Chuyên gia tài chính nhận định về hoạt động cho vay nặng lãi

Thứ Hai, 01/11/2021, 18:01

Đã có quá nhiều hậu quả từ việc vay tiêu dùng nặng lãi: lãi suất quá cao khiến người vay tiêu dùng không có khả năng chi trả, khiến người vay rơi vào vòng luẩn quẩn không trả được nợ, phải tìm nhiều cách giải thoát, thậm chí bỏ ra nhà ra đi hay tìm đến cái chết.

Nhưng tín dụng “đen” vẫn tồn tại, và biến tướng thành nhiều cách, nhiều người vẫn sập bẫy. Làm thế nào để làm chủ tài chính, làm thế nào để người tiêu dùng không mắc bẫy tín dụng đen? Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

- Ông cho biết quan điểm của mình về tình trạng vẫn có nhiều người dính bẫy lãi suất cao, khi đã có rất nhiều khuyến cáo?

- Việc vay và cho vay nặng lãi đã tồn tại từ lâu trong xã hội, do có nhiều người vẫn có nhu cầu vay, chấp nhận lãi suất cao, cũng có người do bị mời chào, cũng có người sập bẫy bởi nhiều chiêu trò tinh vi của các tổ chức, cá nhân cho vay lãi cao.

Trước đây tín dụng “đen” đa số hình thành trong dân dưới nhiều hình thức truyền thống, nhưng sau này khi internet phát triển, ngày càng có nhiều chiêu trò tinh vi để các app vay lãi cao phát triển. Với mức trần lãi suất Nhà nước khống chế không được quá 20%, thì tất cả các hợp đồng tín dụng cho vay cao mức 20%, có thể coi là tín dụng “đen”. Tuy nhiên, các tổ chức cho vay này lách luật bằng nhiều cách nhằm thu lãi như tính thêm nhiều loại phụ phí. Chính vì vậy, với những lời mời chào hấp dẫn như thủ tục dễ dàng, không cần thế chấp, lãi suất hợp lý, nhưng với rất nhiều phụ phí, số lãi suất sẽ vượt quá mức trần lãi suất 20% mà Nhà nước khống chế.

Tuy vậy, một số cá nhân, người tiêu dùng vẫn sử dụng nguồn vay này, bởi trước khi vay, họ cũng không thể ngờ rằng sẽ phải chịu nhiều phụ phí để đẩy lãi suất lên cao.

untitled-3.jpg -0
Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh trao đổi về vấn nạn vay qua app tín dụng đen.

- Để tránh sập bẫy lãi suất cao, người tiêu dùng phải làm gì?

- Trước hết mỗi cá nhân phải tự làm chủ nguồn tài chính của mình. Nếu muốn tiếp cận nguồn vốn, phải tìm hiểu  và tiếp cận các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động. Tuy nhiên, tùy mức hạn vay, người tiêu dùng sẽ phải thực hiện một số cam kết cũng như có tài sản thế chấp, hay có các điều kiện để tín chấp.

Một số người không đủ điều kiện vay vốn, không tiếp cận được các nguồn vốn của các tổ chức được Nhà nước cho phép hoạt động tín dụng, nếu chấp nhận vay ngoài của các các nhân không được phép hoạt động, trước khi vay cần phải làm cam kết, hợp đồng các điều kiện ràng buộc rõ ràng: sau bao lâu phải thanh toán, lãi suất bao nhiêu, phụ phí gì… Có  như vậy mới đảm bảo mức độ an toàn cho cá nhân mình.

- Phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm gì? Làm sao để người dân tiếp cận được nguồn vốn?

- Về phía cơ quan chức năng, cần có chế tài với các app cho vay lãi cao rất phát triển hiện nay. Cần phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức cho vay nặng lãi, nếu không chúng sẽ tiếp tục tái phạm.

Đối với các khoản vay, các tổ chức tín dụng được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động, thì tùy mức vay, cũng có thể linh động về điều kiện để người vay có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn vốn.

- Xin cảm ơn ông!

Ngô Linh
.
.