Quốc tế phản ứng với đòn tập kích của Israel vào Syria, Mỹ hành động khẩn
Trong khi nhiều nước lên án việc Israel không kích dữ dội vào thủ đô Damascus của Syria, Mỹ lại yêu cầu Syria rút quân khỏi khu vực căng thẳng để hạ nhiệt tình hình.
Israel ngày 16/7 bất ngờ triển khai tiêm kích tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng Syria và loạt mục tiêu khác gần Dinh Tổng thống tại thủ đô Damascus, sau khi Tel Aviv cáo buộc lực lượng của Chính phủ Syria mới đã tấn công cộng đồng người Druze thân Israel ở tỉnh Sweida phía Nam Syria, Reuters đưa tin.

Đòn tập kích khiến tòa nhà Bộ Quốc phòng Syria sập một phần, nhiều công trình khác bị hư hại nghiêm trọng. Truyền thông Syria sáng 17/7 nói rằng, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 34 người khác bị thương trong các vụ tấn công nêu trên.
Trong ngày 16 và rạng sáng 17/7, nhiều nước đã lên tiếng về vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đợt tập kích của Israel vào Damascus là âm mưu có chủ đích nhằm phá hoại sự ổn định của Syria, đồng thời hối thúc các bên liên quan hành động "có trách nhiệm".
"Người dân Syria đang đứng trước cơ hội lịch sử để sống trong hòa bình và hòa nhập với thế giới. Tất cả các bên liên quan ủng hộ cơ hội này nên đóng góp vào nỗ lực khôi phục hòa bình của chính phủ Syria", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi kêu gọi thế giới thống nhất nỗ lực để đặt dấu chấm hết cho các hành vi thù địch không giới hạn của Israel chống Syria cùng các nước khác ở khu vực. Ngoại trưởng Iran tuyên bố đoàn kết và ủng hộ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Bộ Ngoại giao một loạt quốc gia Arab như Ai Cập, Jordan, Iraq ra tuyên bố lên án chiến dịch tập kích của Israel vào Syria, coi đó là sự xâm phạm lãnh thổ Syria và đe dọa sự ổn định của toàn khu vực Trung Đông. Các nước Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn xung đột leo thang.
Theo AlJazeera, phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cũng nêu rõ: "Tổng thư ký Antonio Guterres lên án các cuộc không kích leo thang của Israel vào Sweida, Daraa và trung tâm Damascus, cũng như các báo cáo về việc Israel tái triển khai lực lượng ở Cao nguyên Golan".
Trong khi đó, theo Reuters, Mỹ có cách tiếp cận riêng biệt khi yêu cầu Syria rút quân khỏi khu vực phía Nam để giảm nguy cơ leo thang. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đêm 16/7 tuyên bố, "tất cả các bên liên quan" đã nhất trí về các bước sẽ "chấm dứt tình hình đáng lo ngại và kinh hoàng này vào đêm nay", nhưng không nêu chi tiết.
Ông Rubio trước đó nói rằng, Washington sẽ trực tiếp giải quyết tình hình ở Syria. "Tôi đã trò chuyện với các bên liên quan. Tôi quan ngại về vấn đề này", ông Rubio nhấn mạnh.
Truyền thông khu vực chưa ghi nhận thêm căng thẳng hay đụng độ đáng kể nào ở Sweida sau các tuyên bố của Mỹ. Hãng tin Reuters cho biết, họ đã ghi nhận xe tăng Syria di chuyển gần Sweida.
Lực lượng Syria ngày 15/7 tiến vào thành phố Sweida ở miền Nam, gần biên giới Israel, nơi có đa số người Druze sinh sống, với mục đích giám sát lệnh ngừng bắn đã đạt được với các lãnh đạo cộng đồng Druze.
Lệnh ngừng bắn đạt được sau các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Druze và cộng đồng Bedouin khiến hơn 100 người thiệt mạng cách đó không lâu. Tuy nhiên, Israel cáo buộc Syria đã tấn công người Druze, nhóm sắc tộc ở Syria nhưng có quan hệ mật thiết với Israel.
Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến nhóm họp hôm nay (17/7) để thảo luận về tình hình xung đột. Syria ngày 16/7 đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp càng sớm càng tốt để "giải quyết hậu quả của hành động của Israel trên lãnh thổ Syria".