Chỉ rõ các khó khăn, hạn chế để tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.
Sáng 24/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Nhìn thẳng vào khó khăn, trở ngại để tháo gỡ
Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu; đồng thời, Chủ tịch nước chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn như thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, đầu tư công giải ngân chậm…

Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta có chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm. Chủ tịch nước thẳng thắn chỉ rõ phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị; còn phổ biến tình trạng thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách và thiếu trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; có tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm….
“Cán bộ làm sai thì bị xử rất nặng rồi; cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét để xử lý kỷ luật rồi. Nhưng cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu vấn đề.
Sau khi phân tích những mặt chưa làm được, Chủ tịch nước cho rằng, trước hết từng địa phương phải thực sự làm, phải thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. Còn chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng, chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai?
“Dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ tới coi mình có quen với ai không, tư duy đó là chết rồi. Tư duy đó phản ánh cái tiêu cực của của xã hội. Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp mới là tư duy lành mạnh và chúng ta sẽ hướng tới điều đó”– Chủ tịch nước nói.


Chủ tịch nước mong đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương khi có việc gặp phải vướng mắc thì chỉ rõ, cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, còn cứ nói chung chung thì “mày mò cũng khó”. “Tôi chia sẻ thêm mấy ý như thế để thấy những kết quả mà chúng ta đạt được rất thực chất, rất đáng khích lệ, phần nào đó tự hào, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Cần có những dự án lớn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề, đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn". Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.
Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai. "ĐBSCL có nhiều việc cần làm, nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Từ tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới ảnh hưởng nặng nề ở ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Bên cạnh đó, phải xây dựng các dự án mang tính lâu dài, những dự án hàng tỷ USD. Theo đó, ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng nhắc lại sự thay đổi của dòng sông Mekong phía thượng nguồn là vấn đề lớn, Việt Nam đang cùng các nước có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án lớn để góp phần không làm ảnh hưởng quá lớn đến dòng chảy của sông Mekong. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong rất quan trọng, là vấn đề lớn và lâu dài.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác, như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông…