Căng thẳng giữa các đồng minh phương Tây

Thứ Hai, 11/03/2024, 09:23

Điều này liên quan đến ý tưởng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga ở nước ngoài, với giá trị có thể lên tới hơn 250 tỉ euro và sử dụng để tái thiết Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này, trong khi một số đồng minh của Washington như Đức, Pháp và Italy thì không.

Vấn đề đối với Mỹ là phần lớn tài sản được giữ ở Bỉ và Washington chỉ nắm giữ số lượng không đáng kể. Vì vậy, bất kỳ động thái tịch thu nào cũng cần có sự chấp thuận của châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh của họ để từ bỏ mối lo ngại về một bước đi chưa từng có với nhiều khó khăn về pháp lý, đạo đức và chính trị.

ukraine.jpg -0
Ukraine cần khoảng 1.000 tỉ euro để tái thiết đất nước.

Washington bày tỏ hy vọng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ có được lập trường chung vào cuối năm nay khi tuyên bố rằng, họ khuyến khích bất kỳ hành động nào mà Liên minh châu Âu (EU) có thể thực hiện để sử dụng tài sản cố định có chủ quyền của Nga vì lợi ích của người Ukraine.

Tuy nhiên, trong khi EU không có kế hoạch tịch thu toàn diện (vốn chỉ nhắm tới lợi nhuận do các quỹ bị đóng băng tạo ra, thay vì tịch thu toàn bộ tài sản), 3 quốc gia EU thuộc G7 - Đức, Pháp và Italy - lo ngại rằng, việc tịch thu tài sản sẽ làm hoen ố danh tiếng của khu vực đồng euro và có khả năng ngăn cản đầu tư quốc tế. Các nước châu Âu khác phần lớn đều né tránh cuộc tranh luận về vấn đề này. Đối với họ, điều đó quá mạo hiểm. Họ lo ngại Nga có thể trả đũa bằng cách nhắm mục tiêu vào các tài sản châu Âu ở Nga và tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây. Họ cho rằng, dù hành vi của Nga có đến mức nào thì một quốc gia cũng không nên bị buộc phải bồi thường khi xung đột vẫn còn tiếp diễn.

Các nước trên cũng nhận được sự ủng hộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi đã nhiều lần cảnh báo về sự bất ổn của đồng euro nếu nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và chuyển tài sản của họ ra ngoài EU. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra kế hoạch hạn chế hơn nhiều để chỉ sử dụng lợi nhuận do tài sản bị phong tỏa của Nga tạo ra - trị giá khoảng 3 tỷ euro mỗi năm.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell chia sẻ: "Chúng tôi không nói về việc tịch thu các tài sản bị phong tỏa. Cuộc thảo luận là về doanh thu được tạo ra bởi những tài sản này".

Ông Charles Lichfield, nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương và là chuyên gia hàng đầu về tài sản bị phong tỏa của Nga, nhận định: "Việc chiếm đoạt dự trữ của một quốc gia chưa bao giờ được thực hiện trước đây. Việc vượt qua ngưỡng, ngưỡng không thể đảo ngược, khi phương Tây chuyển chúng cho Ukraine, xét về mặt đạo đức thì điều đó có vẻ đúng, nhưng các cường quốc châu Âu vẫn chưa thực sự muốn làm điều đó nếu không có cơ sở pháp lý vững chắc hơn và điều này vẫn chưa được tìm thấy".

Hầu hết dự trữ vàng và tiền tệ của Nga, bị đóng băng bởi các nước tham gia lệnh trừng phạt khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, đều ở EU. Trong số này, 180 tỷ euro được đặt tại Euroclear của Bỉ, một cơ quan thanh toán bù trừ đóng vai trò là nơi giám sát các khoản dự trữ ngoại hối của Nga. Khi trái phiếu của Nga đến kỳ đáo hạn và được các nhà trung gian tài chính tái đầu tư, chúng sẽ tạo ra lợi nhuận. Euroclear đã nhận được 3 tỷ euro lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa từ tháng 1 tới tháng 9/2023. Euroclear tự nguyện tách phần lợi nhuận khỏi tài sản của Nga, nhưng cho biết họ phải chịu 34 triệu euro chi phí quản lý và pháp lý, cũng như thiệt hại khoảng 18 triệu euro doanh thu. Khi được hỏi về ý định sử dụng số lợi nhuận này cho kế hoạch tái thiết Ukraine của EU, Euroclear từ chối bình luận.

EU từ lâu đã đưa ra ý tưởng đánh thuế những khoản lợi nhuận trên nhằm tạo điều kiện có lợi cho Ukraine, nhưng ECB và một số nước thành viên, như Pháp, Đức và Bỉ, đã bày tỏ nghi ngờ. Họ lo ngại động thái này sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ. Đặc biệt, Bỉ và Luxembourg muốn có sự đảm bảo rằng, họ sẽ không bị buộc phải chịu mọi rủi ro về mặt pháp lý và tài chính trước một bước đi chưa từng có như vậy. Có một trung tâm thanh toán bù trừ khác ở Luxembourg đang lưu trữ tài sản bị đóng băng của Nga, Clearstream. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nỗ lực giải quyết vấn đề không chỉ trong khuôn khổ châu Âu mà còn cùng với các quốc gia khác trong G7.

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba và quân đội Ukraine thiếu đạn pháo, những bất đồng của phương Tây về vấn đề tài chính đã đến vào thời điểm khó khăn đối với Kiev. Mỹ đang gặp bế tắc trong việc tìm kiếm ngân sách để gửi đến Ukraine, với nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev thông qua Quốc hội đã bị các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cản trở.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã bác bỏ quan điểm cho rằng, tranh cãi tranh tại Quốc hội nước này đã góp phần khiến Washington thúc đẩy tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga, nhấn mạnh điều này đã được thực hiện trước khi xảy ra tình trạng bế tắc. Quan chức này nói: "Chúng tôi luôn hình dung điều này cho công cuộc tái thiết Ukraine, bởi vì đó là cách thực tế duy nhất để đáp ứng nhu cầu tái thiết của Ukraine".

Theo ước tính của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ukraine cần khoảng 1.000 tỉ euro để tái thiết đất nước. Con số này lớn hơn gấp năm lần so với Kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ, vốn đã thúc đẩy sự phục hưng công nghiệp ở châu Âu sau thất bại của Đức. "Miếng bánh béo bở" này đã thúc đẩy sự hiện diện trên thực địa ngày càng tăng của các tập đoàn, công ty, nhà đầu tư trong và ngoài nước với triển vọng về cơ hội đầu tư sau khi chiến sự kết thúc.

Nhà sản xuất thép lớn nhất nước, Metinvest BV, ước tính một khi quá trình tái thiết quy mô lớn bắt đầu, sẽ cần khoảng 3,5 triệu tấn thép để khôi phục nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội trong vòng 5 đến 10 năm. Doanh nghiệp này cho biết họ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó. Trong khi đó, các công ty Đức đang theo dấu chính phủ, hỗ trợ song phương cho Ukraine. Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Rheinmetall AG đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh ở Ukraine vào tháng 2 để sản xuất loại đạn pháo 155 mm đang có nhu cầu cao. Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Fixit đã xây dựng một địa điểm sản xuất mới ở phía Tây Ukraine kể từ năm ngoái, trong khi Công ty Hóa chất Bayer AG đã công bố đầu tư vào sản xuất hạt giống.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.