Mỹ đình chỉ quy chế thương mại bình thường với Nga và Belarus

Thứ Sáu, 18/03/2022, 08:46

Hạ viện Mỹ ngày 17/3 (giờ địa phương) thông qua dự luật nhằm xóa bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga và Belarus, mở đường cho việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ qui chế thương mại bình thường với Nga và Belarus -0
Ảnh minh họa Getty Images. 

Theo Reuters, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc loại bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), với tỷ lệ 424 phiếu ủng hộ và 8 phiếu chống, trong nỗ lực mới nhất nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow.

Sau đó dự luật này sẽ được trình lên Thượng viện để xem xét và phê chuẩn. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết họ sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này và đệ trình lên Tổng thống Joe Biden để ký ban hành.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh G7 khác cũng đang có biện pháp thu hồi tư cách của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), qua đó giúp chính quyền Biden nâng thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Nga và cả Belarus.

Tuy nhiên, sau lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm năng lượng của Nga vào tuần trước, tác động từ việc thay đổi tình trạng thuế quan có thể chỉ mang tính biểu tượng, theo Chad Bown, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bởi có thể thấy Mỹ “không nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Nga”.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, các mặt hàng nhập khẩu từ Nga ngoài xăng dầu trong năm 2020 là palađi, sắt thô, rhodi, hợp kim nhôm chưa gia công, ván ép và phân bón. Paladi và rhodi được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác ô tô.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky có bài phát biểu qua video trước Quốc hội, kêu gọi thêm sự ủng hộ từ Mỹ.

Quy chế PNTR của Mỹ, hay quy chế “tối huệ quốc” theo cách gọi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là quy định đặc biệt điều tiết các mối quan hệ với các đối tác thương mại nước ngoài của Mỹ, theo đó các đối tác được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.

Tiến Dũng
.
.