Hàng nghìn người di cư mắc kẹt ngoài biển, vì không được cập cảng Italy

Chủ Nhật, 06/11/2022, 07:50

Một số tàu hoạt động từ thiện ở Biển Địa Trung Hải vẫn chưa được cấp phép để cập cảng ở Italy hoặc Malta, trong bối cảnh những người trên tàu cần hỗ trợ khẩn cấp khi các nguồn cung thực phẩm và thuốc men ngày càng cạn kiệt và điều kiện thời tiết xấu đi.

Hàng nghìn người di cư mắc kẹt ngoài biển, kêu cứu vì không được cập cảng Italy  -0
Người di cư chen chúc trên con tàu khi nguồn cung nước sạch và thực phẩm cạn kiệt dần. Ảnh AP. 

Các tàu do Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, hay MSF, SOS Mediterranee và SOS Humanity điều hành, đã ra lênh đênh trên biển hơn một tuần, chở tổng cộng gần 1.000 người.

Chính phủ tại Italy cho biết đã nhận được yêu cầu cập cảng của những tàu này nhưng chưa “bật đèn xanh”. Các yêu cầu tương tự được chuyển đến chính phủ Malta đã không được chấp nhận.

Riccardo Gatti, trưởng nhóm MSF trên tàu Geo Barents, cho biết, tàu này đã đi vào vùng biển của Italy để tìm nơi trú ẩn trước một cơn bão, chở theo 572 người, bao gồm một trẻ em 11 tháng tuổi và 3 phụ nữ mang thai.

Cố vấn truyền thông của MSF, Candida Lobes cho biết nguồn nước và nguồn cung cấp thực phẩm cũng đang cạn kiệt. Do quá đông đúc, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và da cũng ngày càng lan rộng.

Hàng nghìn người di cư mắc kẹt ngoài biển, kêu cứu vì không được cập cảng Italy  -0
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh khi quá nhiều người tập trung trên các con tàu. Ảnh minh họa AP. 

Elisa Brivio, nhân viên báo chí của SOS Mediterranee, cho biết có 234 người trên con tàu Ocean Viking, trong đó có 40 trẻ vị thành niên không có người đi kèm. Ngoài ra, 179 người khác cũng đang được chở trên tàu Humanity 1, những người được cho là “chạy trốn khỏi các trại tạm giam tại Libya, nơi họ đối mặt với bạo lực nghiêm trọng”.

SOS Mediterranee đã kêu gọi các nhà chức trách tại Italy tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tạo điều kiện cho các tàu được cập cảng. Theo tổ chức này, “những người sống sót được tìm thấy sau khi gặp nạn trên biển không nên được đưa vào các cuộc tranh luận chính trị”.

Trong số những người được giải cứu và chở trên tàu, nhiều người có dấu hiệu bị ngược đãi và tra tấn.

Duy Tiến (Theo AP, Al Jazeera)
.
.