Mất tiền tỷ vì mắc “bẫy lừa” vay trực tuyến không thế chấp tài sản
Do đang có nhu cầu vay tiền để làm ăn kinh doanh nên chị H. đã đăng ký vay qua app online số tiền 300 triệu đồng. Sau hai ngày vướng bẫy của “tín dụng đen”, chị H. đã chuyển gần 1,4 tỷ đồng cho các đối tượng.
Ngày 14/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.
Qua tài liệu của cơ quan điều tra, ngày 16/11, chị N.T.T.H., trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được một người có tài khoản Zalo là Nguyễn Hữu Nghĩa gọi điện thoại để tư vấn vay tín dụng số tiền từ 40 triệu đồng đến 800 triệu đồng, với lãi suất 8,4%/1 năm, không phải thế chấp tài sản, không mất phí, không phải đến ngân hàng làm các thủ tục vay tiền...
Do đang có nhu cầu vay tiền để làm ăn kinh doanh nên chị H. đã đồng ý. Sau đó, chị H. được tài khoản Zalo tên Nghĩa hướng dẫn truy cập vào một đường link để đăng ký vay 300 triệu đồng. Khi chị H. đăng ký xong, thì zalo “Nghĩa” có gửi số điện thoại 0564… cho chị H. và cho biết đây là số chăm sóc khách hàng để xét duyệt hồ sơ khoản vay. Không mảy may nghi ngờ, chị H. đã kết bạn zalo theo số điện thoại này để thẩm định hồ sơ vay vốn trực tuyến.
Sau khi các thông tin cá nhân để vay vốn được phê duyệt, họ yêu cầu chị H. chuyển khoản phí vay là 10% trên tổng số tiền cho vay 300 triệu đồng, khi nào được kích hoạt thì sẽ hoàn trả số tiền trên. Chị H. đồng ý và chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng do các đối tượng đưa, chủ tài khoản có tên Thach Thi Quan. Ngay khi chuyển tiền xong, chị này nhận được mã kích hoạt rút tiền và gửi hướng dẫn bằng app để nhận tiền. Hoàn tất các thủ tục, chị H. được thông báo qua app đã được giải ngân nhưng thanh toán không thành công.
Ngày 25/11, chị H. không nhận được số tiền vay và số tiền đã gửi đóng phí bảo hiểm khoản vay, nhưng lại tiếp tục nhận được thông báo do lỗi đánh sai số tài khoản người nhận, lệnh chuyển tiền không khớp nên khoản vay bị đóng băng. Hệ thống trên app thông báo phải chuyển số tiền phí đặt cọc xác minh chính chủ và tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0564… bảo chuyển 40% khoản vay là 120 triệu đồng, nội dung ghi như lúc chuyển phí bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, chị H. đã ghi thiếu nội dung chuyển vì vậy vẫn không nhận được khoản vay, số điện thoại trên tiếp tục gọi cho chị này và bảo chuyển tiếp 120 triệu đồng và ghi nội dung xác nhận Bill giao dịch cũ do ghi thông tin sai nên yêu cầu gửi tiếp 120 triệu đồng để nhận tổng số tiền 690 triệu đồng cả khoản vay.
Nhưng sau đó, nhóm đối tượng sử dụng “thủ đoạn” cũ tiếp tục gọi điện thoại cho nạn nhân (mặc dù chị H. không nhận được tiền) để yêu cầu nộp thêm 300 triệu đồng, với mục đích mở phí nhà băng tổng số tiền vay để lấy lại số tiền chị H. đã chuyển là 990 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền trên vẫn không về App của nạn nhân, số điện thoại 0564… thông báo sẽ lấy tiền ở ngân hàng và cho số điện thoại một người tên Ngọc, là kế toán trưởng một ngân hàng, chi nhánh Vũng Tàu…
Như bị “thôi miên”, chị H. lại gọi điện thoại cho người tên Ngọc và được hướng dẫn đến ngân hàng gần nhất để rút số tiền 1,29 tỷ đồng, nhưng phải nộp 200 triệu đồng vào tài khoản ban đầu để làm tin. Chị H. làm theo và chuyển số tiền 200 triệu đồng nhưng không rút được vì trên app thông tin của chị này đã bị xóa.
Không chia sẻ với người thân, chị H. gọi cho số điện thoại 0564… để hỏi thông tin, họ tiếp tục yêu cầu chuyển tiếp số tiền 230 triệu đồng để mở kích hoạt, nhưng chị H. chỉ chuyển 180 triệu đồng. Sau đó, nạn nhân nhận được thông báo 30 ngày sau kể từ ngày 26/11 mới được giải ngân. “Bước đường cùng”, chị H. trao đổi hẹn gặp mặt người đàn ông gọi điện để tiện trao đổi nhưng họ không đồng ý gặp.
Như vậy, từ ngày 24/11 đến ngày 26/11, chị H. đã sử dụng hai tài khoản cá nhân của mình chuyển 8 lần vào số tài khoản ngân hàng mang tên Thach Thi Quan số tiền 1,37 tỷ đồng. Đây là bài học cảnh giác cho mọi người, khi có nhu cầu vay tiền thì phải tìm đến ngân hàng hoặc các công ty tài chính được nhà nước cấp phép.