Phòng ngừa trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Công an tỉnh Thanh Hoá ví như "liều vaccine" quan trọng, giúp trẻ vị thành niên tăng sức đề kháng mạnh mẽ trước tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong đời sống xã hội.
Cuối năm 2023, tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa đã chọn nơi đây làm điểm thực hiện mô hình: "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật, gắn với ứng dụng tiện ích của VneID".
Theo Công an thị trấn Sao Vàng, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, mô hình đã và đang mang lại sự chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên, góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Tìm hiểu được biết, mục tiêu của mô hình nói trên là nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiện ích của VneID, sổ liên lạc điện tử, nền tảng mạng xã hội trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa lực lượng Công an cơ sở với gia đình, nhà trường; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và các tầng lớp nhân dân trong công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Trung tá Lê Như Tùng - Trưởng Công an thị trấn Sao Vàng cho biết: Để triển khai mô hình hiệu quả, ngay sau khi ra mắt, Công an thị trấn Sao Vàng đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy chế tổ chức, hoạt động của mô hình; phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong việc phối hợp triển khai, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nội dung hoạt động của mô hình. Trong đó, lực lượng Công an tổ chức rà soát lập danh sách toàn bộ số trẻ em, người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật trên địa bàn, phân công cụ thể từng trường hợp cho các Tổ mô hình chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Đồng thời, phối hợp với Ban giám hiệu các nhà trường và các gia đình có trẻ em, người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật để phối hợp quản lý, giáo dục.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Công an thị trấn Sao Vàng đã khẩn trương phối hợp rà soát, qua đó đã lập danh sách đưa vào diện quản lý, tuyên truyền, giáo dục gồm 22 em, trong đó trong đó, thị trấn Sao Vàng có 16 em; các địa phương khác nhưng học tập tại thị trấn là 6 em. Từ danh sách trên, Công an thị trấn Sao Vàng đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo mô hình đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của các em.
Điển hình là trường hợp em P.T.T.N (SN 2014), ở khu phố Xuân Hợp, thị trấn Sao Vàng có hoàn cảnh gia đình rất éo le. Bố mẹ li hôn từ khi em còn nhỏ, sau đó mẹ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, em ở với ông bà ngoại. Do thiếu sự quản lý chăm sóc của bố mẹ nên em đã bị rủ rê, lôi kéo chơi bời, không chịu học hành, hay tụ tập bạn bè, hút thuốc lá điện tử… Mặc dù đã được ông bà, thầy cô giáo nhiều lần nhắc nhở, khuyến cáo nhưng em N không có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào quản lý, được sự phối hợp giữa Công an, gia đình và nhà trường giáo dục hiện em đã tiến bộ chú tâm học hành, nghe lời ông bà, thầy cô.
Theo Trung tá Lê Như Tùng, tuỳ từng trường hợp, lực lượng Công an phối hợp với khối, xóm đến tận nơi tuyên truyền đặc biệt với các em, nếu em nào có tiến bộ thì mỗi tháng sẽ gặp gỡ tuyên truyền một lần, trường hợp nào chậm tiến thì có thể tăng lên nhiều buổi trong một tháng. Qua thời gian thực hiện mô hình, trong số 22 em đưa vào danh sách, có 20 em đã tiến bộ rất nhanh, 2 trường hợp không tiến bộ, Công an xã đưa vào diện quản lý thanh thiếu niên hư.

Ngoài biện pháp tuyên truyền trực tiếp từng đối tượng, Công an thị trấn Sao Vàng còn thông qua hệ thống loa truyền thanh tại cấp thôn, cấp xã; thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook; thông qua trao đổi tại các cuộc họp, hội nghị, gặp gỡ trực tiếp; thông qua sổ liên lạc điện tử; tuyên truyền trực tiếp tại các trường học, các buổi sinh hoạt ngoại khóa gắn với thường xuyên gặp gỡ cá biệt, tổ chức ký cam kết...
Từ đó, tuyên truyền, thông tin cảnh báo về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, đặc biệt là các thủ đoạn rủ rê, lôi kéo trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; hậu quả, tác hại và hình thức xử lý của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội như: Cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bạo lực học đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, nghiện game; các kỹ năng tự phòng chống, tự bảo vệ của trẻ em; các kỹ năng đê gia đình, nhà trường phát hiện những hành vi vi phạm của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và từng công dân trong công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sử dụng tiện ích "Tin báo" của ứng dụng VNeID để tổ giác, báo tin cho lực lượng Công an khi phát hiện hành vi vi phạm của trẻ em và người chưa thành niên, đồng thời tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại địa bàn...
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của mô hình, chỉ sau hơn 1 năm, mô hình "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích của VneID" trên địa bàn thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân đã giúp đỡ 20/22 trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật trên địa bàn tiến bộ. Từ khi triển khai mô hình đến nay, 22/22 trẻ em, người chưa thành niên không có hành vi vi phạm pháp luật, trên địa bàn không phát sinh thêm trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật mới.
Được biết, cùng với thị trấn Sao Vàng, mô hình "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật, gắn với ứng dụng tiện ích của VneID" còn được triển khai tại phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn; phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa và xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn. Sau 1 năm triển khai thực hiện, đã có 48/60 trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật trên 4 địa bàn đã có chuyển biến tốt. Đặc biệt, 100% trẻ em, người chưa thành niên không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và trên địa bàn không phát sinh thêm trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật mới.