An ninh cáp biển toàn cầu bị đe dọa

Thứ Bảy, 26/07/2025, 10:29

Hệ thống cáp quang biển, vốn chịu trách nhiệm truyền tải gần như toàn bộ lưu lượng dữ liệu quốc tế, ngày càng đối mặt với nguy cơ bị can thiệp và gián đoạn. Bảo vệ an ninh hạ tầng thông tin dưới đáy đại dương đang trở thành một bài toán chiến lược mới trong kỷ nguyên số.

Mục tiêu mới của chiến tranh phi truyền thống

Theo thống kê từ Ủy ban Bảo vệ cáp biển quốc tế (ICPC), thế giới hiện có hơn 552 tuyến cáp quang biển, với tổng chiều dài lên tới 1,4 triệu km. Đây là hạ tầng đảm nhận gần như toàn bộ lưu lượng kết nối Internet xuyên biên giới, đóng vai trò huyết mạch trong vận hành hệ thống tài chính, liên lạc quốc phòng và điều phối hoạt động chính phủ ở nhiều quốc gia.

An ninh cáp biển toàn cầu bị đe dọa -0
Người nhái sửa chữa cáp quang biển tuyến châu Á - Bắc Mỹ.

Mặc dù mang tính sống còn đối với nền kinh tế số, cáp quang biển vẫn là hạ tầng dễ bị tổn thương. Các sự cố có thể phát sinh từ yếu tố thiên nhiên, va chạm tàu thuyền hoặc những hành vi can thiệp ngoài ý muốn. Báo cáo mới công bố ngày 17/7/2025 của hãng an ninh mạng Recorded Future cảnh báo, số vụ gián đoạn liên quan đến cáp biển đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các khu vực có địa hình phức tạp hoặc những vùng biển được coi là nhạy cảm về mặt chiến lược.

Trong vòng 18 tháng qua, thế giới liên tiếp ghi nhận nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến hệ thống cáp quang biển. Tại Bắc Âu, tuyến cáp kết nối Na Uy với quần đảo Svalbard ở Bắc Cực bị đứt vào đầu năm 2025, khiến dịch vụ viễn thông và truyền dẫn dữ liệu khí tượng tại khu vực này gián đoạn trong nhiều ngày. Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy cho biết vẫn đang điều tra nguyên nhân, đồng thời không loại trừ khả năng có yếu tố bên ngoài tác động.

Tại châu Á, từ tháng 5 đến tháng 7/2025, 3 tuyến cáp biển gần Đài Loan (Trung Quốc) liên tiếp gặp sự cố đứt gãy, ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ kết nối Internet quốc tế của khu vực. Sự gián đoạn này gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp phụ thuộc vào nền tảng số.

Ông John Hultquist, Giám đốc phân tích mối đe dọa tại Recorded Future nhấn mạnh: “Cáp quang biển là phần xương sống của mạng lưới thông tin toàn cầu, nhưng cũng là hạ tầng dễ bị tổn thương nhất. Khi xảy ra sự cố, hậu quả không chỉ dừng ở việc gián đoạn kết nối, mà còn tác động trực tiếp đến giao dịch tài chính, dịch vụ y tế, thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia”.

Thách thức an ninh phi truyền thống

Bên cạnh rủi ro từ yếu tố tự nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngày càng gia tăng khi các tuyến cáp biển có thể trở thành mục tiêu của các hành vi can thiệp kỹ thuật, thu thập dữ liệu hoặc gây gián đoạn có chủ đích.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào các phương tiện khảo sát biển sâu, bao gồm tàu ngầm không người lái (UUV), robot điều khiển từ xa (ROV) và các tàu khảo sát chuyên dụng có khả năng tiếp cận trực tiếp đáy đại dương. Những thiết bị này phục vụ mục đích nghiên cứu địa chất, môi trường biển, đồng thời giúp thu thập thông tin chi tiết về vị trí, cấu trúc và cách bố trí các tuyến cáp ngầm quốc tế.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt, việc thu thập dữ liệu liên quan đến hạ tầng dưới đáy biển mang lại lợi thế chiến lược đáng kể. Tuy nhiên, ranh giới giữa khảo sát khoa học và thu thập thông tin nhạy cảm là rất mong manh, đặc biệt khi các hoạt động này diễn ra tại vùng biển quốc tế, nơi cơ chế giám sát và quản lý còn nhiều hạn chế.

Ngoài nguy cơ gây gián đoạn dịch vụ, việc gắn các thiết bị thu thập dữ liệu vào tuyến cáp biển cũng là mối lo ngại hiện hữu. Lịch sử từng ghi nhận trường hợp điển hình là chiến dịch Ivy Bells của Mỹ trong thập niên 1970, khi các thiết bị thu âm được gắn vào cáp liên lạc của đối phương nhằm thu thập thông tin mật. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ biển sâu, các hành vi thao tác kỹ thuật với cáp quang dưới đáy biển có thể diễn ra với độ chính xác và mức độ tinh vi cao hơn, khiến việc phát hiện và giám sát càng trở nên khó khăn.

An ninh cáp biển toàn cầu bị đe dọa -0
Kéo cáp quang biển đòi hỏi công nghệ phức tạp, chuyên sâu.

Các chuyên gia nhận định, đây là một thách thức an ninh phi truyền thống, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và ngành công nghiệp viễn thông. Việc xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, tăng cường năng lực giám sát và bảo vệ hệ thống hạ tầng thông tin dưới đáy đại dương đang trở thành yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn cho kết nối toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Ông Greg Austin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cảnh báo: “Khi một tuyến cáp biển bị gián đoạn hoặc có dấu hiệu can thiệp tại vùng biển quốc tế, việc xác định nguyên nhân hay truy vết đối tượng liên quan là vô cùng phức tạp. Đây chính là một trong những lỗ hổng an ninh lớn nhất của hạ tầng kết nối toàn cầu hiện nay”.

Trước nguy cơ đó, Ủy ban Bảo vệ cáp biển quốc tế đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp, xây dựng khung pháp lý chung nhằm bảo vệ an ninh cho các tuyến cáp ngầm dưới biển. Cùng với đó, các cơ chế chia sẻ thông tin, giám sát tập thể và phản ứng nhanh đang được đề xuất như giải pháp cấp thiết để giảm thiểu rủi ro.

Giới chuyên gia nhận định, bảo vệ hệ thống cáp quang biển không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh mạng của mỗi quốc gia. Đảm bảo an toàn cho hạ tầng thông tin dưới đáy đại dương chính là bảo vệ huyết mạch của nền kinh tế số toàn cầu.

Thách thức này đòi hỏi nỗ lực chung của nhiều quốc gia, nhiều ngành, từ quân sự, công nghệ đến ngoại giao và pháp lý. Việc hành động sớm, chủ động và phối hợp hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định giúp duy trì sự ổn định và an toàn cho mạng lưới kết nối quốc tế trong tương lai.

Trần Minh
.
.