Bài cuối: Yêu cầu mới về “chân dung” người lao động trong kỷ nguyên xanh - số
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là một trụ cột chiến lược mà là điều kiện tiên quyết để Bến Tre (sau này là tỉnh Vĩnh Long mới) hiện thực hóa giấc mơ xanh và hành trình số hóa. Đây là một cuộc đầu tư dài hạn, đòi hỏi tầm nhìn, sự quyết tâm và cách tiếp cận toàn diện, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi sự thay đổi.
Nếu Bến Tre thành công trong việc kiến tạo một hệ sinh thái nhân lực ưu tú, gắn liền bản sắc địa phương với chuẩn mực toàn cầu, đó sẽ là lợi thế cạnh tranh không thể thay thế, giúp tỉnh nhà vững vàng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, và khẳng định vị thế tiên phong trong công cuộc phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo của cả vùng ĐBSCL.
Đâu là năng lực cốt lõi?
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, theo các chuyên gia kinh tế, nguồn nhân lực của Bến Tre (tới đây là tỉnh Vĩnh Long mới) cần được trang bị ít nhất là 3 năng lực cốt lõi.

Trước hết là năng lực xanh. Năng lực này được hiểu không chỉ là kiến thức về môi trường, người lao động cần hiểu sâu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các tiêu chuẩn ESG. Họ cần có khả năng nhận diện tác động môi trường, xây dựng chiến lược giảm phát thải, vận hành công nghệ thân thiện môi trường. Đối với một tỉnh nông nghiệp như Bến Tre, việc am hiểu các công cụ như đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), hạch toán carbon, quản trị tài nguyên sinh thái là vô cùng quan trọng.
Với năng lực số, theo khung năng lực số DIGCOMP 2.2 của EU, người lao động cần thành thạo công cụ số nền tảng, có khả năng phân tích dữ liệu và ứng dụng AI, hiểu biết về tự động hóa và IoT, đảm bảo an toàn thông tin và có tư duy chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ. Tại Bến Tre, năng lực này cần được ưu tiên cho các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, quản lý tài nguyên số, logistics và thương mại điện tử.
Với năng lực thích ứng – sáng tạo – học tập suốt đời, theo một nghiên cứu, trong một thế giới không ngừng biến đổi, khả năng giải quyết vấn đề phức hợp, tư duy phản biện, đổi mới sáng tạo, tư duy hệ thống, làm việc liên ngành và tự cập nhật kiến thức là những phẩm chất không thể thiếu. Kỹ năng mềm như quản lý thời gian, làm việc nhóm, lãnh đạo thay đổi cũng cần được chú trọng.
Những giải pháp đột phá
Để tạo ra một cuộc “cách mạng” về chất lượng nguồn nhân lực, Bến Tre (sau này là tỉnh Vĩnh Long mới) cần một chiến lược tổng thể và những giải pháp đột phá.
Đầu tiên là hoàn thiện chính sách phát triển nhân lực xanh – số. Tỉnh cần có chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, như miễn giảm học phí, cấp học bổng cho các ngành chiến lược (kỹ thuật môi trường, năng lượng tái tạo, Công nghệ thông tin, tự động hóa nông nghiệp, logistics,…). Khuyến khích hợp tác quốc tế, ưu đãi các đơn vị đào tạo triển khai chương trình tiên tiến và tích hợp yêu cầu đào tạo nhân lực xanh – số vào quy hoạch phát triển ngành.

Địa phương cần quan tâm xây dựng hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng tại chỗ. Có thể thành lập Trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo xanh – số cấp tỉnh, đóng vai trò đầu mối liên kết ba nhà: Nhà nước – Doanh nghiệp – Viện, trường. Phát triển mô hình "vệ tinh đào tạo" tại các huyện, liên kết với các trường đại học lớn. Xây dựng các phòng thí nghiệm ứng dụng (living labs) để doanh nghiệp và người học cùng triển khai các dự án thực tế.
Tăng cường đào tạo lại – đào tạo nâng cao – học tập suốt đời bằng việc chú trọng tái đào tạo lực lượng lao động hiện có, đặc biệt là cán bộ quản lý nhà nước (về chính sách xanh, quản lý công dựa trên dữ liệu, ESG), doanh nghiệp vừa và nhỏ (về công nghệ số, kế toán xanh, truy xuất nguồn gốc), và lao động trong nông – công nghiệp (đào tạo tại cộng đồng, “cầm tay chỉ việc”, kết hợp nền tảng học trực tuyến). Phát động chiến dịch học tập suốt đời cấp tỉnh.
Và giải pháp cuối cùng đó là huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực. Để thực hiện tốt giải pháp này, doanh nghiệp phải được đặt ở vị thế là chủ thể trung tâm. Tỉnh cần có chính sách đặt hàng đào tạo từ doanh nghiệp, khuyến khích mô hình đào tạo tại chỗ (OJT) và thực tập có lương. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo hoặc chuyển giao công nghệ xanh – số. Thành lập “Liên minh doanh nghiệp đào tạo xanh – số Bến Tre” để chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm.
Cần tranh thủ tham khảo các mô hình thành công như Trường học gắn với thực tiễn doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, trường nghề trong khu công nghiệp ở Bình Dương, hay chương trình SkillsFuture của Singapore, cùng các chương trình học tích hợp xanh – số như của Đại học Việt – Đức, Viện Arava (Israel), Đại học Hoa Sen, Bến Tre (sau này là Vĩnh Long mới) hoàn toàn có thể tìm ra lối đi riêng, phù hợp với điều kiện và khát vọng của mình…
Tại một hội thảo mới đây, ông Dương Bảo Thông, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mở ra một hành lang chính sách thuận lợi, đồng thời trao quyền chủ động cho các địa phương như Bến Tre trong việc thiết kế mô hình phát triển KH-CN-ĐMST và chuyển đổi số phù hợp với đặc thù địa phương. Thực tiễn triển khai trong thời gian qua cho thấy Bến Tre đã có những bước khởi đầu đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần khắc phục, đặc biệt là về hạ tầng dữ liệu, cơ chế tài chính, năng lực nhân lực và mức độ liên kết trong hệ sinh thái đổi mới.
Giai đoạn 2026–2030 là thời kỳ bản lề để Bến Tre chuyển mình mạnh mẽ hơn từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, công nghệ và sáng tạo. Để làm được điều đó, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các đột phá về thể chế, tài chính, nhân lực và hạ tầng; đồng thời ưu tiên phát triển các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp xanh, công nghệ chế biến dừa, năng lượng tái tạo và đô thị thông minh. Việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, gắn với nhu cầu thực tiễn và định hướng thị trường, sẽ là yếu tố then chốt bảo đảm sự bền vững và thích ứng trong dài hạn.
“Sự thành công của tiến trình này không thể tách rời khỏi tư duy kiến tạo, hành động quyết liệt và sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên chủ thể – giữa chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng. Chỉ khi các trụ cột này được gắn kết và vận hành đồng bộ, tỉnh Bến Tre mới có thể hiện thực hóa tầm nhìn trở thành địa phương phát triển nhanh, xanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số”, ông Dương Bảo Thông chia sẻ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Bến Tre đã và đang đối mặt với ba “điểm nghẽn”. Thứ nhất, thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên môn cao cho các ngành công nghệ mới (AI, Big Data, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường).
Thứ hai, hệ thống đào tạo tại chỗ chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng thị trường, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết.
Và thứ ba, khả năng thích ứng của lực lượng lao động còn thấp, chỉ khoảng 12% lao động tham gia các khóa đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong 5 năm gần nhất. Những khoảng trống này nếu không sớm được lấp đầy sẽ cản trở Bến Tre tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ phát triển xanh và làm chậm quá trình số hóa.