nguyễn Thị Tường Vy (SN 2007); Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 2009). Sau khi cha mất, mẹ của các cháu càng vất vả hơn với công việc của công nhân hoặc người làm thuê để vừa kiếm tiền lo cho cả nhà, lo cho các cháu học hành.
“Khi bị mồ côi, cuộc sống của các cháu bị ảnh hưởng, xáo trộn nghiêm trọng. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là làm sao việc học hành của các cháu không bị dở dang. Mừng là hầu hết các cháu và người thân đã không gục ngã mà vẫn vượt lên. Kết thúc năm học vừa rồi, có nhiều cháu đạt được danh hiệu học giỏi, học sinh xuất sắc”, lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông vui mừng thông tin thêm.
Chiều 26/7 vừa qua, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải cho biết, trên địa bàn phường vừa có thêm 2 trẻ mồ côi khi người mẹ trẻ xấu số - chị H.T.B.N (SN 1995) vừa qua đời. Chị N là vợ anh Nguyễn Ánh Tây (SN 1991). Hai vợ chồng anh Tây tạm trú tại nhà cha mẹ vợ, tại chung cư Blue House (phường Nại Hiên Đông). Để nuôi mấy miệng ăn, hàng ngày, anh Tây làm nghề thợ lặn, còn chị N làm công nhân may. Con lớn của hai vợ chồng là cháu Nguyễn Huỳnh Ngọc Nhã Uyên (SN 2013, học sinh lớp 4/2, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện).
“Mới đây, khi sinh đứa con thứ hai, do sinh khó nên các bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật nhưng chị không qua khỏi. Chị N đã như thế nhưng hiện cháu bé sơ sinh đang được Bệnh viện Phụ sản - Nhi chăm sóc, tiên lượng xấu, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, khu dân cư và các nhóm từ thiện ở địa phương đã tổ chức vận động, hỗ trợ tiền viện phí, mai táng và giải quyết các khó khăn trước mắt”, ông Cao Đình Hải cho biết.
Trước khi phát sinh 2 trường hợp trẻ mồ côi vừa kể, toàn phường Nại Hiên Đông có 53 trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha và mẹ do tác động của dịch COVID_19 hoặc do các nguyên nhân khác, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thời gian qua, khi biết được các hoàn cảnh đáng thương, đã có nhiều nhà tâm đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho hàng chục trường hợp.