Dấu hiệu thiện chí hay nước cờ ngoại giao sâu xa?
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ nhân dịp Lễ Phục sinh, giới phân tích quốc tế đã lập tức bị cuốn vào vòng xoáy câu hỏi về động cơ thực sự của Điện Kremlin. Đằng sau một tuyên bố mang tính biểu tượng tôn giáo, phải chăng là những tính toán chiến lược phức tạp? Đây có phải là nỗ lực chân thành nhằm mở lối cho hòa đàm, hay chỉ là bước đi tạm thời để hóa giải áp lực ngoại giao từ phương Tây và đặt Kiev vào thế khó?
Tối 19/4 (giờ địa phương), Tổng thống Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn bắt đầu từ 18h ngày 19/4 đến nửa đêm 20/4, lấy lý do tôn trọng Lễ Phục sinh của Chính thống giáo - một dịp thiêng liêng đối với người dân cả Nga và Ukraine.
Ông Vladimir Putin khẳng định, lệnh ngừng bắn này là "đơn phương", với điều kiện quân đội Nga vẫn sẵn sàng "đáp trả bất kỳ hành vi khiêu khích nào". Nói cách khác, đây không phải là một thỏa thuận lưỡng phương được thương lượng kỹ lưỡng, mà là một hành động biểu dương thiện chí có kiểm soát - và có điều kiện. Việc chọn thời điểm công bố lệnh ngừng bắn chỉ vài giờ sau tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio về việc "cần một tín hiệu rõ ràng" từ Nga cho thấy Moscow không muốn để Washington chiếm thế thượng phong trong định hình tiến trình hòa đàm.
Với Điện Kremlin, thông điệp chính là: Nga không từ chối đối thoại, nhưng sẽ không chấp nhận các điều kiện áp đặt từ bên ngoài. Tuy nhiên, tính đơn phương và ngắn hạn của lệnh ngừng bắn cũng là lý do khiến nó gây tranh cãi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dù tuyên bố sẽ tuân thủ mệnh lệnh ngừng bắn "nếu Nga thực sự giữ im lặng hoàn toàn và vô điều kiện", vẫn bày tỏ nghi ngờ trước thực tiễn trên chiến trường. Ông đề xuất kéo dài thời gian ngừng bắn nhưng đồng thời tố cáo rằng các cuộc tấn công pháo binh từ phía Nga vẫn tiếp diễn trong ngày 19/4.

Phản ứng từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh được đánh giá là "thận trọng nhưng không lạc quan". Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Anitta Hipper nhấn mạnh rằng, một lệnh ngừng bắn thực sự cần có cơ chế thực thi rõ ràng, chứ không thể chỉ là tuyên bố đơn phương thiếu sự phối hợp. Bộ Ngoại giao Anh thậm chí còn kêu gọi Nga chứng minh "sự nghiêm túc" bằng cách chấm dứt toàn diện chiến sự, thay vì chỉ là những "khoảng nghỉ chiến thuật".
Giới ngoại giao phương Tây vẫn chưa quên tiền lệ hồi tháng 1/2023, khi Nga cũng từng đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn dịp Giáng sinh nhưng sau đó bị cáo buộc tiếp tục pháo kích vào các khu vực tiền tuyến. Việc thiếu sự phối hợp giữa các bên - cả về thời điểm, đối tượng và cách thức thực hiện - từng dẫn tới hỗn loạn và những cáo buộc qua lại gay gắt. Lần này cũng không ngoại lệ.
Phía Mỹ cho rằng, lệnh ngừng bắn áp dụng với "cơ sở hạ tầng và năng lượng", trong khi Nga lại khẳng định chỉ ngừng tấn công vào "các mục tiêu năng lượng". Ukraine thì phản đối thời điểm công bố, cho rằng lệnh ngừng bắn bắt đầu muộn hơn 1 tuần so với thực tế chiến trường. Những khác biệt này càng làm dấy lên lo ngại rằng lệnh ngừng bắn không chỉ thiếu hiệu lực, mà còn dễ bị lợi dụng như một đòn đánh chính trị. Đối với Kiev, điều đáng lo hơn là bối cảnh chính trị Mỹ đang thay đổi nhanh chóng. Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ukraine tiết lộ với trang Axios rằng nếu Tổng thống Donald Trump cảm thấy tiến trình đàm phán không mang lại hiệu quả, ông có thể rút khỏi vai trò trung gian và đình chỉ viện trợ quân sự - điều có thể khiến cán cân trên chiến trường nghiêng hẳn về phía Nga.
Điều dễ thấy là Moscow đang chủ động chiếm thế thượng phong về mặt truyền thông và ngoại giao. Lệnh ngừng bắn, dù ngắn, đã tạo ra một cú hích dư luận, khiến chính quyền Mỹ khó có thể chỉ trích Nga một cách đơn giản như trước. Một số chuyên gia như cựu cố vấn Lầu Năm Góc Michael Maloof nhận định rằng "bóng đang ở phần sân của Ukraine", ám chỉ trách nhiệm phản hồi thuộc về Kiev. Nếu Ukraine từ chối thiện chí của Nga, nước này có thể bị quy trách nhiệm làm trì hoãn tiến trình hòa đàm. Bài toán càng phức tạp khi Washington, theo nhận định của New York Times (NYT), hiện không còn cam kết viện trợ dài hạn như thời kỳ Tổng thống Joe Biden. Các gói viện trợ đã phê duyệt đang cạn dần, trong khi Quốc hội và Nhà Trắng đều chưa thảo luận nghiêm túc về một đợt hỗ trợ mới. Cũng theo NYT, các quan chức châu Âu chưa nhận được bất kỳ cam kết nào từ Mỹ về việc tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo - yếu tố then chốt trong chiến thuật phản công của Ukraine.
Còn theo Axios, Ngoại trưởng Marco Rubio đã làm rõ tại các cuộc họp ở Paris rằng nếu không có tiến triển đáng kể, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ "chuyển sang ưu tiên khác". Cụm từ này được hiểu là sự rút lui khỏi vai trò trung gian. Ba nhà ngoại giao châu Âu được Axios phỏng vấn xác nhận rằng tuyên bố này chủ yếu nhằm gây sức ép lên Ukraine - chứ không phải lên Nga.
Về phía Nga, nếu kịch bản đó xảy ra, Điện Kremlin cũng không mấy bận tâm. Một nguồn tin tiết lộ rằng Moscow tin mình đang giành ưu thế trên chiến trường, do đó có thể đặt ra các điều kiện riêng trong mọi thỏa thuận hòa bình. Việc Washington rút lui thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho Moscow tăng cường vai trò trung gian với các quốc gia khác - trong đó, không loại trừ cả Trung Quốc hoặc các tổ chức như BRICS+.
Câu hỏi cốt lõi vẫn là: lệnh ngừng bắn Phục sinh này có thể mở ra cánh cửa nào cho hòa bình hay không? Lý tưởng nhất, một lệnh ngừng bắn nên là kết quả của đàm phán, với cơ chế giám sát và phối hợp cụ thể giữa hai bên. Trong trường hợp này, việc Nga đơn phương hành động khiến lệnh ngừng bắn chỉ mang tính biểu tượng, thiếu tính ràng buộc pháp lý lẫn thực tiễn. Mặt khác, sự mập mờ trong tuyên bố, không thống nhất về mục tiêu và thời gian triển khai, khiến cả hai bên có thể dễ dàng cáo buộc nhau vi phạm. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng dù chưa toàn diện, đây vẫn là một chỉ dấu cho thấy Moscow đang tìm cách kiểm soát nhịp điệu ngoại giao.
Trong bối cảnh nội bộ phương Tây đang có dấu hiệu phân hóa - nhất là giữa xu hướng "giảm cam kết" của Mỹ và "duy trì hỗ trợ" từ EU - việc chủ động đưa ra sáng kiến, dù mang tính chiến thuật, có thể giúp Nga chiếm lợi thế truyền thông và định hình dư luận quốc tế. Quan trọng hơn, bước đi này cho thấy, Nga đã đọc được tín hiệu từ Nhà Trắng: Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm một lối ra, thậm chí một "thành tựu ngoại giao" để củng cố hình ảnh đối nội. Moscow, bằng cách phát tín hiệu đúng lúc, có thể khiến chính quyền Mỹ khó bác bỏ vai trò của Nga như một đối tác đối thoại - điều mà chính quyền tiền nhiệm luôn phủ nhận.
Lệnh ngừng bắn Phục sinh cũng có thể là một nước cờ ngoại giao mang tính toán sâu xa. Trong thế trận ba bên giữa Nga - Ukraine - Mỹ, bất kỳ hành động nào cũng có thể trở thành "đòn bẩy" chiến lược, đặc biệt khi bàn cờ đang dần chuyển từ chiến trường sang bàn đàm phán. Câu hỏi không còn là bên nào phát tín hiệu hòa bình trước, mà là bên nào biết sử dụng tín hiệu ấy để tạo lợi thế dài hạn. Và trong ván cờ này, mọi "khoảng lặng" đều có thể tiềm ẩn những bước chuyển động âm thầm nhưng quyết định.