Quốc tế hối thúc các bên tại Afghanistan chấm dứt bạo lực

Thứ Tư, 18/08/2021, 11:02

Tại cuộc họp khẩn về tình hình Afghanistan do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức hôm 16/8 (giờ địa phương), các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức chấm dứt bạo lực. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thì kêu gọi Taliban và tất cả các bên tôn trọng, bảo đảm luật nhân đạo quốc tế, cũng như các quyền và sự tự do của tất cả mọi người.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Antonio Guterres nêu rõ: “Chúng ta phải có chung một tiếng nói nhằm bảo vệ nhân quyền ở Afghanistan. Chúng tôi đang nhận được các báo cáo về những hạn chế nghiêm trọng đối với nhân quyền trên khắp đất nước Afghanistan. Tôi đặc biệt lo ngại trước các thông tin về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, những người lo sợ sẽ quay trở lại những ngày đen tối nhất”. Ông kêu gọi đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, toàn diện và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”.

Quốc tế hối thúc các bên tại Afghanistan chấm dứt bạo lực -0
 Cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về tình hình Afghanistan tại New York, Mỹ. Ảnh: THX

Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi HĐBA và toàn thể cộng đồng quốc tế sát cánh cùng nhau, hợp tác và cùng hành động, sử dụng tất cả công cụ để “ngăn chặn mối đe dọa khủng bố toàn cầu ở Afghanistan” và đảm bảo rằng các quyền cơ bản của con người sẽ được tôn trọng. Theo ông, “cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để đảm bảo rằng Afghanistan không bao giờ lại được sử dụng như một bàn đạp hoặc nơi trú ẩn an toàn cho các tổ chức khủng bố”.

Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta không thể và không được bỏ rơi người dân Afghanistan”. Về sự hiện diện của LHQ tại Afghanistan, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho hay điều này sẽ được triển khai phù hợp với tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á. Nhưng trên tất cả, ông cho rằng lực lượng LHQ sẽ lưu lại đây và hỗ trợ người dân Afghanistan trong thời điểm họ gặp khó khăn.

Ngoài việc đồng thuận với ý kiến trên của Tổng Thư ký LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi: “Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu dân sự phải chấm dứt. Các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả người dân Afghansitan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và thành viên các nhóm thiểu số, phải được tôn trọng. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng Afghanistan không bao giờ có thể trở thành căn cứ cho khủng bố”.

Bà cho biết, Washington cam kết sẽ hào phóng trong tái định cư người Afghanistan tại Mỹ. Bà Linda Thomas-Greenfield đồng thời bày tỏ cảm kích trước cam kết của các nước khác cũng thực hiện điều tương tự như Mỹ.

Về phần mình, Đại sứ Afghanistan tại LHQ Ghulam Isaczai cho rằng LHQ phải kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức ở đất nước mình: “Không còn thời gian cho một trò chơi đổ lỗi nữa. Chúng ta có cơ hội để ngăn chặn bạo lực tiếp tục, ngăn chặn tại Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến và trở thành một quốc gia bị bài xích. Do đó, HĐBA và Tổng Thư ký LHQ nên sử dụng mọi cách có thể để kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tôn trọng nhân quyền cũng như luật nhân đạo quốc tế”.

Đại sứ Ghulam Isaczai nhấn mạnh, hàng triệu người dân Afghanistan đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng bất định, do đó rất cần sự trợ giúp kịp thời của HĐBA và cộng đồng quốc tế nói chung.

Trước đó, Nga tuyên bố Moscow hy vọng thiết lập quan hệ hữu nghị với ban lãnh đạo mới của Afghanistan, đồng thời khẳng định sẽ không vội vàng công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan. Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Dmitry Zhirnov cho rằng cách tiếp cận của Taliban đối với tình hình ở Afghanistan có thể xem là “tích cực”, hiện tình hình ở Kabul đang “dần ổn định” sau khi Taliban kiểm soát chính quyền.

Có chung quan điểm, Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phát triển “quan hệ hữu nghị” với Taliban, sau khi lực lượng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn này giành quyền kiểm soát Afghanistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan và hy vọng quá trình chuyển tiếp tại quốc gia này diễn ra suôn sẻ. Trước diễn biến này, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố tình hình tại Afghanistan đã có những chuyển biến lớn và Trung Quốc tôn trọng mong muốn và lựa chọn của người dân Afghanistan.

Tại Ấn Độ, trong phản ứng đầu tiên sau khi Taliban tiếp quản Kabul, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ “sát cánh” với các đối tác Afghanistan, thực hiện tất cả các bước vì sự an toàn của người Ấn Độ và lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan.

Tại London, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận một cách song phương Taliban là Chính phủ của Afghanistan, đồng thời hối thúc phương Tây hợp tác giải quyết vấn đề Afghanistan thông qua các cơ chế như LHQ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định các lực lượng Anh và NATO sẽ không trở lại Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, đồng thời nhấn mạnh hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để quyết định có công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp tại Afghanistan hay không.

Từ Thủ đô Berlin, Thủ tướng Angela Merkel cùng Ngoại trưởng Heiko Maas thừa nhận đã đánh giá sai về tình hình ở Afghanistan khi lực lượng Taliban tiến quân quá nhanh và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Cũng tại châu Âu, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết “EU đánh giá tình hình rất khẩn cấp và nghiêm trọng, đồng thời tiếp tục làm việc với các nước thành viên EU để tìm ra các giải pháp nhanh chóng cho các nhân viên người Afghanistan và sự an toàn của họ”, trong khi người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết: “Các cuộc đàm phán đang được tiến hành về một hệ thống chuyển giao chính quyền và chúng tôi sẽ phản ứng theo kết quả của cuộc chyển giao”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.