Đàm phán JCPOA và nguy cơ thất bại
Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vào năm 2018, nỗ lực của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden để quay trở lại thỏa thuận đã gặp phải nhiều trở ngại hơn dự đoán. Trong bối cảnh hiện nay, số phận của các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran tiếp tục được dẫn dắt bởi một chiến lược “thi gan” giữa hai bên.
Từ một số góc độ, JCPOA dường như không thể cứu vãn được. Trước mắt, quyết định của Iran loại bỏ 27 camera giám sát những vị trí khác nhau bên trong các địa điểm hạt nhân của họ để đáp lại một nghị quyết được phương Tây ủng hộ đệ trình lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng có thể chấm dứt nỗ lực chế ngự tham vọng hạt nhân của Iran trong dài hạn.
Bất chấp những nỗ lực gần đây do châu Âu dẫn dắt nhằm nối lại các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran, xét theo mức độ thiệt hại, vẫn chưa rõ liệu mọi việc đã vượt quá giới hạn hay chưa. Điểm tranh cãi chính giữa Tehran và Washington là việc xác định Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một thực thể khủng bố.
Tháng 5/2022, Tổng thống Joe Biden quyết định vẫn giữ IRGC trong danh sách đen khủng bố. Điều này đã làm yên lòng các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm Israel, Saudi Arabia và thậm chí là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - tất cả đều yêu cầu một cấu trúc an ninh tăng cường của Mỹ trong khu vực để bảo vệ họ trước các động thái của Iran.
Trong khi Saudi Arabia và UAE phải đối mặt với các cuộc tấn công tinh vi do các chiến binh Houthi phát động ở Yemen, bao gồm cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa nhằm vào Abu Dhabi, thì Israel đã có động thái quyết liệt hơn nhiều chống lại Iran và IRGC.
Israel gần đây được cho là đang mở rộng các hoạt động bí mật của họ bên trong lãnh thổ Iran, nhắm vào khu tổ hợp hạt nhân và quân sự của nước này. Trong khi đó, gần đây, Iran đã cách chức Hossein Taeb, Tư lệnh IRGC, được cho là vì những thành công mà Israel đạt được trong việc đối phó với các chương trình quốc phòng và hạt nhân của Iran trong lãnh thổ nước này.
Theo quan điểm của Iran, việc trở lại JCPOA cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng ở trong nước như nhiều người vẫn nghĩ. Thỏa thuận hạt nhân được ký kết dưới thời Tổng thống Hasan Rouhani vấp phải phản ứng dữ dội từ những người bảo thủ cực đoan có thế lực của đất nước. Trong khi một số người tin rằng việc quay trở lại JCPOA có thể dễ dàng hơn dưới thời Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thì vấn đề xác định IRGC là một thực thể khủng bố đã tạo ra một cuộc tranh cãi chính. Đối với Iran, đây vẫn là một điểm không thể thương lượng. Việc tranh cãi liên quan đến IRGC cũng cho thấy sự phai nhạt sứ mệnh ban đầu của JCPOA, từ mục tiêu thiết lập một chế độ kiểm soát vũ khí sang một cuộc tranh giành địa chính trị liên quan đến nhiều thông số, vấn đề và bất hòa.
Nguy cơ thất bại trong việc quay trở lại JCPOA không chỉ liên quan đến động thái của Mỹ-Iran. Thỏa thuận này còn liên quan đến cả tác động chính trị quan trọng từ Trung Quốc, Nga và châu Âu. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Iran. Và bất chấp quan điểm của Bắc Kinh về việc coi đây là cơ hội để củng cố Iran như một đồng minh lâu dài, người Trung Quốc không tin rằng một Iran có khả năng hạt nhân hoặc một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực là có lợi cho lợi ích của chính họ.
Vào tháng 3/2022, bất chấp việc cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang diễn ra, Washington và Moscow, bên lề các cuộc xung đột ngoại giao, vẫn tiếp tục nỗ lực khôi phục JCPOA. Ngay cả Ấn Độ, quốc gia đã phải cắt hầu hết quan hệ năng lượng với Iran do các lệnh trừng phạt trước JCPOA, cũng đã sử dụng ngoại giao và khả năng tiếp cận với Tehran để tuyên truyền những lợi ích của JCPOA đối với nền kinh tế Iran.
Tuy nhiên, bất chấp tính chất quốc tế của JCPOA, những thách thức trong nước của Tổng thống Joe Biden, hiện gia tăng do cuộc chiến tại Ukraine, đang làm tiêu tốn phần lớn sức lực của ông ta. Người đứng đầu Nhà Trắng thể hiện ý định đưa Mỹ trở lại JCPOA ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông quan tâm đến việc đảo ngược các quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump hơn là nhận ra những trở ngại thực tế trong việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Khoảng cách nhận thức này đã mở rộng kể từ đó, do một loạt các yếu tố.
Trong nước, đối với Đảng Dân chủ, việc đảm bảo cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 năm nay đã đặt ra những thách thức đối với ông Joe Biden, hạn chế khả năng tiến hành các động thái chính trị của ông. Mặc dù Đảng Cộng hòa không có đủ số phiếu trong Thượng viện để ngăn chặn sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng sự phản đối chính trị của họ vẫn tiếp tục.
Về mặt tài chính, chính quyền Tổng thống Joe Biden bị ràng buộc bởi “Đạo luật về sự tư vấn và chấp thuận đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran”. Đạo luật này hạn chế bất kỳ khoản tài trợ liên bang nào để thúc đẩy JCPOA cho đến khi Tổng thống Joe Biden đề xuất một thỏa thuận kế tiếp lên Thượng viện. Trên hết, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thể hiện thái độ của nội bộ chính giới Mỹ khi tuyên bố chính quyền Biden phải thừa nhận rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể không có lợi cho Mỹ.
Ngoài những khó khăn trước mắt đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden ở chính trường trong nước, thách thức của Washington vẫn là tách biệt các vấn đề địa chính trị khu vực khỏi các mục tiêu cốt lõi của họ đối với Iran về chống phổ biến vũ khí. Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden tới Trung Đông sẽ đặt ra một bối cảnh đầy thách thức cho các cuộc đàm phán JCPOA, nếu tính đến mối quan hệ bền vững giữa UAE với Iran.
Iran cũng sẽ lưu tâm đến một trục Israel-Saudi Arabia-AE mà chuyến đi của ông Joe Biden có thể nỗ lực tạo dựng. Mặc dù đối với Washington, một trục khu vực như vậy có thể giúp củng cố lợi ích của họ từ Hiệp định Abraham và nhóm I2U2 (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Israel, UAE) hay còn gọi là Bộ tứ Tây Á, nhưng Mỹ vẫn có khả năng thúc đẩy Tehran mở rộng thương mại và các lựa chọn chiến lược với các đối tác như Nga và Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc không có dấu hiệu giảm nhập khẩu dầu từ Iran và quan hệ đối tác Nga-Iran đang trên đà phát triển để đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, thể hiện qua chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Tehran và cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian.
Trong bối cảnh hiện nay, số phận của các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran tiếp tục được dẫn dắt bởi một chiến lược “thi gan” giữa hai bên. Việc Iran yêu cầu sự bảo vệ và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã vấp phải thái độ kiên quyết của Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân chỉ có thể được đàm phán và thực hiện nếu Iran “từ bỏ các yêu cầu bổ sung không liên quan đến JCPOA”. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng JCPOA là một quá trình không chỉ liên quan đến Mỹ và Iran. Các bên tham gia khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, bất chấp sự khác biệt của họ với Mỹ, cuối cùng vẫn muốn thấy nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân thành công.