Xuất khẩu của Trung Quốc vượt dự báo

Thứ Bảy, 26/07/2025, 10:47

Xuất khẩu Trung Quốc tháng 6 tăng vượt dự báo, dẫn đầu là thép và đất hiếm. Đà phục hồi được hỗ trợ bởi thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ và nhu cầu ổn định từ Đông Nam Á, EU.

Xuất khẩu vượt kỳ vọng

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc ngày 14/7, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này trong tháng 6 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 5% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Kim ngạch nhập khẩu tăng 1,1%, không đạt dự báo tăng 1,3%, nhưng đánh dấu tháng tăng đầu tiên từ đầu năm tới nay, đảo ngược xu hướng giảm liên tục trước đó trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc ảm đạm.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm là 11,6% trong tháng 6, nhưng tốc độ giảm này đã chậm lại so với cú giảm 34% của tháng 5 nhờ Bắc Kinh và Washington nhất trí giảm thuế đối ứng cho nhau về 10% trong vòng 90 ngày. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 15,5% trong tháng 6, cũng chậm lại so với mức giảm 18% của tháng 5.

Trái ngược với xu hướng giảm ở thị trường Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận mức tăng tương ứng đạt 16,8% và 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ 2 khu vực này gần như đi ngang, chỉ tăng tương ứng 0,08% và 0,41%.

Xuất khẩu của Trung Quốc vượt dự báo -0
Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sôi động trong tháng 6.

Hồi tháng 5, Bắc Kinh công bố hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong đó có giảm lãi suất cho vay và gói vay lãi suất thấp cho các hoạt động liên quan đến tiêu dùng và chăm sóc người cao tuổi. Những chính sách này nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu. Trung Quốc vẫn trong quá trình hồi phục sau đại dịch và chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng bất động sản kéo dài. Tính chung nửa đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,9%, nhập khẩu đi lên 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt gần 586 tỷ USD, tăng 35% so với năm ngoái.

Vài tháng qua, chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc các hãng xuất khẩu Trung Quốc tăng tốc đa dạng hóa thị trường. Trong tháng 4 và 5, xuất khẩu của nước này vẫn sôi động nhờ bán hàng sang Đông Nam Á và châu Âu tăng vọt, bù lại sức giảm của thị trường Mỹ.

Đáng chú ý, hồi tháng 4, Mỹ có thời điểm áp thuế nhập khẩu lên tới 145% với hàng Trung Quốc. Một tháng sau, hai bên thống nhất trong 90 ngày, thuế nhập khẩu này sẽ giảm từ 145% xuống 30%. Tương tự, hàng Mỹ vào Trung Quốc được giảm thuế từ 125% về 10%. Các rào cản phi thuế quan sẽ được gỡ bỏ. Sau cuộc đàm phán lần 2 ở London, hai nước đạt thỏa thuận khung, hướng tới thỏa thuận thương mại bền vững hơn.

“Tăng trưởng giá trị xuất khẩu đã phục hồi phần nào trong tháng 6, nhờ thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, bà Zichuan Huang - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics chia sẻ với AFP.

Song, chuyên gia này cảnh báo: “Thuế quan nhiều khả năng vẫn ở mức cao và các nhà sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với những hạn chế ngày càng lớn trong việc mở rộng thị phần toàn cầu bằng cách hạ giá bán. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong những quý tới, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”.

l Xuất khẩu thép, đất hiếm phục hồi

Một trong những điểm sáng  là sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu nam châm đất hiếm. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 6, nước này xuất khẩu 3.188 tấn nam châm đất hiếm ra toàn cầu, tăng 157% so với tháng 5. Các nước mua nhiều sản phẩm này trong tháng 6 lần lượt là Đức, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan. Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn thấp hơn 38%.

Riêng xuất khẩu sang Mỹ đạt 353 tấn, tăng tới 660%, nhờ thỏa thuận thương mại tháo gỡ các rào cản đối với mặt hàng này, đánh dấu sự hồi phục mạnh sau khi hai nước đạt thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận hồi tháng 6 đã giải quyết vấn đề liên quan đến việc bán đất hiếm và nam châm đất hiếm vào Mỹ. Hãng chip Mỹ Nvidia đã lên kế hoạch bán lại chip AI H20 AI sang Trung Quốc.

Giới phân tích cho biết xuất khẩu nam châm đất hiếm có thể tiếp tục tăng trong tháng 7, khi thêm nhiều hãng được cấp giấy phép. Tổng cộng nửa đầu năm 2025, xuất khẩu nam châm này giảm gần 19% so với năm ngoái, còn 22.319 tấn.

Ngoài ra, xuất khẩu thép cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh bất chấp các biện pháp bảo hộ của Mỹ và EU. Trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu hơn 9,7 triệu tấn thép, tăng hơn 10% so với tháng trước. Quý II, xuất khẩu thép đạt 30,7 triệu tấn - mức cao kỷ lục theo dữ liệu của Wind Information.

Thỏa thuận "đình chiến" thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Thụy Sĩ vào ngày 12/5 cùng với điều kiện dỡ bỏ phần lớn thuế quan trong 90 ngày, gần như đã bị trật bánh, khi Washington cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ thực hiện cam kết nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu đất hiếm, trong khi Bắc Kinh chỉ trích gay gắt các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ mới và việc Washington thu hồi thị thực sinh viên.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được cải thiện sau 2 ngày đàm phán tại London vào tháng trước, nơi cả hai bên đã đạt được một khuôn khổ để thực hiện sự đồng thuận đã đạt được tại Thụy Sĩ.

Theo đó, Bắc Kinh đã đồng ý nối lại việc xuất khẩu đất hiếm trong khi Washington đề nghị nới lỏng một số hạn chế xuất khẩu đối với ethan, phần mềm thiết kế chip và linh kiện động cơ phản lực. Hai bên đang nỗ lực hướng tới hạn chót ngày 12/8 để đạt được một thỏa thuận bền vững.

Ông Wang Lingjun, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết hai bên "khó khăn lắm mới đạt được" thỏa thuận Geneva và khuôn khổ thỏa thuận London và cả hai bên đang đẩy nhanh việc thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận.

Kim Ngân
.
.