Tác động tiềm tàng khi Mỹ “bật đèn xanh” để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

Thứ Ba, 19/11/2024, 07:29

Truyền thông Mỹ và châu Âu đồng loạt đưa tin, Mỹ, Pháp và Anh đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do những nước này cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, một sự xoay chuyển về chính sách đáng chú ý, có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Theo các hãng truyền thông phương Tây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Các nguồn tin cho biết, các đòn tập kích của Ukraine có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 306km.

atacms.jpg -0
Hệ thống ATACMS có tầm bắn hơn 300km. Ảnh minh họa Defense Post.

Trong bài phát biểu được phát đi vào tối 17/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết kế hoạch tăng cường cho Ukraine chính là nội dung “Kế hoạch chấm dứt xung đột” mà ông đã trình bày với các đối tác. Một trong những điểm chính là tăng cường khả năng tấn công tầm xa cho quân đội Ukraine.

Tổng thống Zelensky cho rằng việc tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới là điều cần thiết để phá vỡ hoạt động quân sự của Nga và bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine. Theo một số hãng tin, trọng tâm trước mắt của Kiev có thể là các đơn vị của Nga đang tập trung ở khu vực Kursk, nơi Moscow chuẩn bị tiến hành cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ do Ukraine chiếm giữ.

Các nhà phân tích quân sự nhấn mạnh giá trị chiến lược của tên lửa ATACMS trong việc nhắm mục tiêu vào những tài sản có giá trị cao nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Những tài sản này bao gồm các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần và các điểm tập kết quân đội, vốn là các yếu tố chính làm nên sức mạnh quân sự của Nga.

Theo ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, những cuộc tấn công này có thể làm gián đoạn đáng kể hoạt động của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế lưu ý, ngay cả khi ATACMS chỉ được sử dụng ở các khu vực gần biên giới Ukraine, tên lửa này vẫn gây ra mối đe dọa đáng kể đối với lực lượng Nga.

Ông Kofman nhấn mạnh: “Loại vũ khí này có thể thay đổi những toan tính trên chiến trường, buộc các căn cứ chỉ huy và phòng không của Nga phải lùi ra xa tiền tuyến”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski đã hoan nghênh động thái trên trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Thông tin Mỹ dỡ bỏ hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nếu được xác nhận, sẽ đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden khi chỉ còn ít tuần nữa ông kết thúc nhiệm kỳ. Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây tỏ ra khá dè dặt với yêu cầu này.

Trong khi các quan chức quân sự Mỹ bày tỏ sự hoài nghi rằng việc cho phép các cuộc tấn công tầm xa sẽ thay đổi quỹ đạo chung của cuộc chiến thì quyết định này có thể giúp Ukraine vào thời điểm lực lượng Nga đang giành được lợi thế, có thể đưa Kiev vào vị thế đàm phán tốt hơn khi và nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra.

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng có thể dẫn tới những rủi ro đáng kể. Ngày 17/11, trước thông tin Tổng thống Mỹ dỡ bỏ quy định hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí của Washington để tấn công vào lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trích lại quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó về vấn đề này.

Theo bà Zakharova, vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là “những quyết định tương xứng” để ứng phó với những mối đe dọa mới.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky cảnh báo việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga, nếu được xác nhận, đồng nghĩa Washington tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine và do đó sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moscow.

Ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, cho biết quyết định của Washington cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga có thể dẫn đến “Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Ngoài ra, không thể không tính đến khả năng xung đột lan xa ngoài biên giới Nga và Ukraine. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh rằng xung đột phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Việc đưa ATACMS vào cuộc xung đột có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh NATO nói riêng và trong cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là khi các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách duy trì sự trung lập.

Quyết định này cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Ông Trump và các đồng minh của ông tại Quốc hội không ngần ngại bày tỏ ý định cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời ủng hộ việc gây sức ép buộc Kiev chấp nhận nhượng bộ Nga để nhanh chóng đạt được thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, thông tin Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công bên trong nước Nga đã làm phức tạp thêm chiến lược này.

Duy Tiến
.
.