Đắng lòng những kẻ bán con…
TAND tỉnh Bình Dương vừa mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo phần đông là những bà mẹ vì nhiều hoàn cảnh, lý do đã bán chính đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau.
Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo luôn cúi mặt, nghẹn lời thể hiện sự ăn năn, hối hận. Nhưng tất cả đã qua muộn màng và họ phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình, vì mờ mắt trước đồng tiền đã can tâm vứt bỏ tình mẫu tử…

Có 2 bị cáo bị cáo buộc mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là Nguyễn Thị Ngọc Như và Chu Thị Cúc Phương. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Ngọc Như và Chu Thị Cúc Phương không có việc làm nên thường truy cập vào nhóm "Hội nhóm cho và nhận con nuôi" của mạng xã hội Facebook tìm những người phụ nữ mang thai nhưng không muốn nuôi con nhằm mục đích mua những đứa trẻ rồi bán lại cho những người có nhu cầu mua con nuôi.
Ngoài ra, Như và Phương lên mạng Internet đặt làm giả các loại giấy tờ nhằm hợp thức hóa cho người mua con nuôi. Tùy theo từng trường hợp, các bị cáo thu lợi bất chính số tiền từ 2 đến 7 triệu đồng/bé. Bằng cách thức trên, từ tháng 11/2021 đến cuối tháng 8/2022, Nguyễn Thị Ngọc Như mỗi bị cáo thực hiện 5 vụ mua bán trẻ.
Chu Thị Cúc Phương (SN 1982; quê Khánh Hòa) có chồng và 3 con nhưng đã chia tay chồng từ năm 2019. Thời điểm này Phương làm nấu ăn trong một khách sạn ở Nha Trang để nuôi con ăn học và chung sống như vợ chồng với một người đàn ông quê ở Đắk Nông.
Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, Phương bị mất việc nên gửi lại con cho hai bên nội, ngoại nuôi dưỡng còn mình cùng người tình trôi dạt vào tỉnh Bình Thuận để tìm kế sinh nhai. Người tình của Phương làm công trình xây dựng còn Phương nấu cơm bán cho các thợ hồ ở công trình… Đến sau đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đôi tình nhân lại mất việc nên quyết định về Đắk Nông để "làm lại từ đầu". Người tình của Phương làm công cho các chủ vườn cà phê, còn Phương ở nhà lo nội trợ. Thời gian rảnh rỗi ở nhà, Phương truy cập mạng xã hội như Facebook, Zalo thì phát hiện có rất nhiều hội nhóm "cho và nhận con nuôi" nên nảy sinh ý định làm môi giới…
Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, quê TP Hồ Chí Minh) có 2 đời chồng. Người chồng thứ nhất có với nhau một đứa con. Khi chia tay, Như giao con cho chồng nuôi. Không bao lâu sau thì "đi thêm bước nữa" và có thêm 3 người con. Đến khi vừa mang bầu đứa con thứ 4 thì gia đình xảy ra lục đục nên Như dẫn theo đứa con nhỏ nhất ra đi và làm công nhân gỗ ở Bình Dương để kiếm sống qua ngày. Đến khi đứa con thứ tư mang bầu được hơn bảy tháng thì Như nghỉ việc.
Túng quẩn, Như bán đứa con của mình. Sau khi bán con, Như quay lại tiếp tục làm công nhân xưởng gỗ không được bao lâu thì xảy ra dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4. Sau dịch, mất việc làm, Như nảy sinh ý định làm môi giới mua bán trẻ sơ sinh. Thế là Như lân la đến các bệnh viện phụ sản móc nối với các nhân viên, điều dưỡng ở bệnh viện để tìm những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn để hỏi "mua". Sau đó Như lên các hội nhóm trên mạng xã hội để rao bán trẻ….
Nhóm bị cáo khi truy tố về tội mua bán người dưới 16 tuổi gồm Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Thùy Dương, Nguyễn Thị Kim Loan, Châu Gia Hân, Lê Thu Hiền và Phạm Thị Hương. Điều đáng nói là các bị cáo này đã bán chính đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Nguyễn Thị Mai (quê Tiền Giang) có chồng và một đứa con. Sau khi chồng qua đời, Mai về ở cùng mẹ ruột ở Long An và làm nghề tiếp thị bán hàng. Trong một lần đi nhậu cùng đồng nghiệp, Mai đã quan hệ tình dục với một người đàn ông trong nhóm. Sau đó Mai phát hiện mình có mang. Không muốn nuôi đứa trẻ, Mai đem con bán cho như với số tiền 35 triệu đồng.
Lê Thị Ngọc Thắm (ngụ Tân Hưng, Long An) có đến 3 mặt con và 2 đời chồng đều không có hôn thú. Người chồng trước của Thắm đã bỏ đi để lại 2 đứa con thơ dại. Thắm đưa con về ở cùng mẹ ruột, làm nghề buôn bán cá khô để kiếm sống. Không bao lâu sau, Thắm sống như vợ chồng với một người đàn ông khác và mang bầu đứa thứ 3. Không muốn nuôi đứa con này nên Thắm liên hệ và bán cho Như với giá 20 triệu đồng.
Đồng hương với Thắm là Nguyễn Thị Kim Loan, SN 1989. Loan cũng có chồng và 4 đứa con nhưng đến năm 2020 thì hai người ly thân và chia đều số con để nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Loan giao cho cả hai con cho mẹ chồng và mẹ ruột chăm nuôi, còn mình ra đi một mình và làm thuê kiếm sống. Sau đó Loan quen với người đàn ông quê ở Huế và có mang đứa thứ 5. Khi hay tin Loan có bầu, người này viện lý do Loan chưa ly dị với chồng cũ nên đã vứt áo ra đi. Không có tiền lo cho con sinh nở, Loan liên hệ với Như để "bán lúa non" đứa con với giá 37 triệu đồng…
Trái ngược với những bà mẹ bán con là các bị cáo có hành vi mua người dưới 16 tuổi và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức gồm Đàm Phượng Hoàng Quyên, Nguyễn Nguyệt Ánh, Trần Minh Khá, Trương Thị Minh Thùy và Phan Thị Thanh Xoa. Mỗi người mỗi lý do, vì hiếm muộn, vì bệnh tật… họ khao khát có được một đứa con để nuôi nấng thương yêu để rồi phải rước bao rắc rối.
Khoảng cuối tháng 12/2022 Nguyễn Thị Ngọc Như mua con trai 2 tuần tuổi của Lê Thị Ngọc Thắm và bán lại cho Trần Minh Khá, Cao Kiên Giang với giá 40 triệu đồng. Khi mua con Khá yêu cầu là phải đủ thủ tục giấy tờ để làm giấy khai sinh nên khi giao nhận bé, Như giao cho Khá 1 giấy chứng sinh tên Lê Thị Ngọc Thắm và 1 sổ tiêm chủng. Ngày 30/12/2021, Khá đến Ủy ban nhân dân xã Thuận Hòa để làm khai sinh cho bé trai nhưng không được nên gọi cho Như yêu cầu phải có giấy biên bản giao nhận con nuôi để Khá làm thủ tục khai sinh cho bé, Như đặt làm giả gửi cho Khá một giấy bản cam kết về việc cho con làm con nuôi, giấy biên bản giao và nhận con nuôi không để tên người nhận con nuôi. Sau đó Khá đến UBND xã Thuận Hòa và làm khai sinh cho bé lấy tên là C.T.A.Kh.
Khoảng tháng 7/2022, Chu Thị Cúc Phương mua con của Nguyễn Thị Ngọc Mai rồi bán cho anh Trần Viết Bửu Long và chị Trương Thị Minh Thùy với số tiền 40 triệu đồng. Khi mua đứa trẻ, Trương Thị Minh Thùy yêu cầu phải kèm theo 1 giấy chứng sinh giả của Bệnh viện đa khoa tâm trí Sài Gòn với số tiền 2,5 triệu đồng. Thùy đem giấy chứng sinh giả này để khai sinh cho con lấy tên Tr.P.B.A…
Phiên tòa xét xử vụ án trên diễn ra vào ngày 17/5/2024. Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Bình Dương đã đề nghị mức án 21-24 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Như; 22-23 năm tù đối với bị cáo Chu Thị Cúc Phương. Nhóm bị cáo bán con bị đề nghị từ 6-13 năm tù; các bị báo trong nhóm mua trẻ bị đề nghị mức án từ 6-12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Hoàng Quyên bị đề nghị xử phạt hành chính 30 triệu đồng về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Phiên tòa dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 21/5/2024.