Các nước chung tay khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, vì sự phát triển bền vững
Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp các nước dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp các nước đến Hà Nội tham dự Hội nghị; tin tưởng các đại biểu sẽ đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực, khả thi để Hội nghị thành công tốt đẹp; triển khai có hiệu quả, thực chất các nội dung đạt được, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của Chương trình SFS trong nỗ lực chung nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong bảo đảm an ninh lương thực. Để thực hiện được các Mục tiêu SDG, việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng cho người dân; đồng thời, bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng khẳng định Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất phù hợp, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của các nước khi thế giới đang nỗ lực phục hồi, giải quyết các hậu quả nặng nề mà đại dịch COVID-19 gây ra với sức khỏe và an sinh xã hội của người dân cũng như tình trạng gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực; gây ra khủng hoảng lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Các thách thức hiện nay như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đều là những vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi phải có cách tiếp cận, giải pháp toàn cầu, tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương. Đây cũng là những vấn đề tác động tới toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân.
Thủ tướng cho biết, vượt qua những khó khăn, thách thức qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau hơn 35 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD lên 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người từ 160 USD lên trên 4.100 USD. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường, Việt Nam ưu tiên và đang tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo đảm cân đối lương thực, thực phẩm và có xuất khẩu.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP.
Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”; sẵn sàng cùng các nước mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững; bảo đảm an ninh lương thực cho người dân Việt Nam, góp phần thiết thực bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước đang phát triển tăng cường hiệu quả hợp tác Nam - Nam, trong đó Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực thông qua các chương trình hợp tác Nam - Nam, hợp tác ba bên với sự hỗ trợ, đồng hành của các đối tác quốc tế song phương và đa phương.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bên liên quan cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành Nông nghiệp, xây dựng thể chế, thu hút nguồn vốn, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, bảo đảm nguồn giống, bảo vệ thực vật, phân bón, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất và quản lý, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, thiết lập chuỗi cung ứng ổn định toàn cầu trên nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau, tăng cường vai trò và hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong phát triển nông nghiệp, nông nghiệp, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp các nước và bà Beverley Postma, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) hoan nghênh Việt Nam đề xướng chủ đề và tổ chức Hội nghị trước nguy cơ khủng hoảng lương thực do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và công tác tổ chức hội nghị của Việt Nam; chia sẻ những suy nghĩ về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, khẳng định tầm quan trọng của an ninh lương thực, chủ quyền lương thực đối với nhân loại và các quốc gia.
Lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu và những bài học, kinh nghiệm truyền cảm hứng mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực nói riêng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới, khẳng định vai trò trong chuỗi sản xuất và cung ứng lương thực toàn cầu, cho rằng đây là mơ ước của nhiều nước, nhất là các nước châu Phi.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp các nước đánh giá cao cam kết, mục tiêu của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm; nhất trí với quan điểm về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và các đề xuất hợp tác của Thủ tướng; cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo các nước để thúc đẩy hợp tác và mong muốn Việt Nam cử chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong bảo đảm an ninh lương thực nói riêng, phát triển nông nghiệp nói chung, nhất là trong các ngành lúa gạo, cà phê, thủy sản…
* Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ngài Christian Hofer, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ đang thăm Việt Nam dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS).
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ trưởng Christian Hofer đến Việt Nam dự Hội nghị SFS; tin tưởng Bộ trưởng và đoàn Thụy Sĩ sẽ đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị; cho rằng lương thực, thực phẩm không chỉ là vấn đề ăn uống mà là vấn đề hết sức rộng lớn, từ sức khỏe, văn hóa, kinh tế, an ninh…, do đó, cần có sự đánh giá đúng giá trị của lương thực, thực phẩm đối với con người. Hội nghị là dịp để đánh giá thỏa đáng các vấn đề liên quan nông nghiệp nói chung, vấn đề lương thực, thực phẩm nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Christian Hofer đánh giá cao kết quả quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ sau hơn 50 năm thiết lập. Thụy Sĩ là nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; Thụy Sĩ luôn ủng hộ việt Nam trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
Hiện, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Thụy Sĩ là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực. Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; tin tưởng, thời gian tới quan hệ hai nước tiếp tục được tăng cường, phát triển, trong đó có quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nông nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, do đó cần có thay đổi nhận thức về nông nghiệp; đánh giá đúng vai trò, vị trí, giá trị của nông nghiệp; huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực, thực phẩm; việc sản xuất nông nghiệp bền vững lại liên quan đến huy động nguồn lực, đầu tư khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường... Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm… Do đó, mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục các dự án ODA liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; chia sẻ, hợp tác đầu tư về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản lý, xây dựng thể chế trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường tại Thụy Sĩ và các nước châu Âu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Thụy Sĩ có nhu cầu như các loại rau, quả: cà phê, hạt điều, mắc ca, hạt tiêu, đậu đỗ; nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; trao đổi thông tin, dự báo chiến lược, trong đó có dự báo thị trường... trên quan điểm hai bên cùng có lợi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; cho biết, sau 20 năm trở lại Việt Nam, ông thực sự bất ngờ trước những thay đổi, phát triển thần kỳ của đất nước Việt Nam.
Bày tỏ đồng tình với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Christian Hofer đánh giá cao vai trò sáng kiến của Việt Nam trong Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, cũng như vai trò, năng lực của Việt Nam trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Ngài Bộ trưởng cho biết, Thụy Sĩ có nhiều doanh nghiệp, trường đại học danh tiếng, có thể hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nông nghiệp chất lượng cao; sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; mong muốn Việt Nam và Thụy Sĩ đàm phán đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.