Vấn đề pháp lý xung quanh vụ Hoa hậu Thùy Tiên xé giấy nợ và thắng kiện
Những ngày qua, sau khi Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt liên quan đến vụ án lừa dối khách hàng xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt và sản xuất hàng giả của Công ty Cổ phần tập đoàn Asian Life, dư luận đặc biệt chú ý đến đoạn clip ghi lại hành động của “nàng hậu” xé giấy nợ 1,5 tỷ đồng trước đó.
Câu chuyện pháp lý liên quan đến hành vi trên của Hoa hậu Thùy Tiên được người dân quan tâm, dù vụ án dân sự này đã xét xử và tuyên Thùy Tiên thắng kiện.

Luật sư Lê Hùng Vượng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đối với Hợp đồng vay tài sản, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Do đó, việc bên vay xé giấy vay nợ sẽ không làm chấm dứt hợp đồng vay trước đó và bên vay vẫn có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. Trường hợp này nếu bên cho vay có những bằng chứng khác như ghi âm, quay hình, tin nhắn, văn bản xác nhận khác,... thì đây có thể được xem là căn cứ đòi lại tiền cho vay.
Khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả thì bên cho vay có quyền tiến hành khởi kiện ra tòa án để đòi lại tiền, khi đó bên cho vay phải gửi kèm đơn khởi kiện và những chứng cứ chứng minh giao dịch cho vay và yêu cầu đòi lại tiền là có căn cứ và hợp pháp (Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Luật sư Lê Hùng Vượng phân tích, trở lại vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên như clip được công khai trên mạng và báo chí đưa tin, nếu đúng có việc hoa hậu Thùy Tiên có vay tiền thật thì hành động xé giấy vay nợ, thể hiện thái độ cho thấy người vay có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm trả nợ của mình. Theo đó, hành vi này có dấu hiệu vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ trả nợ nhưng cố tình không trả đối với khoản nợ từ 4.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1, điều 175 quy định “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Khi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay có quyền làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra để xem xét giải quyết căn cứ quy định như trên. Trường hợp cơ quan điều tra kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để thực hiện yêu cầu đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vụ việc này bà Đặng Thùy Trang khởi kiện tại tòa án và đã được tòa án tuyên hoa hậu Thùy Tiên thắng kiện vì người khởi kiện không chứng minh được việc giao nhận tiền.
Cụ thể, bản án phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh trước đó đã tuyên án vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản và tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Nguyễn Thúc Thùy Tiên (SN 1998, Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021) thắng kiện, không phải trả số tiền 1,5 tỷ đồng. Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ vụ án, cấp sơ thẩm xác định quan hệ giữa nguyên đơn là bà Đặng Thùy Trang và Thùy Tiên là tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng. Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng tranh chấp giữa bà Trang và Thùy Tiên là đòi tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tại phiên tòa, bà Trang nói đã giao số tiền 1,5 tỷ đồng cho hoa hậu Thùy Tiên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quan Trọng (bạn bà Trang) là người đứng tên trên hợp đồng vay. Về nội dung trên, HĐXX cho rằng, bà Trang không đứng tên trên hợp đồng vay tài sản nên không có quyền đòi. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án nhận định không có căn cứ xem xét nên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Theo nội dung vụ án, bà Trang cho rằng, tháng 6/2017, do cần tiền tham gia cuộc thi Hoa khôi Nam bộ 2017 nên Thùy Tiên chủ động tìm và vay của bà Trang số tiền 1,5 tỷ đồng, với mục tiêu lọt vào top 3 chung cuộc. Lo Thùy Tiên không có tiền trả, chồng bà Trang nhờ bạn là ông Nguyễn Quan Trọng đứng ra ký biên bản xác nhận nợ đề ngày 22/7/2017 với tư cách là bên cho Tiên vay tiền, còn bà Trang chỉ là người làm chứng. Sau đó, Thùy Tiên đã ký, điểm chỉ và ghi rõ đã nhận đủ tiền, thời hạn trả một năm.
Do Thùy Tiên nhiều lần không thanh toán, bà Trang có hẹn Tiên ra một quán cà phê để nói chuyện. Tại đây, lợi dụng bà Trang sơ hở nên Thùy Tiên tự ý giật giấy xác nhận nợ và xé. Sau đó, bà Trang khởi kiện yêu cầu Thùy Tiên trả khoản nợ gốc 1,5 tỷ đồng và bồi thường một số tiền liên quan đến tổn thất tinh thần. Khi đó, Thùy Tiên có thắc mắc về việc không được nhận tiền, bà Trang cho biết số tiền đó được bà đưa cho ban tổ chức cuộc thi. Khi Tiên liên hệ ban tổ chức cuộc thi và xác định không có sự việc này nên cô không đồng ý trả nợ.
Còn ông Trọng trình bày, đã ký vào giấy nhận nợ của Thùy Tiên. Sau đó, ông không đưa cho bà Trang hay Tiên một khoản tiền nào. Ông cũng không chứng kiến việc bà Trang đưa tiền cho Tiên. Ông đứng giúp trên giấy nợ cho bà Trang vì quan hệ bạn bè.