Bài 1: Mệnh lệnh từ thực tiễn
Trong guồng quay mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh và chuyển đổi số đã trở thành “cặp đôi quyền lực”, định hình tương lai tăng trưởng bền vững của mọi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, với những chủ trương chiến lược gần đây của Bộ Chính trị đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực bứt phá.
Tranh thủ “chìa khóa vàng”
Bến Tre là một tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giàu tiềm năng nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức từ biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, việc xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ sức gánh vác sứ mệnh “xanh hóa” và “số hóa” nền kinh tế, đang trở thành một mệnh lệnh từ thực tiễn, một yêu cầu cấp bách để hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Điều đó càng trở nên cấp thiết khi tới đây, xứ Dừa trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của tỉnh Vĩnh Long mới.
Một công trình nghiên cứu mới đây của tác giả Võ Yến Nhi, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết thực tế cả thế giới đang chứng kiến một cuộc đua không khoan nhượng về phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển đã và đang đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho các sản phẩm, dịch vụ lưu thông trên thị trường toàn cầu. Phát triển xanh, với mục tiêu giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng cường khả năng chống chịu, không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Song hành cùng nó, chuyển đổi số len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội, trở thành “chìa khóa vàng” để tối ưu hóa vận hành, thúc đẩy năng suất và tạo ra những giá trị mới.
Tại Việt Nam, tinh thần này được cụ thể hóa qua hàng loạt nghị quyết, chiến lược quan trọng. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã xác định rất rõ: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, và các kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn đều chung một mẫu số: vai trò trung tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao, những con người có năng lực số và tư duy quản trị bền vững.
Khát vọng xanh và… “cơn khát” nhân lực
Là trái tim của vườn dừa cả nước, Bến Tre mang trong mình những lợi thế đặc thù của một tỉnh ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, mảnh đất này cũng đang oằn mình trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và suy thoái tài nguyên.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre đã dũng cảm đặt ra những mục tiêu: phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và nông nghiệp hữu cơ. Đây không chỉ là những định hướng hợp thời mà còn là con đường tất yếu để tỉnh nhà vượt qua thách thức, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Thế nhưng con đường hiện thực hóa khát vọng ấy đang vấp phải một “điểm nghẽn” không hề nhỏ: chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre từng không ít lần nhìn nhận địa phương đang “khát” nhân lực có chuyên môn cao trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường, logistics và đặc biệt là công nghệ chế biến sâu – lĩnh vực có thể nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tỷ lệ lao động có kỹ năng số, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với các mô hình sản xuất - kinh doanh hiện đại còn khá khiêm tốn, nhất là ở khu vực nông thôn và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhìn thẳng thực trạng để tìm lối ra
Công trình nghiên cứu của tác giả Võ Yến Nhi mới đây có đề cập đến một thực tế từ con số thống kê, đó là lực lượng lao động của Bến Tre đạt khoảng 983.000 người. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ dừng ở mức 21,4%, thấp hơn đáng kể so với bình quân cả nước (26,2%). Con số này như một lời nhắc nhở về chặng đường dài phía trước trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, ở nhóm tuổi lao động vàng (25–45), tỷ lệ người có kỹ năng công nghệ hoặc ngoại ngữ còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc tiếp nhận và triển khai các ngành nghề mới, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu lao động hiện tại của tỉnh vẫn còn nặng về nông – lâm – ngư nghiệp (gần 40%), nhưng trình độ sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm thủ công. Việc ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp như cảm biến, tưới tiêu thông minh, truy xuất nguồn gốc hay quản trị nông trại số hóa vẫn còn là những khái niệm khá mới mẻ với nhiều nông dân. Ngay cả trong ngành chế biến dừa và thủy sản, vốn đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu (hơn 450 triệu USD năm 2022), Bến Tre vẫn phải dựa nhiều vào nguồn nhân lực R&D, kiểm nghiệm chất lượng từ các tỉnh thành khác.
Lĩnh vực dịch vụ - du lịch, được kỳ vọng trở thành mũi nhọn với định hướng sinh thái, nông nghiệp gắn với trải nghiệm văn hóa, cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động được đào tạo bài bản, có kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Thống kê cho thấy, trên 70% nhân sự làm du lịch chưa qua đào tạo chính quy, nhiều điểm du lịch cộng đồng hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu kiến thức về tiêu chuẩn xanh và ứng dụng công nghệ số trong vận hành. Trong khi đó, ở các ngành trụ cột cho phát triển xanh và chuyển đổi số như công nghệ thông tin, logistics, năng lượng tái tạo, lực lượng lao động tại chỗ gần như chưa được hình thành một cách bài bản.
Hệ thống đào tạo nghề tại Bến Tre hiện có Trường Cao đẳng Bến Tre, Trường Trung cấp Nghề, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Cách nay 2 năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 14.800 người, nhưng chỉ 16% trong số đó thuộc nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ. Các chuyên gia cho rằng, sự mất cân đối này cho thấy một khoảng cách lớn giữa năng lực đào tạo hiện tại và nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, hiện đại. Dù đã có những nỗ lực liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trong khu vực, các chương trình hợp tác chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành truyền thống như hành chính, quản lý, kế toán, chưa thực sự đáp ứng được “cơn khát” nhân lực cho chuyển đổi số, kỹ năng xanh hay kỹ thuật số hóa chuỗi giá trị.
Một thực tế đáng buồn khác hiện nay – theo các chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, là hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, chưa có chiến lược đào tạo nội bộ bài bản. Việc ứng dụng công nghệ mới, thiết bị số hay các hệ thống quản trị hiện đại vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa đi kèm với kế hoạch nâng cao kỹ năng tương ứng cho người lao động.