Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hết năm 2030 không làm giảm thu ngân sách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định điều này khi trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tại Phiên họp thứ 44 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/4.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện theo quy định của Luật Thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.
Theo quy định hiện hành thì thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2025 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 của Quốc hội, trừ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp.

"Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm", ông thông tin.
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết.

Để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

"Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững", ông bổ sung.
Thẩm tra nghị quyết nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế SDĐNN trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất...