Căng thẳng thương mại phủ bóng Thượng đỉnh EU - Trung Quốc
Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần thứ 25 đã diễn ra vào ngày 24/7 tại Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị bao trùm quan hệ song phương. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), phía Brussels lại bày tỏ nhiều lo ngại, đặc biệt về tình trạng mất cân bằng thương mại và vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU, ông Tập Cận Bình mô tả quan hệ Trung Quốc – EU là “cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. “Tình hình quốc tế càng nghiêm trọng và phức tạp, Trung Quốc và EU càng cần tăng cường trao đổi, củng cố lòng tin lẫn nhau và làm sâu sắc thêm hợp tác”, ông Tập phát biểu, theo CNBC.
Tuy nhiên, lập trường của phía EU cứng rắn và thẳng thắn hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đều bày tỏ lo ngại về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại song phương, một vấn đề kéo dài suốt nhiều năm qua. “Chúng ta đang ở một bước ngoặt. Việc tái cân bằng quan hệ song phương là điều cần thiết”, bà von der Leyen nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi hai bên “thừa nhận các lo ngại của nhau và tìm kiếm giải pháp thực chất”.
Quan hệ kinh tế Trung Quốc – EU vốn được mô tả là “đối tác chiến lược”, nhưng thực tế đang bị thử thách nghiêm trọng. Theo số liệu hải quan, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại hàng hóa gần 143 tỷ USD với EU, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Reuters, trong bối cảnh dư thừa nguồn cung trong nước, Bắc Kinh đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp sang châu Âu, làm dấy lên lo ngại về việc phá giá và cạnh tranh không công bằng. Đáp lại, EU áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ bằng cách mở các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng chủ lực của châu Âu như rượu brandy, thịt lợn và sữa.
Không chỉ dừng lại ở thương mại, căng thẳng còn lan sang lĩnh vực đầu tư và công nghệ. Gần đây, Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành lệnh hạn chế mua sắm thiết bị y tế từ các công ty châu Âu, được xem là động thái trả đũa việc EU cấm một số công ty Trung Quốc tham gia các gói thầu công trong khối. Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của sự khác biệt ngày càng sâu sắc trong các mục tiêu chiến lược giữa hai bên.
Một điểm nóng khác trong quan hệ EU – Trung Quốc là lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc chiến ở Ukraine. Phương Tây, bao gồm EU, đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để buộc Nga đàm phán, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển rõ ràng. Bà von der Leyen thậm chí cáo buộc Bắc Kinh “tạo điều kiện cho nền kinh tế chiến tranh của Nga”, phản ánh sự thất vọng của EU về vai trò chưa rõ ràng của Trung Quốc trong cuộc xung đột này.
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều quốc gia EU theo đuổi chiến lược “giảm thiểu rủi ro”, tức giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và chuỗi giá trị. Một ví dụ điển hình là việc EU chỉ trích Trung Quốc sử dụng đất hiếm như công cụ gây áp lực chính trị. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh trong năm qua từng khiến nhiều hãng ôtô châu Âu phải tạm dừng sản xuất. Dù sau đó Trung Quốc đã nới lỏng và ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp EU, nhưng theo hãng tư vấn Eurasia Group, “việc vũ khí hóa đất hiếm đã để lại dấu ấn sâu sắc tại châu Âu”.
Theo tờ Politico, đáng lẽ Hội nghị thượng đỉnh lần này, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao EU – Trung Quốc, phải là một dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên, kỳ vọng vào kết quả hội nghị lại thấp hơn bao giờ hết. Từng có hy vọng về sự hòa hoãn giữa Bắc Kinh và Brussels sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhưng 6 tháng sau, quan hệ hai bên đã rơi xuống mức thấp mới.
Dù tồn tại nhiều bất đồng, EU và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ kinh tế mật thiết. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ; trong khi châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu then chốt và là nguồn đầu tư công nghệ quan trọng đối với Bắc Kinh.
Vì vậy, việc duy trì đối thoại, dù đầy căng thẳng, là điều cần thiết đối với cả hai bên. Câu hỏi đặt ra là liệu cam kết xây dựng “mối quan hệ cùng có lợi” mà ông Tập Cận Bình đề cập có thể trở thành hiện thực, khi nền tảng hợp tác đang bị thách thức bởi chủ nghĩa bảo hộ, các cuộc chiến thuế quan và bất đồng địa chính trị.
Cuộc gặp cấp cao lần này, dù không mang lại đột phá lớn, vẫn đóng vai trò quan trọng giúp hai bên làm rõ lập trường và tìm kiếm điểm chung, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phân hóa vì cạnh tranh địa chiến lược và xung đột lợi ích quốc gia.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng EU sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời duy trì kênh đối thoại. Về phía mình, Bắc Kinh cũng có thể buộc phải điều chỉnh chính sách để tránh bị cô lập thêm trong một trật tự thương mại toàn cầu đang không ngừng biến động.