Lợi ích của Mỹ tại Trung Đông bị đe dọa nghiêm trọng

Thứ Tư, 09/10/2024, 08:00

“Trung Đông đang đứng trên bờ vực nguy hiểm”, “Trung Đông đang trải qua “bước ngoặt”, “Đây là thời điểm báo động đỏ”… là những cụm từ được sử dụng trong thời gian gần đây. Leo thang xung đột tại khu vực này đang tạo ra một thách thứcnghiêm trọng đối với lợi ích và mục tiêu của Mỹ, đồng thời có thể làm sụp đổ hoàn toàn chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza.

Thế mắc kẹt của Mỹ

Chính sách của Mỹ tại Trung Đông hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt sau các sự kiện xảy ra vào ngày 7/10/2023. Các hành động quyết đoán từ cả hai phía: đối tác thân cận nhất của Mỹ là Israel và đối thủ chính là Iran đang làm lung lay mục tiêu kiềm chế xung đột ở Gaza mà Washington đã đặt ra. Cả Tehran và Tel Aviv dường như đều đang thúc đẩy khu vực này hướng tới một cuộc xung đột đa mặt trận, điều mà Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực ngăn chặn.

8_10_2024_quocte_xungdottrungdong.jpg -0
Hiện trường một cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza.

Sau ngày 7/10, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định rằng lợi ích của Mỹ có thể chịu đựng những hậu quả phát sinh từ cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng, việc bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện sẽ mang lại nhiều rủi ro không thể lường trước. Để kiềm chế sự leo thang của xung đột, người đứng đầu Nhà Trắng đã dành sự ủng hộ cho việc Israel tự do hành động ở Gaza, với hy vọng rằng điều này sẽ giúp họ giữ ổn định tại Lebanon.

Trong thời gian từ tháng 8/2024 trở về trước, chính sách này dường như đã có hiệu quả. Mặc dù xuất hiện nhiều điểm nóng ở Syria, Iraq, và các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ từ lực lượng Houthi ở Yemen, Israel vẫn chủ yếu tập trung vào Gaza mà không làm gia tăng xung đột tại Lebanon. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thách thức lớn nhất đối với chiến lược của Mỹ lại đến từ chính Israel.

Ngay sau các cuộc tấn công ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã kêu gọi một cuộc tấn công lớn chống Hezbollah, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Joe Biden kêu gọi Thủ tướng Israle Benjamin Netanyahu tập trung vào Hamas.

Israel và Iran đều nhận thấy rằng, Tehran đã hưởng lợi từ tình hình tại Gaza, trong khi Tel Aviv đang cần một chiến thắng để phục hồi uy tín của các cơ quan an ninh quốc gia. Để đạt được các mục tiêu này, Israel dường như cho rằng việc tập trung vào Hezbollah, lực lượng quân sự hùng mạnh thân Iran, sẽ mang lại cơ hội cao hơn. Trước đó, Israel đã có những hành động thận trọng nhằm gia tăng áp lực lên Hezbollah, làm cho Washington cảm thấy lo ngại nhưng không dám can thiệp mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, sự chú ý của Israel đã chuyển hướng trở lại phía Bắc, nhắm trực diện vào Hezbollah. Cụ thể, hôm 30/9 vừa qua, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ qua biên giới phía Nam của Lebanon, nhằm đánh bật Hezbollah ra xa khỏi khu vực biên giới. Các quan chức Israel mô tả cuộc tấn công này là giới hạn về quy mô, nói rằng sẽ không có chiếm đóng lâu dài, mặc dù các quan chức đã từ chối tiết lộ binh sĩ Israel sẽ tiến sâu vào Lebanon đến đâu hoặc chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu.

Trước đó, cả Israel và Hezbollah đều không thực sự quan tâm đến các thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất. Israel yêu cầu Hezbollah rút quân khỏi biên giới, trong khi Hezbollah yêu cầu một lệnh ngừng bắn tại Gaza. Để tăng cường sức ép, Israel đã liên tục tấn công các vị trí của Hezbollah và Iran ở Syria. Hành động không kích của Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng quân sự của Hezbollah, đồng thời gây ra thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng và các thiết bị quân sự quan trọng của Iran. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Washington hiểu rằng những cuộc phiêu lưu quân sự như vậy dễ bắt đầu nhưng khó có thể kết thúc. Tehran cuối cùng cũng đã phản ứng lại bằng cách thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel đêm 1/10 vừa qua. Dù được cho là không thành công, nhưng Israel có khả năng sẽ không dễ dàng chấp nhận lời kêu gọi kiềm chế từ Mỹ và tuyên bố có hành động đáp trả.

Rõ ràng là, Mỹ hiện đang bị mắc kẹt giữa việc muốn kiểm soát Israel và nguy cơ bị kéo vào cuộc xung đột với Iran. Nếu Israel tiếp tục các hành động quyết liệt và Iran cũng không nhượng bộ, cơn ác mộng về một cuộc chiến tranh khu vực đa mặt trận có thể xảy ra, buộc Washington phải can thiệp để bảo vệ Israel. Tình hình leo thang này đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích và mục tiêu của Mỹ, đồng thời có thể làm sụp đổ hoàn toàn chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cuộc khủng hoảng ở Gaza.

Cơn ác mộng chết chóc

Kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023, Trung Đông đã rơi vào vòng xoáy bạo lực và leo thang quân sự khó giải quyết giữa Israel và các lực lượng thân Iran và chính Tehran. Động thái tiếp theo trong cuộc chiến chết chóc này có thể sẽ là phản ứng mạnh mẽ của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào tuần này.

Mặc dù cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran không gây thương vong hàng loạt, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Israel vẫn cam kết - theo lời của Thủ tướng Benjamin Netanyahu - sẽ khiến Iran phải “trả giá”. Nếu Tel Aviv hành động, phản ứng của Tehran sẽ rất lớn và còn có thể khiến Hamas hành quyết những con tin còn lại mà phong trào này đã bắt giữ từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023.

Nhưng mối đe dọa lớn hơn cả chính là cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo đáp trả của Iran vào Israel. Cuộc tấn công được thực hiện bằng phần lớn trong số 3.000 tên lửa đạn đạo trong kho vũ khí của Iran sẽ áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Khi đó các bệnh viện của nước này sẽ bị quá tải vì số lượng thương vong lớn. Trong khi khả năng duy trì và nhắm mục tiêu của Iran còn là một ẩn số, các nhà phân tích cho rằng số lượng tên lửa có thể bù đắp cho các sự cố bắn không chính xác hoặc tên lửa bị lỗi.

Đồng thời, Iran có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái – do lực lượng dân quân Shiite Iran ở Syria hoặc miền tây Iraq dàn dựng - vào các cơ sở hạt nhân bí mật của Israel và lực lượng Không quân của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Những cuộc tấn công này có thể kết hợp với các cuộc tấn công mạng.

Hải quân Iran, mặc dù không phải là một lực lượng hùng mạnh, cũng có thể tấn công các tàu vận tải của phương Tây và trên hết là tìm cách đóng cửa Eo biển Hormuz. Điều này đòi hỏi Tehran phải sử dụng mìn, tàu cao tốc nhỏ và tàu ngầm. Iran có sẵn những thiết bị đó và thường xuyên huấn luyện cho nhiệm vụ này. Và trong kịch bàn này, tình trạng gián đoạn dòng chảy dầu khí có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công trên bộ đáng kể không có khả năng xảy ra, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Iran hiện có khoảng 1 triệu quân, khoảng 2/3 số binh sĩ này đang trong thời gian phục vụ. Nước này có dân số trẻ gần 90 triệu người có thể huy động thêm và Iran cũng có thể trông cậy vào một số đồng minh dân quân ở Syria và Lebanon. Họ có thể tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Israel, có thể là thông qua miền Nam Iraq và Syria không? Các chuyên gia cho rằng, điều này rất khó xảy ra, nhưng không phải là không thể.

Trong khi đó, Mỹ gần như chắc chắn sẽ bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Iran. Israel sẽ muốn nhận được sự hỗ trợ chiến đấu đáng kể - như thông tin tình báo cấp cao nhất từ máy bay giám sát và vệ tinh, hỗ trợ chiến tranh mạng, đạn dược tiên tiến và tiếp nhiên liệu trên không. Và khi cuộc chiến rộng lớn xảy ra, các quốc gia Arab sẽ cố gắng duy trì sự trung lập. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một “lá bài hoang dã”, nhưng có lẽ sẽ không cho phép bất kỳ bên nào quá cảnh hoặc tiếp cận các căn cứ của nước này.

Tóm lại, cuộc chiến khu vực giữa Israel và Iran có thể làm rạn nứt nền kinh tế toàn cầu, cướp đi mạng sống của nhiều người, gây hỗn loạn ngoại giao và cuốn Washington vào một cuộc xung đột mà họ không muốn bước vào.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.