Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia

Thứ Bảy, 06/08/2022, 17:02

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam, chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp.

Chiều 6/8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”.

Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Dự và phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự có mặt đông đảo của các đại biểu tại hội thảo lần này; đồng thời cho rằng, Hội thảo không chỉ nói về cơ chế, chính sách, tạo động lực, tìm nguồn lực phát triển sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý hiếm, quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa của trời đất ban tặng cho 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum mà còn “nhắc nhở chúng ta tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây “quốc kế dân sinh” này”.

“Đây là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng và hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ Việt Nam mới có sâm, mà các nước trên cũng có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến, sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm. Đây là điều các nhà quản lý, nhà sản xuất cần lưu ý.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã cố gắng triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để phát triển, bảo tồn sâm Ngọc Linh ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, nếu so với các nước thì quy mô về sản lượng sâm của Việt Nam còn khiêm tốn, chất lượng còn phải cải thiện hơn, thị trường giá cả cũng còn cần những vấn đề tiếp tục quan tâm giải quyết.

Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Hội thảo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những vấn đề lớn đặt ra với cây sâm Ngọc Linh, đó là tình trạng biến đổi thời tiết, khí hậu tại Kon Tum đã làm hàng vạn cây Ngọc Linh chết. Đặc biệt là tình trạng sâm giả Ngọc Linh được tràn trộn, bán trong xã hội làm giảm uy tín của cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo tồn sâm Ngọc Linh chưa được chú trọng đúng mức, nhất là bảo tồn gen giống gốc của sâm Ngọc Linh. Việc đa dạng các sản phẩm sâm Ngọc Linh cũng còn rất hạn chế…

Từ thực tế trên, để nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, tương xứng với tiềm năng của sâm Ngọc Linh trong thời gian đến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu một số hướng đi, cách làm để phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó cần thực hiện đồng thời vừa bảo tồn vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh; bảo tồn để đạt giá trị cao hơn, nâng tầm giá trị về mặt kinh tế và sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên trước hết cho người Việt Nam.

Các nhà sản xuất và các cơ quan nghiên cứu cần học hỏi phát triển ngành sâm của Hàn Quốc và một số quốc gia tiên tiến khác đã làm, đó là đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thấp đến cao cấp trong thị trường toàn cầu, nhưng nhìn chung nên định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp.

Bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loại sâm hay dược liệu khác; xây dựng “thánh địa” sâm Ngọc Linh ở 2 địa phương Quảng Nam và Kon Tum, làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh, bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của sâm Ngọc Linh, song song đó cần nghiên cứu những vùng khác có khả năng phát triển loại sâm này.

Chủ tịch nước cũng lưu ý cần có khởi tích cho cây sâm Ngọc Linh, một lịch sử rõ ràng của cây sâm, những câu chuyện, những giai thoại về sâm Ngọc Linh sẽ làm tăng giá trị đáng kể cho sâm, tất nhiên phải tránh những giai thoại hoang tưởng. Bên cạnh đó, cần bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam, chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh, coi đây là bước đột phá trong việc phát triển của ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm sâm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Mỹ.

Về vấn đề thu hút đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ có chọn lọc, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh và tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển các sản phẩm sâm.

Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia -0
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết biên bản hợp tác phát triển sâm Ngọc Linh.

“Vốn và công nghệ là quan trọng, nhưng đối với sâm Ngọc Linh thì đất và rừng là hai yếu tố không thể thay thế. Người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Người dân và doanh nghiệp, chính quyền cần hiệp đồng chặt chẽ để giữ rừng bởi nếu mất rừng thì không còn sâm Ngọc Linh”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum đã ký biên bản hợp tác phát triển sâm Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh là một loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh được biết đến là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu khoa học, đã phân lập được 52 hợp chất saponin và nhiều hợp chất quan trọng khác.

Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia.

Ngọc Thi
.
.