Phức tạp bài toán an ninh năng lượng

Chủ Nhật, 12/01/2025, 07:08

Sau hơn 40 năm, từ 1/1/2025, dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức dừng chảy khi Tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Động thái này đã làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là châu Âu. Các nước phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga như phải đối mặt với những cú sốc về giá cả và nguồn cung. Trong khi đó, Nga nỗ lực tái định hướng dòng chảy năng lượng sang các đối tác mới, còn Ukraine tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế để giảm thiểu tổn thất. Bài toán an ninh năng lượng ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu để hướng tới một tương lai bền vững.

11_1_2025_quocte.jpg -0
Đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, còn được gọi là đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia, vận chuyển khí đốt từ Siberia qua thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk của Nga, sau đó đi qua Ukraine và đến Slovakia. Ảnh: Reuters

Từng là quốc gia thu lợi lớn từ phí trung chuyển khí đốt, Ukraine hiện phải đối mặt với tổn thất kinh tế đáng kể. Việc dừng trung chuyển làm mất đi nguồn thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,56% GDP dự kiến năm 2024. Quyết định này được xem là một phần trong chiến lược nhằm làm giảm lợi ích tài chính từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, Ukraine cũng tự đặt mình vào thế khó khi mất đi nguồn thu thiết yếu trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ chiến tranh. Nước này phải nhập khẩu đến 19% điện từ Slovakia, làm chi phí năng lượng tăng vọt khiến gánh nặng tài chính càng thêm nghiêm trọng. Để giảm bớt tác động, Ukraine đang tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng thay thế, nhưng tiến trình này vẫn còn nhiều thách thức.

Trong khi đó, dù chịu tổn thất từ việc mất đi một tuyến đường trung chuyển khí đốt quan trọng, Nga đã nhanh chóng tái định hướng dòng năng lượng sang các đối tác lớn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Những quốc gia này không chỉ tiêu thụ trực tiếp năng lượng Nga mà còn đóng vai trò trung gian, bán lại dầu mỏ và sản phẩm chế biến cho các thị trường châu Âu.

Theo báo cáo mới nhất, Nga đã mở rộng hạ tầng đường ống và tăng cường vận chuyển dầu qua đường biển để bù đắp sự suy giảm dòng chảy qua Ukraine. Với nguồn thu từ dầu mỏ đạt mức khoảng 240 tỷ USD mỗi năm, cùng việc tăng sản lượng bán sang các nước châu Á lên 20% trong năm 2023, Nga vẫn giữ được nền kinh tế tương đối ổn định.

Tuy nhiên, áp lực từ các lệnh trừng phạt và sự suy giảm xuất khẩu sang phương Tây đang làm tăng gánh nặng lên các doanh nghiệp trong nước. Để duy trì vị thế, Nga còn đẩy mạnh hợp tác năng lượng với các quốc gia châu Phi và khu vực Đông Nam Á, mở rộng mạng lưới ngoại giao năng lượng toàn cầu.

Đối với châu Âu, sự gián đoạn này càng làm nổi bật những điểm yếu trong hệ thống năng lượng khu vực. Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đã chứng kiến nhiều ngành công nghiệp chịu áp lực do giá năng lượng tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh toàn cầu. Từ tháng 8/2022, giá khí đốt đã tăng 1.500% so với trước năm 2021, khiến các ngành công nghiệp nặng, giao thông và sản xuất năng lượng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngay cả khi giá khí đốt đã giảm xuống, chúng vẫn cao hơn 300% so với thời kỳ tiền khủng hoảng, đặt gánh nặng lớn lên các nền kinh tế. GDP toàn khối EU giảm từ mức tăng 3,4% năm 2022 xuống âm 0,4% năm 2023, và chỉ kỳ vọng tăng trưởng nhẹ 0,9% trong năm 2024. Những quốc gia như Ba Lan và Cộng hòa Czech, vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, đang chật vật tìm nguồn cung mới trong khi đối mặt với áp lực gia tăng chi phí sản xuất và lạm phát.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với Slovakia và Hungary, hai quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga. Slovakia, nơi khí đốt và dầu mỏ Nga đóng vai trò quan trọng trong giao thông và sản xuất năng lượng, đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Ukraine. Tổng thống Slovakia Robert Fico thậm chí dọa cắt nguồn điện xuất khẩu sang Ukraine, điều này có thể khiến hệ thống điện của Ukraine, vốn đã mất hơn 73% công suất nhiệt điện do chiến tranh, càng thêm căng thẳng. Về phần mình, Hungary, nhập khẩu tới 70% dầu từ Nga, cũng không giấu nổi sự bất mãn, khi các lựa chọn thay thế năng lượng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Cả hai quốc gia này đã kêu gọi EU giảm áp lực chính trị để các nước thành viên có thể tự do hơn trong việc xây dựng chính sách năng lượng riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình.

Trong khi đó, Mỹ, dù độc lập hơn về năng lượng, cũng không tránh khỏi hệ quả. Với vai trò cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu, các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu mức giá cao hơn, với tổng chi phí tăng thêm khoảng 100 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể làm tăng gánh nặng lạm phát và giảm sức tiêu thụ nội địa, tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu.

Tất cả những động thái này cho thấy, an ninh năng lượng không còn là vấn đề riêng của các nước sản xuất hay tiêu dùng mà đang trở thành điểm giao thoa giữa kinh tế, chính trị và đối ngoại. Quyết định tạm ngừng xuất khẩu điện từ Slovakia sang Ukraine dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ về kinh tế mà còn gây gia tăng căng thẳng chính trị giữa các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các quốc gia đều phải đối mặt với những lựa chọn không dễ dàng. Một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, dù không trực tiếp tham gia vào cuộc khủng hoảng này, cũng đang tích cực tái cơ cấu chiến lược năng lượng để đảm bảo sự ổn định trong dài hạn.

Về phía Ukraine, họ sẽ cần những biện pháp mới để tìm kiếm đối tác cung cấp năng lượng đối với nhu cầu trong nước. Đồng thời, họ phải tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng quyết định dừng trung chuyển khí đốt không gây thiệt hại về lâu dài. Các sáng kiến như xây dựng đường ống kết nối với các nước láng giềng hoặc đầu tư vào năng lượng tái tạo đang được xem xét, nhưng sự hỗ trợ quốc tế sẽ đóng vai trò quyết định.

Nga tiếp tục khẳng định vai trò của mình như một cường quốc năng lượng, nhưng họ cũng phải đối mặt với sự suy giảm ủng hộ từ phương Tây. Điều này buộc Nga phải tăng cường mối quan hệ với các đối tác không thuộc phương Tây, đồng thời cải thiện hiệu suất năng lượng trong nước để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Châu Âu, một khi đã cắt giảm sự lệ thuộc vào năng lượng Nga, cần đầu tư mạnh mẽ trong các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng tái tạo và hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Đây không chỉ là bài toán về kinh tế, mà còn đòi hỏi sự nhất quán trong các chính sách của EU nhằm tăng cường tính bền vững trong khu vực. Các chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng xanh đang được tăng cường nhằm giảm chi phí và tăng tính khả thi cho các dự án dài hạn. Mỗi quốc gia đều đang đối mặt với những quyết định quan trọng.

Trong bối cảnh một thế giới bất định, an ninh năng lượng chỉ có thể được đảm bảo khi các quốc gia đặt ưu tiên hợp tác lên trên xung đột. Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, nếu không có những giải pháp đồng thuận và kịp thời, thế giới có thể chứng kiến thêm nhiều đợt khủng hoảng năng lượng khu vực dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong thương mại toàn cầu.

Khổng Hà
.
.