Hậu quả khôn lường khi xem người nghiện ma túy là bệnh nhân (bài cuối)
Ma tuý đã thật sự trở thành mối lo chung cho toàn xã hội bởi những tác hại ghê gớm của nó. Một trong những nguyên nhân ngày càng có nhiều người nghiện là do việc xử lý hành vi của người sử dụng như hiện nay là chưa đủ sức để răn đe…
Điều 199, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 3 tháng đến hai năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”. Với quy định nghiêm khắc như vậy, những người trót lỡ dại vướng vào ma túy (bị lôi kéo, dụ dỗ) luôn nỗ lực, cố gắng thoát nghiện nếu không phải chịu cảnh tội tù. Còn những kẻ tự tìm đến ma túy thì lén lút sử dụng để tránh bị phát hiện và cố gắng tuyệt giao với ma túy sau khi bị xử lý hình sự lần đầu.
Kể từ thời điểm Bộ luật Hình sự 1999 có hiệu lực, những người nghiện hút chẳng dám hút chích công khai, nhất là sau khi đã có “tiền án, tiền sự” về tội danh này. Từ đó, tình hình mua bán, sử dụng trái phép ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng được kiểm soát, kéo giảm.
Đến năm 2008, có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều 199 Bộ luật Hình sự, theo đó không xem người nghiện ma túy là tội phạm hình sự. Một số Đại biểu Quốc hội lúc bấy giờ thẳng thừng phản đối. Có đại biểu cho rằng “sẽ là thảm họa quốc gia nếu bỏ hoặc sửa điều 199”. Tuy nhiên sau đó, Quốc hội đã bãi bỏ điều 199, chính thức xem người nghiện là bệnh nhân từ ngày 1/1/2010. Chỉ xử lý hành chính, con nghiện như được “sổ lồng”, tha hồ hút chích.
Tại TP Hồ Chí Minh, những nơi công cộng như công viên Phú Lâm (giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận 6), cầu Chà Và, công viên Văn Lang, công viên Gia Định, ngã tư An Sương… lúc nào cũng có hàng chục con nghiện chiếm ghế đá, gốc cây làm chỗ ngủ và tha hồ tiêm chích ma túy. Ngay cả lực lượng chức năng cũng e dè khi xử lý các đối tượng này vì hầu hết các con nghiện đều đã bị nhiễm HIV. Nếu bị chúng tấn công bằng kim tiêm, dao lam… thì buộc phải điều trị phơi nhiễm HIV.
Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép TP triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc trở lại nhưng cũng chỉ giới hạn đối tượng người không có nơi ở ổn định. Trước đó, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện. Nghị định này còn quy định việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định đã kéo dài thêm thủ tục gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật và dễ tạo điều kiện cho con nghiện bỏ trốn trước khi bị đưa đi.
Trong 10 năm đầu kể từ khi bãi bỏ điều 199, theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, điều tra khám phá 15.553 vụ, bắt 32.487 đối tượng, khởi tố 15.847 bị can, thu giữ 592,943kg heroin; hơn 2.788kg ma túy tổng hợp; 154,784kg cần sa... Cũng trong giai đoạn này, Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ 188 khẩu súng và hơn 2.500 viên đạn các loại liên quan đến tội phạm ma túy, cao gấp 5 lần so với 10 năm trước đó, khi chưa bãi bỏ điều 199. Cũng trong những năm nay, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ tăng bình quân hằng năm hơn 100%.
Ở các địa phương khác như Bình Dương chẳng hạn, số lượng ma túy tổng hợp thu giữ cũng tăng vọt hằng năm. Trong 4 năm (2020-2023) Công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa 2.565 vụ phạm tội về ma túy, tăng 24,5% so với 4 năm liền kể trước đó, bắt 4.899 đối tượng. Tổng số ma túy thu giữ hơn 104kg, tăng gần 500% so với giai đoạn liền kề, ngoài ra còn thu giữ 24 khẩu súng, 65 viên đạn, 2 quả lựu đạn và 476 triệu đồng.

Đến cuối năm 2019, Việt Nam có gần 240 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 60% so với năm 2009. Án về ma túy của năm 2019 cũng tăng 77% so với năm 2008. Theo thống kê từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) vào tháng 10/2024 thì có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25… Từ những con số biết nói đó đã nói lên rằng, sự nhân đạo xem con nghiện là bệnh nhân đã thật sự cản bước cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy dẫn đến hậu quả nặng nề do con nghiện gây ra như thời điểm hiện nay.
Khi được hỏi có nên xem người nghiện là bệnh nhân không, rất nhiều người mà chúng tôi gặp đều trả lời là không chẳng chút do dự. Bởi hằng ngày, qua thực tế địa phương nơi họ sống, qua thông tin trên các báo đài, mạng xã hội… họ đã chứng kiến biết bao hình ảnh con nghiện gây án, kẻ ngáo đá “quậy tưng” nơi công cộng, hút chích ma túy công khai giữa đường… đe dọa đến cuộc sống an bình của hàng chục triệu người dân. Nhiều người còn thẳng thừng rằng, những người tìm đến ma túy là ý thức chủ quan, tự mình tìm đến vì muốn được “hưởng thụ”, muốn tìm “cảm giác lạ” nên không thể xem là người bệnh được. Mặt khác, thứ mà họ sử dụng là chất cấm, là sử dụng trái phép thì cần phải xử lý hình sự để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiện ma túy là một loại bệnh về tâm thần. Tuy nhiên, có thể nói đây là một loại bệnh rất đặc biệt vì nó khác với các bệnh thông thường khác. Trong thực tế, sự khác biệt cơ bản của “bệnh ma túy” so với các loại bệnh khác chính là người bệnh (người nghiện) không muốn hoặc rất ít người muốn chữa lành bệnh cho mình mà thậm chí ngày càng muốn mình được bệnh nặng hơn. “Các loại bệnh thông thường do ngẫu nhiên người bệnh mắc phải, còn bệnh nghiện ma túy đa số là do họ tự nguyện chấp nhận dù biết trước hậu quả sẽ rất nặng nề” - một chuyên gia trong lĩnh vực này nêu ý kiến.
Vào năm 2019, Bộ Công an cũng đã từng đề xuất khôi phục điều 199. Tại các cơ sở cai nghiện, có thể thấy đa số học viên cai nghiện đều đã cai nhiều lần, có người tới hàng chục lần. Chấp hành xong biện pháp cai nghiện bắt buộc, về gia đình và cộng đồng, họ lại quay về với ma túy. Bên cạnh đó, càng ngày các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy càng lớn về quy mô số người tham gia và số lượng ma túy từng vụ. Mặt khác, ở một số nước tiên tiến trên thế giới vẫn áp dụng một số hình thức xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy.
Hàng loạt đường dây ma túy khủng bị triệt phá trong thời gian vừa qua là một thực tế chứng minh. Không những vậy, những đối tượng người nước ngoài còn chọn Việt Nam làm nơi sản xuất ma túy. Vụ Chang Chun Ming (người Đài Loan, Trung Quốc) và 9 đối tượng khác vừa bị bắt giữ vì sản xuất trái phép chất ma túy xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa với số lượng tang vật thu giữ lên đến 1,4 tấn ketamine với độ tinh khiết rất cao đã nói lên tính chất nghiêm trọng của tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam.
Trong nhiều lần trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bình Dương đều mong muốn rằng điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 được khôi phục. Theo ông, chỉ có biện pháp xử lý đủ sức răn đe thì mới có thể giảm được người nghiện ma túy. Giảm nguồn cung thì ắt cầu cũng sẽ giảm và tất nhiên các loại tội phạm hình sự khác liên quan đến người nghiện cũng sẽ kéo giảm theo….