Tiếp sức học trò khó khăn
Thấu hiểu nỗi lo của những hoàn cảnh khó khăn khi năm học mới bắt đầu, tại Bến Tre, trong những ngày qua, nhiều hoạt động tiếp sức, hỗ trợ nhằm động viên, cổ vũ các em tiếp tục hành trình "đi tìm con chữ", nỗ lực học tốt để viết tiếp những ước mơ cho tương lai.
Tiếp sức nhà nông cho con đến trường
Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã An Hiệp (huyện Ba Tri, Bến Tre), vợ chồng anh Nguyễn Văn Điệp (sinh năm 1976) chủ yếu sồng bằng nghề nông. Ít đất sản xuất và không có vốn nên nhiều năm "cái nghèo cứ bám riết", anh Điệp phải tranh thủ đi làm thuê quanh vùng kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.

Anh chia sẻ, công việc bấp bênh nên việc học của 2 con cũng bị ảnh hưởng, có lúc tưởng chừng như phải dừng lại. Tuy nhiên, các con vẫn cố gắng học hành chăm chỉ để không phụ sự vất vả của bố mẹ.
Gia đình anh Điệp được chọn tham gia mô hình nuôi gia cầm trong chương trình "tiếp sức nhà nông cho con đến trường" tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2022. Có nguồn vốn hỗ trợ 20 triệu đồng trong vòng 2 năm không tính lãi, vợ chồng anh bắt đầu nuôi 1.000 con gà, vịt. Năm 2021, gia đình thu lãi khoảng 15-20 triệu đồng. Hiện, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm 1.000 con, trong đó có hơn 500 gà đẻ trứng. "Từ đầu năm đến nay, trứng gà có giá cao và ổn định, dự kiến có lãi sẽ khá hơn" - anh Điệp phấn khởi chia sẻ.
Anh Điệp cho biết, chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" giúp kinh tế gia đình từng bước ổn định, cũng là "cứu cánh" của các con anh được tiếp tục ước mơ. Càng phấn khởi hơn, trong những ngày đầu tháng 9/2022, hai con của anh có tên trong danh sách 24 học sinh là con của 20 hộ nông dân nghèo, cận nghèo có thành tích học tập tốt năm học 2021 - 2022, được nhận học bổng do Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp báo Tuổi trẻ và Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam trao.
Ông Trần Dương Thuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết, "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" là chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong vòng 2 năm cho những hộ nông dân khó khăn nhưng chí thú làm ăn, có con vượt khó học giỏi, nhằm giúp các gia đình có vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế, có thêm điều kiện giúp con em không phải bỏ học giữa chừng. Hiện, Bến Tre có 20 hộ khó khăn tại xã An Bình Tây và An Hiệp (huyện Ba Tri) được thụ hưởng vốn vay từ chương trình này.
Sau khi được xét chọn tham gia chương trình, mỗi hộ nông dân được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng không lãi suất, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các hộ nông dân còn được chương trình hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình vay. Ngoài ra, chương trình còn trích thưởng 20% vốn cho các hộ nông dân chăn nuôi có hiệu quả và hoàn vốn đúng hạn.
Hằng năm, chương trình tổ chức khen thưởng học sinh, sinh viên là con của các hộ nông dân tham gia chương trình có thành tích học tập khá, giỏi, đỗ chuyển cấp, cao đẳng, đại học với số tiền từ 500.000 – 3.000.000 đồng/em. Đây là động lực, điều kiện để các em phấn đấu, chăm ngoan học giỏi.
Viết tiếp ước mơ cho học sinh nghèo
Khuyết tật chân từ bé, suốt những năm qua, em Nguyễn Thị Cẩm Nhung (sinh năm 2002) ở huyện Thạnh Phú - sinh viên năm thứ 2, ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Tôn Đức Thắng, luôn nhận được sự đồng hành của Quỹ học bổng Nhân Thiện.
Cẩm Nhung xúc động kể: em sinh ra trong gia đình khó khăn, người em thứ hai 16 tuổi nghỉ học ở nhà phụ ba mẹ, em út đang học lớp 5. Mặc cảm với bản thân không lành lặn, tự ti vì kinh tế gia đình khó khăn, nhiều lúc em đã có ý định bỏ học. Với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ vật chất đến tinh thần, trong nhiều năm liền Quỹ học bổng đã giúp em có động lực, niềm tin tiếp bước đến trường.
Còn đối với Cao Thị Mai Thy (sinh năm 1993), Quỹ học bổng Nhân Thiện là "cánh cửa thần kỳ" giúp em thay đổi cuộc đời. Với cô gái sống nương nhờ vào bà ngoại từ bé trong túp lều nhỏ, chật vật chạy cơm từng bữa, giấc mơ đi học và đến giảng đường đại học đã từng quá xa xỉ.
Thời điểm cầm giấy báo trúng tuyển Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh trên tay cũng là lúc Mai Thy suy nghĩ đến việc phải khép lại giấc mơ, đi làm công nhân kiếm tiền phụ ngoại. May mắn là em nhận được học bổng hỗ trợ trong suốt 4 năm đại học (từ năm 2011 đến 2015). Sau đó, may mắn lần nữa, Mai Thy được Quỹ giúp vốn trang trải học phí khi vừa học, vừa làm trong quá trình học Thạc sĩ từ năm 2018 – 2019. Hiện, Mai Thy là Giảng viên Khoa Tiếng Anh, Đại học FPT Cần Thơ.
Theo giảng viên trẻ này, chỉ có học tập mới có thể thay đổi cuộc đời. Mai Thy tâm nguyện sẽ ra sức phấn đấu làm việc để trở thành người hữu ích cho xã hội, cùng Quỹ học bổng Nhân Thiện tạo thêm nguồn năng lượng tích cực cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đó như một lời cảm ơn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ trong lúc nguy khó nhất, để em có điều kiện và động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập, có được tương lai tươi sáng
Ông Trần Công Ngữ - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nhân Thiện chia sẻ, Quỹ được thành lập vào ngày 21/7/2011, hướng đến các đối tượng như mồ côi, nghèo, khuyết tật có nguy cơ bỏ học giúp các em có ý chí học tập. Qua 10 năm hoạt động, Quỹ đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, học tập và rèn luyện. Nhiều em đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, cử nhân, có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống; là con ngoan, trò giỏi, thành tích học tập, đạo đức tốt...
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nhân Thiện cho biết thêm, Quỹ đã nhận được sự đồng hành của trên 400 lượt tổ chức, cá nhân với hơn 51,5 tỷ đồng, trên 1,6 triệu quyển vở, 1.031 xe đạp… Với nguồn vận động này, Quỹ đã trao tặng 38.934 suất học bổng cho học sinh, sinh viên, tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, nhằm động viên các sinh viên tiếp tục học và có ý thức tích lũy, tiết kiệm sau khi ra trường, Quỹ học bổng Nhân Thiện đã cho 45 sinh viên vay không lãi suất, với tổng số tiền 353 triệu đồng.
Theo ông Trần Công Ngữ, trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, Quỹ phấn đấu tiếp tục vận động từ 2 - 3 tỷ đồng/năm, riêng các huyện và thành phố, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh vận động từ 3 - 4 tỷ đồng/năm (kể cả tiền trợ cấp, tập vở, xe đạp và học phẩm). Quỹ cho sinh viên vay không lãi từ năm học thứ 2 trở đi lên, ở mức 4 triệu đồng/em/năm. Mức học bổng được hỗ trợ học sinh ở cấp Tiểu học là 1 triệu đồng/suất; Trung học cơ sở lên 2 triệu đồng/suất; Trung học Phổ thông lên 2,5 triệu đồng/suất; sinh viên mới vào năm thứ nhất Cao đẳng, Đại học là 6 triệu đồng/suất.
Riêng trong năm học 2022 – 2023, Quỹ học bổng đã tiếp nhận hơn 2,1 tỷ đồng cùng 32 nghìn quyển vở. Theo dự báo nhu cầu, Quỹ trao 704 suất học bổng cho học sinh Trung học cơ sở, 504 học sinh Trung học phổ thông, 10 tân sinh viên và cho 40 em vay không lãi suất. Riêng ở bậc Tiểu học, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Thạnh Phú phụ trách cấp học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.