Rào cản tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Bảy, 18/12/2021, 10:26

Cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA) giữa Iran và P4+1 đã diễn tại Thủ đô Vienna, Austria ngày 17/12. Đây là vòng đàm phán gián tiếp thứ bảy giữa Iran và Mỹ cùng các bên liên quan nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ngay trước thềm cuộc họp, Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani đã bày tỏ sự hài lòng với tiến độ đàm phán, đồng thời nói rằng, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở cấp độ chính trị và chuyên gia sau vài ngày tạm nghỉ. Theo truyền thông Iran, các bên đã có thể đạt được tiến bộ về một số vấn đề và đang thảo luận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề hạt nhân ở nhiều cấp độ khác nhau.

Một quan chức giấu tên cho hay các cuộc đàm phán sẽ nối lại vào ngày 27/12 tới, trong khi một quan chức khác tuyên bố đàm phán sẽ diễn ra vào giai đoạn giữa giáng sinh và năm mới. Trước đó, hôm 16/12, hãng tin FarNews của Iran dẫn nguồn tin ngoại giao cấp cao nói rằng, Mỹ đã gửi 2 văn bản không chính thức tới Iran, được cho là tài liệu liên quan đến dự thảo thoả thuận cứu vãn JCPOA và việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran. Tehran sau đó đã phản hồi bằng một bản danh sách đề nghị gồm 12 điểm, được chuyển tới phía Washington thông qua một trung gian hoà giải. Chi tiết các đề nghị của Iran chưa được tiết lộ.

Rào cản tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran -0
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani.

Các nhà ngoại giao ngày 9/12 đã bắt đầu khởi động lại vòng đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sau gần 1 tuần tạm hoãn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng Washington sẽ chuẩn bị “những biện pháp bổ sung” nhằm đối phó với Iran trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhận định cho rằng các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran sẽ thất bại.

Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki chia sẻ: “Tổng thống (Joe Biden) đã yêu cầu đội ngũ của ông chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp biện pháp ngoại giao thất bại và chúng tôi phải chuyển sang các lựa chọn khác”. Cùng ngày, tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hội đàm với người đồng cấp Israel Benny Gantz. Cả hai bên nhất trí sẽ mở rộng hợp tác nhằm đối phó với mối “đe dọa” do Iran gây ra. Bộ trưởng Lloyd Austin bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hoạt động hạt nhân của Iran trong những tháng gần đây vốn mang tính gây hấn và không mang tính xây dựng trong nỗ lực can dự ngoại giao. Nhân vật chủ trì vòng đàm phán được khởi động hôm 9/12 nói trên đã miêu tả cuộc đàm phán lần này là một “nỗ lực khó khăn” nhằm làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mà Iran và các cường quốc phương Tây ký kết hồi năm 2015 song người tiền nhiệm Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018.

Kết thúc cuộc đàm phán hôm 9/12, ông Enrique Mora - quan chức của Liên minh châu Âu (EU) đồng thời đóng vai trò chủ trì cuộc đàm phán hạt nhân Iran - thừa nhận đây là nỗ lực khó khăn và cần hóa giải những bất đồng cũng như quan điểm khác biệt giữa các bên. Theo quan chức này, các nhóm chuyên viên cũng sẽ tiến hành những cuộc họp song phương và cuộc họp của các chuyên gia ngay trong tuần này. Đại sứ Mikhail Ulyanov, Trưởng phái đoàn đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, nói rằng cuộc đàm phán đã “xóa bỏ được những hiểu lầm gây ra căng thẳng trước đó”, song không nêu chi tiết.

Về phần mình, giới chức Iran vẫn khẳng định họ “nghiêm túc đàm phán”. Trưởng phái đoàn đàm phán của Iran Ali Bagheri nhấn mạnh: “Việc hai bên tiếp tục đàm phán cho thấy mong muốn thu hẹp bất đồng và khác biệt”. Tuy nhiên, Washington cho rằng chính quyền mới của Iran không cam kết đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng Tehran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình với mục tiêu cuối cùng là phát triển một loại vũ khí hạt nhân nào đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 9/12 tuyên bố: “Tất cả những gì chúng tôi mong muốn... là đảm bảo rằng Iran sẽ không thể phát triển được vũ khí hạt nhân”.

Người phát ngôn này cũng nói rằng việc Tehran tăng cường các hoạt động hạt nhân và những động thái không nhún nhường như đã thấy, ngay cả trong đàm phán gần đây nhất tại Vienna, sẽ đặt ra thử thách và khó khăn đối với tiến trình ngoại giao trong nỗ lực đạt được tiến bộ trong việc cả hai bên quay trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân. Nhà ngoại giao này của Mỹ nhấn mạnh rằng Washington sẽ thảo luận với các đồng minh thân cận, trong đó có Israel, về giải pháp nếu các cuộc đàm phán không đem lại kết quả thực chất nào.

Theo hãng tin Reuters, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Israel Benny Gantz, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Tổng thống Joe Biden đã “chuẩn bị nhắm đến các lựa chọn khác” nếu chính sách hiện nay của Mỹ đối với Iran thất bại. Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh rằng Mỹ và Israel có chung lợi ích trong việc ngăn chặn Iran phát triển được vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, ông Benny Gantz tiếp tục miêu tả Tehran là “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu”.

Trong những ngày gần đây, giới chức Iran chỉ trích phản ứng “tiêu cực” của các nước phương Tây sau vòng đàm phán hồi tuần trước, cho rằng “những chiến dịch tuyên truyền như vậy không mang tính xây dựng”. Trước đó, hãng tin Reuters tiết lộ một tài liệu mà giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/10 đã gửi cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan về những lựa chọn quân sự để đảm bảo Iran sẽ không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối bình luận về vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với báo giới rằng, ông không muốn “đề cập về việc lập kế hoạch để đối phó với tình huống bất ngờ” nếu biện pháp ngoại giao của Mỹ không hiệu quả. Theo Dennis Ross, cựu quan chức cấp cao của Mỹ đồng thời là chuyên gia về Trung Đông, cùng với những chuyên gia khác, những cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Israel là chỉ dấu công khai đối với Tehran rằng Mỹ và Israel vẫn cứng rắn về nỗ lực ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo giới chuyên gia, những rào cản chính đối với tiến trình đàm phán tập trung vào những vấn đề mang tính kỹ thuật để đưa Tehran quay trở lại tuân thủ những cam kết hạt nhân của mình cũng như thời gian và mức độ nới lỏng các đòn trừng phạt mà Mỹ áp đặt với nước Cộng hòa Hồi giáo. Iran vẫn yêu cầu Washington gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và muốn đảm bảo rằng chính quyền tương lai của Mỹ sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân.

Khổng Hà
.
.